Nhiều ý kiến tâm huyết về vấn đề phát huy nguồn lực trí thức kiều bào
(ĐCSVN) – Tham dự Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4 và Diễn đàn Trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024 (ngày 22/8, tại Hà Nội), các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến tâm huyết nhằm góp phần làm tốt hơn nữa công tác người Việt Nam ở nước ngoài và góp phần xây dựng, phát triển đất nước trong bối cảnh hiện nay.
Các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến tâm huyết góp phần làm tốt hơn nữa công tác người Việt Nam ở nước ngoài và góp phần xây dựng, phát triển đất nước trong bối cảnh hiện nay. (Ảnh: Kiều Giang) |
Ông Hoàng Đình Thắng, Chủ tịch Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu chia sẻ: “Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài dù ở đâu vẫn luôn mang trong mình tình cảm sâu nặng với quê hương, đất nước. Chúng tôi tin tưởng, phấn khởi và tự hào trước sự phát triển và vị thế ngày càng tăng của đất nước. Với tinh thần chia ngọt sẻ bùi, cùng gánh vác với nhân dân trong nước, chúng tôi mong muốn được đóng góp nhiều hơn nữa cho công cuộc phát triển đất nước”.
Thay mặt Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu, ông Hoàng Đình Thắng mong Nhà nước tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác người Việt Nam ở nước ngoài thành các quy định pháp luật cụ thể theo hướng để kiều bào được gần gũi hơn với quê hương với tư cách là người con đất Việt. Bên cạnh đó, cần có quyết sách mang tính đột phá để tạo thuận lợi cho kiều bào về vấn đề quốc tịch; cân nhắc điều chỉnh, bổ sung các quy định cho phép người Việt Nam ở nước ngoài được quyền tham gia ứng cử, bầu cử vào Quốc hội….
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, kiều bào Philippines, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương cho biết: “Trải qua nhiều năm đầu tư và kinh doanh ở Việt Nam, tôi nhận thấy hiện nay đang là cơ hội tốt nhất cho kiều bào trở về làm ăn tại Việt Nam. Thời gian qua, với tầm nhìn chiến lược, Chính phủ đã không ngừng hoàn thiện và ban hành các chính sách mới, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư, kinh tế, giáo dục và khoa học công nghệ. Nhờ đó môi trường đầu tư được cải thiện rõ rệt, tạo các cơ chế thuận lợi, không chỉ thu hút nguồn vốn mà còn là sự trở về của tri thức, kinh nghiệm và tinh thần sáng tạo từ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài”.
Theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, thế hệ trẻ là nguồn lực tiềm năng lớn cho đất nước. Chính phủ nên có chiến lược thu hút sinh viên, thanh niên Việt kiều về thực tập, khởi nghiệp, tham gia các dự án cộng đồng tại Việt Nam để giúp họ gắn kết với nguồn cội và mang đến những sáng kiến mới, góp phần phát triển đất nước.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, kiều bào Philippines, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương. (Ảnh: TTXVN) |
“Một điều rất đáng mừng là thời gian gần đây tôi nhận thấy có rất nhiều các bạn trẻ từ nước ngoài trở về Việt Nam lập nghiệp, trong đó có cả các bạn sinh ra ở nước ngoài. Điều này chứng tỏ có một sự dịch chuyển không nhỏ của tri thức từ nước ngoài về Việt Nam, đặc biệt là ở các nước có nền công nghệ và kinh tế phát triển”, ông ông Johnathan Hạnh Nguyễn nói. Bởi vậy, kiều bào Philippines đề nghị Chính phủ tạo điều kiện hơn nữa để các bạn trẻ kiều bào được thuận lợi trong việc xin quốc tịch Việt Nam mà vẫn giữ quốc tịch nước ngoài, làm căn cước… để có thể ổn định cuộc sống lâu dài ở Việt Nam.
Với chủ đề "Trí thức và chuyên gia kiều bào hiến kế về các vấn đề phát triển xanh, bền vững của đất nước", các đại biểu đã tập trung thảo luận các nội dung về chiến lược phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; giới thiệu về tiềm năng và khát vọng đóng góp cho quê hương, cũng như sự phát triển khoa học công nghệ tại Việt Nam; giới thiệu về cơ chế, kinh nghiệm thu hút trí thức, chuyên gia kiều bào.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc) |
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho rằng, yếu tố quyết định thành công của một quốc gia trong cuộc đua phát triển không phải là công nghệ mà chính là trí tuệ và nguồn lực con người. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, định hướng, cơ chế, chính sách đối với kiều bào ta ở nước ngoài tại nhiều văn bản quan trọng. Với nhiều nhiệm vụ quan trọng phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ mong muốn đội ngũ trí thức, chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài sẽ tích cực tham gia đóng góp vào các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt tin tưởng rằng, với quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng các chính sách đột phá nhằm tạo dựng môi trường thuận lợi, cùng sự chung tay và đóng góp của đội ngũ trí thức, chuyên gia người Việt Nam trên toàn thế giới, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chắc chắn sẽ trở thành động lực thúc đẩy hoàn thành công nghiệp hóa và hiện đại.
Nói về xu thế phát triển của trí tuệ nhân tạo trên thế giới và đề xuất đối với Việt Nam, TS. Lê Viết Quốc, nhà nghiên cứu trí tuệ nhân tạo tại Tập đoàn Google cho rằng: “Việt Nam nên nhận ra rằng tài sản lớn nhất của đất nước chính là con người. Dựa trên nền tảng này, chúng ta nên đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục về trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là ở bậc đại học. Việt Nam nên xây dựng một trường đại học tầm cỡ châu Á về trí tuệ nhân tạo, với các chương trình đào tạo chuyên sâu ngay từ những năm đầu. Tôi vui mừng chia sẻ rằng trong chuyến về nước lần này, Google đã quyết định đầu tư vào Đại học Fulbright, đặc biệt là trong chương trình giáo dục trí tuệ nhân tạo. Tôi tin rằng sự đầu tư này sẽ đặt nền tảng vững chắc cho sự đổi mới giáo dục trong lĩnh vực này tại Việt Nam”.
GS. Nguyễn Thị Kim Thanh (Đại học UCL, Vương quốc Anh, chuyên gia hóa học - vật liệu nano) phát biểu tại Diễn đàn. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc) |
Trong khi đó, trong bài tham luận về vai trò của trí thức kiều bào với hội nhập quốc tế trong khoa học của Việt Nam, GS. Nguyễn Thị Kim Thanh, Đại học UCL, Vương quốc Anh khẳng định: Ngay cả trong thời kỳ kinh tế khó khăn, chính phủ các quốc gia cần duy trì đầu tư vào cơ sở khoa học của mình để đảm bảo sự thịnh vượng kinh tế, khai thác các nguồn đổi mới và tăng trưởng mới cũng như duy trì các kết nối quan trọng trong bối cảnh nghiên cứu toàn cầu. Các hoạt động và hợp tác quốc tế cần được lồng ghép vào các chiến lược khoa học và đổi mới quốc gia để nền tảng khoa học trong nước được hưởng lợi tốt nhất từ đòn bẩy trí tuệ và tài chính của quan hệ đối tác quốc tế.
Theo GS. Nguyễn Thị Kim Thanh, hiện nay, tình hình hợp tác quốc tế về khoa học của Việt Nam vẫn ở mức độ thấp so với những nước phát triển như Mỹ, Vương Quốc Anh, Nhật, Đức, Pháp... nên cần được tăng cường hơn nữa. Viện Hàn lâm Trẻ Việt Nam có thể hỗ trợ tổ chức các triển lãm khoa học cho công chúng và học sinh với sự tài trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Giáo dục và Đào tạo…/.