Nhiều quyền lợi cho người nhiễm HIV/AIDS khi tham gia BHYT
(ĐCSVN) - Bảo hiểm y tế (BHYT) được xem là nguồn đảm bảo để người nhiễm HIV có thể tiếp cận được với các dịch vụ chăm sóc điều trị và thuốc ARV một cách bền vững, nhất là khi các nguồn lực tài trợ kinh phí cho việc điều trị HIV/AIDS cắt giảm. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân khác nhau, việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bằng BHYT của người nhiễm HIV ở Việt Nam vẫn còn rất thấp
Tại một buổi tọa đàm mới đây do vov.vn tổ chức, TS Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS chia sẻ nhiều vấn đề quan trọng để giúp người nhiễm HIV hiểu rõ hơn về quyền lợi của mình khi tham gia BHYT.
PV: Thưa TS Hoàng Đình Cảnh, xin ông cho biết thực trạng người nhiễm HIV tại Việt Nam?
TS Hoàng Đình Cảnh: Tính đến cuối năm 2015, trên toàn quốc có trên 220.000 người nhiễm HIV và hơn 80.000 người tử vong do AIDS. Số người nhiễm mới hàng năm được phát hiện là khoảng hơn 10.000 người.
Chúng ta đã tiến hành các biện pháp một cách toàn diện và đạt được kết quả khống chế dịch HIV bùng nổ trong 8 năm liên tục. Nếu như năm 2007, mỗi năm chúng ta phát hiện hơn 30.000 trường hợp nhiễm HIV mới thì đến nay con số này chỉ cònhơn 10.000 người. Tuy nhiên, đây vẫn là con số lớn. Với hơn 220.000 nhiễm đang sống, đây là một trong những gánh nặng lớn về công tác chăm sóc và điều trị cho ngành y tế, cũng như cộng đồng, đặc biệt là người nhiễm HIV và gia đình của họ.
PV: Thưa ông, người nhiễm HIV từ trước đến nay được điều trị HIV bằng thuốc ARV miễn phí từ các nguồn tài trợ. Vậy tại sao hiện nay chúng ta lại phải thúc đẩy việc người nhiễm HIV sử dụng thẻ BHYT?
TS Hoàng Đình Cảnh: Công cuộc phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam được sự quan tâm hỗ trợ hết sức mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, trong đó có những quỹ lớn như: PEPFAR, Quỹ toàn cầu và của các nước khác. Khi Việt Nam thoát khỏi nước nghèo thì các quỹ viện trợ sẽ cắt giảm dần theo một lộ trình và chúng ta phải sử dụng nội lực để huy động nguồn lực cho công tác phòng chống HIV/AIDS. Trong đó cần phải bù đắp phần thiếu hụt do nguồn viện trợ quốc tế bị cắt giảm.
Một trong những giải pháp để đảm bảo nguồn tài chính bền vững cho công tác này, thứ nhất phải tăng nguồn từ Chính phủ bao gồm từ Trung ương và các tỉnh thành chi cho công tác phòng chống HIV/AIDS. Giải pháp thứ 2 cũng hết sức khả thi, có tính bền vững là sử dụng nguồn từ BHYT để thanh toán chi phí chăm sóc, điều trị, xét nghiệm cho người nhiễm HIV/AIDS, bao gồm cả thuốc điều trị ARV. Để làm được việc này, đương nhiên người nhiễm phải có thẻ BHYT, bởi thuốc ARV là từ nguồn viện trợ quốc tế sẽ chấm dứt và trong tương lai gần nguồn thuốc này hoàn toàn sẽ được cấp từ nguồn BHYT.
PV: Ông cho rằng người nhiễm HIV không mua BHYT sẽ trở thành gánh nặng cho xã hội?
TS Hoàng Đình Cảnh: Vấn đề duy trì để tăng độ bao phủ hoặc duy trì được độ bao phủ bệnh nhân đang điều trị ARV hiện nay khi nguồn thuốc quốc tế cắt giảm là một thách thức lớn của chúng ta hiện nay. Về vấn đề này, Bộ Y tế cũng đã hết sức quan tâm và có giải pháp phối hợp với các bộ ngành, địa phương để giải quyết. Nếu chúng ta không duy trì được thuốc sẽ dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, độ bao phủ của độ bao phủ trong phòng chống HIV/AIDS, chăm sóc điều trị sẽ giảm. Nguy cơ lớn nhất là người nhiễm HIV không có BHYT gặp khó khăn tài chính khi điều trị ARV nên bỏ trị của người đang điều trị bằng ARV dẫn đến tình trạng kháng thuốc, đưa đến hệ lụy hết sức nguy hiểm cho xã hội khi trong cộng đồng xuất hiện chủng kháng thuốc HIV/AIDS, khi đó công tác điều trị sẽ vô cùng khó khăn và tốn kém gấp bội phần.
PV: Thông tư 15 có hiệu lực từ 15/8/2015, nhưng đến nay còn gặp nhiều vướng mắc, nhất là chi trả. Việc tháo gỡ như thế nào?
TS Hoàng Đình Cảnh: Vấn đề mua sắm, cung ứng và thanh toán thuốc ARV cho bệnh nhân HIV/AIDS là vấn đề khá phức tạp và mới, cho nên có nhiều vướng mắc khi thực hiện. Trên quan điểm của Bộ Y tế cũng như của BHXH sẽ tiến hành, vưỡng đến đâu sẽ quyết liệt tháo gỡ đến đó.
Thứ nhất, về vấn đề đấu thầu mua thuốc ARV. Từ trước đến nay chúng ta chỉ nhận thuốc viện trợ từ các nguồn quốc tế, hoặc mua một một nguồn ít từ chương trình quốc gia. Tuy nhiên, bây giờ phải mua một lượng lớn, hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Để thuận tiện cho việc cung ứng thuốc, hiện nay trên toàn quốc chúng ta có 349 điểm đang điều trị ARV, gần 550 điểm cấp phát tại xã phường. Để cung ứng thuốc phải có cơ chế đấu thầu và trên quan điểm đấu thầu tập trung để hạ giá thuốc xuống mức thấp nhất, thuận lợi nhất.
Thứ hai, vấn đề cung ứng. Hiện chúng ta có các đơn vị cung ứng cấp thuốc cho các điểm điều trị cũng như điều phối khi các điểm này thừa hoặc thiếu thuốc.
Thứ ba là thanh toán. Hiện đối với các bệnh khác đang thanh toán bình thường theo như bảo hiểm với bệnh viện, theo tuyến. Tuy nhiên việc thanh toán như thế này với thuốc ARV gặp những khó khăn, bởi vì gây khó khăn trong công tác điều phối. Bên cạnh đó, chúng ta đang có những cơ chế hỗ trợ cho người nhiễm về đồng chi trả. Bộ Y tế đang xin trình Chính phủ cho thanh toán tập trung.
Về vấn đề có thẻ bảo hiểm cho người nhiễm: Như chúng ta đã biết, có rất nhiều người nhiễm trong nhóm yếu thế, cần có sự hỗ trợ của xã hội. Khác với những bệnh khác, người nhiễm HIV còn bị cạnh sự kỳ thị, phân biệt đối xử người nhiễm vì nhiều người có liên quan đến sử dụng ma túy, mại dâm…
Chính vì vậy, chúng ta đã trình Thủ tướng Chính phủ và đã đồng ý cho cơ chế tìm kiếm các nguồn hỗ trợ để mua thẻ cho những đối tượng khó khăn. Như vậy, ngoài việc được hưởng chế độ giảm hoàn toàn hoặc miễn giảm 1 phần đối với các đối tượng chính sách chung của ngành bảo hiểm xã hội, ngoài ra người nhiễm HIV được hưởng thêm một phần từ quỹ hỗ trợ mà hiện nay đã có 20 tỉnh thành phố đang triển khai.
PV: Thưa BS Hoàng Đình Cảnh, ông có thể cho biết, khi tham gia BHYT, người nhiễm HIV sẽ được hưởng những quyền lợi gì?
TS Hoàng Đình Cảnh: Người nhiễm HIV bên cạnh việc được khám, điều trị, xét nghiệm và được thanh toán theo chế độ của bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, họ được cấp thuốc kháng virus, được hưởng các chế độ liên quan đến những bệnh nhiễm trùng cơ hội và được thanh toán liên quan đến chế độ thai sản nếu bị nhiễm HIV.
Người nhiễm HIV tham gia BHYT có thể đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn cấp huyện, cấp tỉnh. Người nhiễm HIV đang điều trị ARV ở đâu, nếu có nhu cầu, thì được tiếp tục điều trị tại cơ sở đó khi tham gia BHYT.
Như vậy, người nhiễm HIV sẽ được thanh toán từ bảo hiểm y tế nếu họ có thẻ.
PV: Thưa TS Cảnh, ông có thể cho biết, theo Thông tư 15, mức hỗ trợ cụ thể của BHYT đối với người nhiễm HIV như thế nào? (gồm cả những người nhiễm H đang điều trị bằng thuốc ARV. Mức chi trả cho họ)?
TS Hoàng Đình Cảnh: Người nhiễm HIV vẫn được hưởng chế độ BHYT như các bệnh nhân khác. Theo Thông tư 15, mức hỗ trợ trong các dịch vụ liên quan đến HIV như sau:
Người tham gia BHYT nhiễm HIV và người tham gia BHYT khi sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến HIV/AIDS được hưởng quyền lợi theo phạm vi quyền lợi, mức hưởng theo quy định của pháp luật về BHYT.
Người tham gia BHYT nhiễm HIV và người tham gia BHYT khi sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến HIV/AIDS được quỹ BHYT chi trả:
a) Thuốc (bao gồm cả thuốc ARV), hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật thuộc phạm vi chi trả của quỹ BHYT;
b) Xét nghiệm HIV đối với phụ nữ trong thời kỳ mang thai và khi sinh con theo yêu cầu chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh nếu không được các nguồn kinh phí khác chi trả;
c) Kỹ thuật đình chỉ thai nghén ở phụ nữ mang thai nhiễm HIV;
d) Khám bệnh, xét nghiệm HIV, thuốc ARV và các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh HIV/AIDS khác đối với trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV;
đ) Xét nghiệm HIV theo yêu cầu chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh (trừ chi phí xét nghiệm HIV đối với người hiến bộ phận cơ thể người, người cho tinh trùng, noãn);
e) Xét nghiệm HIV, điều trị bằng thuốc kháng HIV đối với người phơi nhiễm với HIV, người nhiễm HIV do tai nạn rủi ro (trừ các trường hợp tai nạn rủi ro nghề nghiệp đã được ngân sách nhà nước chi trả);
g) Điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội.
Ngoài ra theo Thông tư 15: Trường hợp có nhu cầu, người tham gia BHYT nhiễm HIV được đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu tại một trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu có khám bệnh, chữa bệnh HIV/AIDS trong địa bàn cấp huyện, cấp tỉnh./.