Nhiều nước châu Âu siết chặt an ninh sau vụ tấn công ở Moscow
(ĐCSVN) – Nhiều nước châu Âu đã siết chặt các biện pháp kiểm soát an ninh sau vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại nhà hát Crocus City Hall ở thủ đô Moscow (Nga) khiến hàng trăm người thiệt mạng.
Cảnh sát tuần tra Quảng trường Trocadero, thủ đô Paris (Pháp), ngày 25/3/2024. (Ảnh: VCG) |
Sau cuộc họp về tình hình trật tự và an ninh công cộng, ngày 25/3, Bộ Nội vụ Italia đã chỉ thị lực lượng cảnh sát nước này tăng cường hoạt động giám sát trong dịp Lễ Phục sinh, đặc biệt tại những nơi có lượng người tập trung và quá cảnh đông nhất, cũng như tất cả các mục tiêu “nhạy cảm" như sân bay, nhà ga và các địa điểm văn hóa và tôn giáo.
Bên cạnh đó, lực lượng an ninh và tình báo Italia cũng được chỉ thị tiếp tục “giám sát thận trọng các hoạt động trên môi trường mạng… để xác định bất kỳ tình huống rủi ro nào có thể xảy ra”.
Theo khảo sát của Hiệp hội Du lịch và Khách sạn Federalberghi của Italy, ít nhất 10,5 triệu người dân Italia dự kiến sẽ đi du lịch, trong khi có khoảng 3,3 triệu du khách nước ngoài sẽ tới Italia trong dịp Lễ phục sinh từ ngày 29/3 đến ngày 1/4 tới đây.
Trước đó, Chính phủ Italia đã nâng mức đe dọa an ninh lên cấp độ tối đa ngay sau vụ tấn công ở Moscow vào tối 22/3.
Các biện pháp tương tự cũng được Chính phủ Pháp công bố ngày 24/3, sau khi Thủ tướng Gabriel Attal quyết định nâng hệ thống cảnh báo an ninh quốc gia Vigipirate lên cấp độ cao nhất là "tấn công khẩn cấp".
Quyết định này được đưa ra chỉ vài tháng trước thời điểm khai mạc Thế vận hội Olympic tại thủ đô Paris vào tháng 7 tới. Vigipirate là công cụ quan trọng trong hệ thống chống khủng bố của Pháp, gồm sự tham gia của cả các tổ chức công và tư nhân trong các nỗ lực nhằm bảo đảm an ninh cho đất nước.
Tuần trước, Chính phủ Đan Mạch đã nâng mức cảnh báo an ninh do mối đe dọa khủng bố gia tăng. Mức độ đe dọa hiện vẫn được xác định ở cấp độ tối đa.
Trong khi đó, Chính phủ Anh duy trì mức độ đe dọa quốc gia hiện tại ở mức "đáng kể" hoặc mức trung bình, cao thứ ba trong hệ thống 5 cấp của nước này.
Tại Đức, người phát ngôn Bộ Nội vụ Cornelius Funke cho biết mối đe dọa từ các phần tử Hồi giáo cực đoan "vẫn còn nghiêm trọng" và rủi ro của nước Đức cho đến nay vẫn không thay đổi sau vụ tấn công ở Moscow.
Ở Serbia, từ cuối tuần qua, nhiều người đã nhìn thấy cảnh sát mật mang súng máy tuần tra trên đường phố Belgrade. Tổng thống Aleksandar Vucic cho biết cảnh sát mật và cảnh sát mặc thường phục sẽ giám sát các địa điểm thể thao và trung tâm mua sắm ở thủ đô. Tuy nhiên, biện pháp này của ông Vucic đang vấp phải nhiều chỉ trích vì cho rằng không cần thiết và khiến người dân sợ hãi./.