Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Nhiều phụ huynh vẫn “đau đầu” với việc học trực tuyến của con

Thứ Tư, 22/09/2021 10:27 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Bên cạnh những ưu điểm mà học trực tuyến đang mang lại khi tình hình dịch COVID-19 phức tạp như ở TP Hồ Chí Minh hiện nay, chúng ta cũng thấy còn rất nhiều vấn đề đang là nỗi lo của không ít phụ huynh.

 Bé gái đang là học sinh lớp 1 trên địa bàn quận 7 (TP Hồ Chí Minh). Con đang trong giờ học trực tuyến với cô giáo vào buổi tối

Sau hơn 2 tuần TP Hồ Chí Minh triển khai phương pháp học trực tuyến, có thể thấy đối với học sinh cấp 1 còn những bất cập đang khiến nhiều gia đình “đau đầu’, chưa thể thích nghi được.

Trước hết về mặt nội dung, ngành giáo dục Thành phố cũng đang cân nhắc, điều chỉnh dần cho phù hợp sau khi lắng nghe ý kiến của phụ huynh và học sinh từ thực tế các buổi học. Ngành giáo dục đào tạo Thành phố xác định dạy, học trực tuyến vừa là nhiệm vụ chung của toàn ngành, vừa là một trong những cách chia sẻ khó khăn chung của xã hội. Việc dạy, học không nhằm chạy theo tiến độ chương trình mà để đảm bảo quá trình giáo dục liên tục cho học sinh. Theo quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố, mỗi tiết học trực tuyến đối với học sinh tiểu học chỉ kéo dài 20-25 phút, mỗi buổi học không quá 4 tiết.

 Tuy nhiên, trên thực tế, chương trình học của học sinh lớp 4,5 còn khá nhiều nội dung. Một số phụ huynh có con đang theo học cấp học này cho biết, ở tuần đầu tiên chỉ là làm quen thì các bé khá thoải mái, nhưng sang tuần thứ hai đi vào học chính thức, thấy các bé hay than mệt.

Chị V.T.T.L có con đang học lớp 4 tại quận Gò Vấp cho rằng, chương trình lớp 4 bình thường cũng đã là chương trình khó và quan trọng đối với các bé ở cấp 1. Trước đây, ba mẹ phải thúc giục mãi thì con mới đi ngủ, hầu như hôm nào cũng 10 -11 giờ tối. Nhưng khi vào học chính thức, buông đũa buông chén là tự động xin đi ngủ vì “nay con học mệt”. Do bé nhà chị V.T.T.L đang học lớp tích hợp, do vậy ngoài chương trình học nội dung như các học sinh khối 4 khác, các em còn học 4 buổi tiếng Anh/tuần, mỗi buổi kéo dài tầm 1 tiếng 40 phút. “Mặc dù các tiết học được quy định 20-25 phút nhưng khi các con chưa hiểu bài, các cô giáo cũng đâu thể kết thúc tiết học, cũng phải cố gắng giảng giải. Giữa các giờ học có giải lao, song việc tiếp xúc với các phương tiện như máy tính, ipad, điện thoại quá nhiều như này tôi cũng lo sẽ ảnh hưởng tới thị lực của cháu”, chị V.T.T.L cho biết.

Một vấn đề nữa cũng được nhiều phụ huynh phản ánh vẫn là đường truyền không ổn định. Anh Bùi Phú Đức có con đang học lớp 1 tại địa bàn quận 1 cho biết, đồng hành cùng con anh thấy nội dung chương trình lớp 1 của cô dạy khá hay, các bé cũng vừa học vừa chơi nhưng thỉnh thoảng có bé lại bị “rớt” mạng, thậm chí nhiều lần cô giáo cũng bị “văng” ra, "biến mất", khiến cho chương trình học cũng bị gián đoạn.

Chị Mai (ngụ tại TP Thủ Đức) chia sẻ, dù năm trước các con đã được tiếp cận phương pháp học này, nhưng năm nay cũng vẫn còn bỡ ngỡ. Thời gian này, chị phải sắp xếp công việc để ngồi học cùng con, một phần để hướng dẫn con, một phần lo các bé “táy máy” mở vào các trang mạng không lành mạnh sau khi học xong. Ngồi học cùng con chị Mai thấy cũng rất nhiều lần đường truyền không ổn định, bé liên tục xin cô vào lớp vì bị “bật” ra ngoài lớp!

Không chỉ gặp khó khăn về đường truyền, một số phụ huynh có 2 con theo học còn căng thẳng vì 2 bé cùng học trên một thiết bị, rất khó xoay sở, nhiều khi phải cho một bé học bằng điện thoại, màn hình thì bé xíu, lại có khi đang học ba mẹ có người gọi tới làm ảnh hưởng việc học của con. Hơn nữa, nhiều phụ huynh không giỏi về công nghệ thì đúng rất bối rối, do mỗi lớp học một phần mềm khác nhau, giờ giấc cũng khác nhau. Để nhớ link của buổi học, ID, pass rồi giờ học từng môn học thôi, các phụ huynh cũng “đuối”. Thậm chí, có lớp hiện nay đang phải học vào buổi tối, cũng đang làm xáo trộn các sinh hoạt chung của gia đình, đặc biệt là làm rối loạn nhịp sinh học của trẻ.

Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh giờ đang lo lắng khi sắp tới, TP Hồ Chí Minh sẽ nới lỏng giãn cách, các hoạt động lao động, sản xuất, kinh doanh sẽ dần trở lại. Khi ấy, không biết ba, mẹ phải đi làm thì ai sẽ hướng dẫn các bé học, nhất là các bé học lớp 1, khi hiện nay hầu hết phụ huynh đang phải kèm 1-1. Còn nếu nhà trường cho các con đi học trực tiếp, khi các con chưa được chích ngừa vắc xin COVID-19 lỡ lây bệnh thì sao?

Đúng là phải trong hoàn cảnh có con nhỏ đang theo học chương trình trực tuyến hiện nay mới hiểu hết nỗi lo lắng của các bậc phụ huynh. Cùng đồng hành với gia đình và các bé, bản thân các thầy, cô cũng luôn động viên các con trong mỗi giờ học. Tuy nhiên, mỗi thầy cô có phương pháp dạy khác nhau, trình độ về công nghệ khác nhau nên cũng khiến cho việc tiếp cận của học sinh khó đồng đều.

Theo các chuyên gia giáo dục, khó khăn lớn nhất đối với hình thức học trực tuyến chính là tâm lý của học sinh khi chuyển đổi từ trạng thái học tập bình thường qua học tại nhà với môi trường học tập và cách thức học tập rất khác. Việc thay đổi trạng thái tâm lý đòi hỏi học sinh có thời gian thích nghi, nhất là học sinh nhỏ tuổi. Bởi các bạn nhỏ thường khó tập trung. Nếu nội dung học không hấp dẫn, thì rất khó để “lôi kéo” các em ngồi lại.

Cùng với đó, khi có quá nhiều thời gian tiếp xúc với các thiết bị học trực tuyến, các con có thể gặp các vấn đề về mắt do ảnh hưởng từ ánh sáng xanh. Các con cũng có thể gặp vấn đề về cổ, lưng, đau đầu, lo sợ…Các chuyên gia cho rằng, rất cần sự hỗ trợ từ phía gia đình, cần trò chuyện, tạo cho con những trò chơi để tránh các bé tiếp xúc thêm với các trò chơi trên mạng. Theo TS Nguyễn Thanh Hải, Viện Nghiên cứu giáo dục STEM, Đại học Missouri (Mỹ) cho rằng, trong thời gian dạy học trực tuyến, do ảnh hưởng của dịch bệnh, vai trò của giáo viên tư vấn tâm lý học đường và giáo viên chủ nhiệm rất quan trọng trong việc đồng hành cùng con, để giúp các bé vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Bên cạnh đó, trong quá trình soạn bài, giáo viên cũng cần tổ chức nội dung giảng dạy theo nhóm. Và phân rõ nhóm bài nào cần tương tác trực tiếp, nhóm bài nào để học sinh tự học và gửi lại kết quả để đỡ áp lực học cho học sinh.

Vẫn biết, dù hình thức học này là lựa chọn thích ứng phù hợp với tình hình dịch bệnh phức tạp như trên địa bàn TP Hồ Chí Minh hiện nay, đảm bảo an toàn cho chính các em học sinh, song những khó khăn về đường truyền, áp lực tâm lý lứa tuổi, cũng như những xáo trộn về sự tương tác giữa học sinh, giáo viên và phụ huynh đang là những khó khăn rất cần sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình để có những biện pháp khắc phục tốt hơn nữa trong thời gian tới nhằm giúp cho việc học đạt hiệu quả thật sự. Làm sao để khi học, các con không chỉ nắm được kiến thức cơ bản mà còn tạo ra sự vui vẻ, tâm lý thoải mái, hứng khởi bởi trạng thái tâm lý là vô cùng quan trọng, nó sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống, học tập sau này của trẻ./.

Bài, ảnh: V.Lê

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN