Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Nhiều nước châu Âu công nhận Nhà nước Palestine

Thứ Năm, 23/05/2024 09:45 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Việc một số nước châu Âu gồm Tây Ban Nha, Na Uy và Ireland thông báo chính thức công nhận nhà nước Palestine sẽ phần nào thúc đẩy những nỗ lực của Palestine để gia nhập Liên hợp quốc. Tuy nhiên, động thái này lại được cảnh báo sẽ gây căng thẳng trong quan hệ với Israel.

Khách bộ hành đi ngang qua quốc kỳ Palestine ở Oslo, thủ đô Na Uy, ngày 22/5/2024. (Ảnh: Chen Yaqin/Tân Hoa Xã) 

Phát biểu trong cuộc họp báo tại Oslo, ngày 22/5, Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Store đã tỏ rõ quan điểm ủng hộ việc trao cho Palestine tư cách thành viên đầy đủ tại Liên hợp quốc.

"Việc Na Uy chính thức công nhận Palestine là một Nhà nước sẽ có hiệu lực vào ngày 28/5. Sẽ không có hòa bình ở Trung Đông nếu không có giải pháp hai nhà nước. Và không thể có giải pháp hai nhà nước nếu không có một nhà nước Palestine. Nói cách khác, một nhà nước Palestine là điều kiện tiên quyết để mang lại hòa bình cho Trung Đông" - ông Store nói.

Thủ tướng Na Uy giải thích thêm rằng việc phân định lãnh thổ giữa Palestine và Israel nên dựa trên đường biên giới trước năm 1967, trong đó Jerusalem đóng vai trò là thủ đô của cả hai nước. Lập trường này không ảnh hưởng đến giải pháp cuối cùng về biên giới, có thể bao gồm cả việc hoán đổi đất đai.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Na Uy Espen Barth Eide nhấn mạnh sự cần thiết cấp thiết của việc thiết lập lệnh ngừng bắn ở Gaza. Ông nói: “Điều cấp bách nhất vào lúc này là đạt được lệnh ngừng bắn, đảm bảo có đủ viện trợ nhân đạo cho người dân Gaza và giải phóng các con tin”.

Cùng ngày, Thủ tướng Ireland Simon Harris và Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cũng lên tiếng xác nhận việc sẽ cùng Na Uy công nhận Nhà nước Palestine.

Phát biểu tại Dublin, thủ đô Ireland, ông Harris nói: “Hôm nay Ireland, Na Uy và Tây Ban Nha đã thông báo về việc công nhận Nhà nước Palestine. Mỗi nước chúng tôi sẽ thực hiện các bước đi cần thiết để quyết định đó có hiệu lực”.

Giải pháp hai nhà nước là kế hoạch thành lập một nhà nước Palestine trên lãnh thổ do Israel kiểm soát từ năm 1967, được Liên hợp quốc và nhiều quốc gia ủng hộ. Nếu được thực hiện, những người định cư Israel có thể sẽ bị yêu cầu dời khỏi các vùng lãnh thổ này.

Theo quan điểm của Thủ tướng Ireland “một nền hòa bình vĩnh viễn chỉ có thể được bảo đảm trên cơ sở ý chí tự do của một dân tộc tự do."

“Người Palestine ở Gaza đang phải chịu đựng những điều kinh khủng, đau khổ, khó khăn và đói khát ở cấp độ nghiêm trọng nhất… Một thảm họa nhân đạo không thể tưởng tượng được đối với hầu hết mọi người và gây nhức nhối lương tâm đối với tất cả mọi người lại đang diễn ra trong thời gian thực” – nhà lãnh đạo Ireland nói.

Trong khi đó, việc Tây Ban Nha công nhận Nhà nước Palestine cũng sẽ có hiệu lực vào ngày 28/5, sau phiên họp của Hội đồng Bộ trưởng nước này. Thủ tướng Pedro Sanchez lý giải rằng Tây Ban Nha công nhận Nhà nước Palestine "vì hòa bình, công lý và nhất quán". Ông cũng kêu gọi Palestine và Israel tham gia đối thoại để đạt được giải pháp hai nhà nước, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải chấm dứt các vụ lạm dụng được báo cáo ở các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng.

Ngày 22/5, Tổng thống Palestine đã lên tiếng hoan nghênh sự công nhận này. Trong một tuyên bố được đăng tải trên hãng thông tấn chính thức WAFA, các nhà lãnh đạo Palestine cho biết họ đánh giá cao sự đóng góp của Na Uy, Ireland và Tây Ban Nha trong việc thúc đẩy quyền tự quyết của người dân Palestine trên vùng đất của mình, cũng như thực hiện các bước đi thực tế để hỗ trợ việc thực hiện giải pháp hai nhà nước.

Tuy nhiên, trái với sự đón nhận của Palestine, Ngoại trưởng Israel Israel Katz, ngày 22/5 cho biết ông đã chỉ thị triệu hồi ngay lập tức các Đại sứ Israel tại Ireland và Na Uy để tham vấn về quyết định của các nước này về việc công nhận Nhà nước Palestine.

Trên mạng xã hội X, ông Katz nhấn mạnh: "Tôi sẽ gửi đi một thông điệp rõ ràng ngày hôm nay, đó là Israel không lùi bước trước những bên làm suy yếu chủ quyền và gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia của chúng tôi".

Những phản ứng khác nhau từ châu Âu

Một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về tình hình ở Dải Gaza hồi tháng 3. Ảnh: Reuters 

Việc Tây Ban Nha, Na Uy và Ireland công nhận Nhà nước Palestine đã gây ra những phản ứng trái chiều ở châu Âu.

Hiện Malta, Slovenia và Slovakia bày tỏ sự ủng hộ động thái này, thậm chí Slovenia đã khởi động các bước hướng tới công nhận Nhà nước Palestine.

Ngày 9/5, Chính phủ Slovenia đã công bố các thủ tục để chính thức công nhận Nhà nước Palestine. Ngoại trưởng Tanja Fajon bày tỏ hy vọng rằng các thủ tục sẽ được hoàn thành càng sớm càng tốt vì Slovenia muốn đóng vai trò trong việc đảm bảo chấm dứt nỗi kinh hoàng ở Gaza.

Trong khi đó, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Malta cũng nhấn mạnh lập trường sẵn sàng công nhận Nhà nước Palestine, song sẽ đợi cho đến khi sự công nhận đó có thể mang lại sự đóng góp tích cực trong hoàn cảnh phù hợp.

Ngoại trưởng Slovakia Juraj Blanar cũng bày tỏ lập trường ủng hộ nghị quyết thúc đẩy các quyền của Nhà nước Palestine. Theo ông, đây là cách duy nhất để đạt được hòa bình bền vững trong khu vực, đồng thời khẳng định quyền lịch sử của Palestine về quyền tự quyết cũng như có được một vị trí trong Liên hợp quốc.

Tuy nhiên, trái với sự đón nhận nói trên, một số nước châu Âu khác gồm CH Séc, Hà Lan và Litva lại bày tỏ thái độ thận trọng trước việc công nhận Nhà nước Palestine.

Thủ tướng CH Séc Petr Fiala cho rằng việc công nhận Palestine là một nhà nước là vô nghĩa nếu không rõ ai đại diện cho nước này và trên lãnh thổ nào.

Trong khi đó, Chính phủ Hà Lan khẳng định không công nhận Nhà nước Palestine và lập trường này cũng có thể sẽ không thay đổi trong thời gian tới.

Về phía Tổng thống Litva Gitanas Nausea cảnh báo rằng việc công nhận tư cách nhà nước của Palestine có thể làm leo thang xung đột giữa Israel và Hamas.

Các bộ trưởng hàng đầu tại Bỉ cũng vừa nhóm họp để xem xét tình hình ở Gaza, nhưng không đạt được thỏa thuận nào về khả năng công nhận Nhà nước Palestine.

Về phía Ngoại trưởng Pháp Stephane Sejourne cho biết việc công nhận Nhà nước Palestine không phải là điều không thể thực hiện, song ông cũng nhấn mạnh về thời điểm và cho biết các điều kiện hiện vẫn chưa được đáp ứng. Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cũng đưa ra tuyên bố tương tự.

Vào năm 2011 Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã gửi đơn đăng ký trở thành thành viên thứ 194 của Liên hợp quốc. Sau hơn 1 thập niên nỗ lực, con đường gia nhập Liên hợp quốc của Palestine vẫn gặp nhiều trắc trở và giải pháp hai nhà nước cho vấn đề Palestine - Israel cũng vì thế mà vẫn còn xa vời./.

T.Lan (Theo báo chí nước ngoài)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN