Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Nhiều nơi "trắng" tổ chức hành nghề công chứng

Thứ Tư, 28/08/2024 16:52 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Đại biểu Quốc hội nêu thực tế, một số địa phương ở các huyện vùng sâu, vùng xa không có tổ chức hành nghề công chứng nên người dân rất khó khăn khi có nhu cầu công chứng. Người dân ở những huyện này khi có nhu cầu công chứng thì phải di chuyển ít nhất là khoảng 50 km và xa nhất phải di chuyển đến 200 km.

Chiều 28/8, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến dự án Luật Công chứng (sửa đổi). Nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu là mô hình Văn phòng công chứng (VPCC).

Phát biểu ý kiến, đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đoàn Đắk Nông) cho biết, thực hiện phiên giải trình của Uỷ ban Pháp luật năm 2023, khi đi khảo sát thực tế tại một số địa phương đã báo cáo giải thể phòng công chứng của nhà nước. Tuy nhiên, sau khi giải thể lại không thể thành lập được phòng công chứng nữa. Do đó, một số địa phương ở các huyện vùng sâu, vùng xa không có tổ chức hành nghề công chứng.

“Ở tỉnh Bắc Giang, có hai huyện là Sơn Động và Yên Thế hiện nay "trắng" tổ chức hành nghề công chứng” - đại biểu ví dụ.

Một trong những giải pháp để giải quyết vấn đề trên, theo đại biểu Giang là có thể cho phép thành lập tổ chức hành nghề công chứng tư nhân theo mô hình một công chứng viên. 
Đại biểu Trần Nhật Minh (Đoàn Nghệ An) phát biểu ý kiến

 Đồng tình quan điểm trên, đại biểu Trần Nhật Minh (Đoàn Nghệ An) dẫn số liệu, sau 5 năm thi hành Luật Công chứng năm 2006, trong đó quy định văn phòng công chứng hoạt động theo hai loại hình là doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh, cả nước đã thành lập được 487 văn phòng công chứng. Trong đó, có đến 352 văn phòng công chứng hoạt động theo mô hình doanh nghiệp tư nhân, chiếm 72%, chỉ có 135 văn phòng công chứng hoạt động theo mô hình công ty hợp danh. Bên cạnh đó, có 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có văn phòng công chứng được thành lập nhưng có tới 43 tỉnh, thành phố không tồn tại văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo mô hình công ty hợp danh. 

Qua đó có thể thấy, mô hình công ty hợp danh không được các công chứng viên lựa chọn nhiều để thành lập văn phòng công chứng. Văn phòng công chứng theo mô hình doanh nghiệp tư nhân chỉ mất đi khi Luật Công chứng năm 2014 không quy định loại hình này.

 “Việc loại bỏ loại hình doanh nghiệp tư nhân của VPCC không chỉ làm hạn chế quyền tự do lựa chọn hình thức kinh doanh của VPCC mà còn gây khó khăn trong tổ chức hoạt động của VPCC” 

Thực tế chứng minh, công ty hợp danh không phải là loại hình tối ưu đối với tổ chức và hoạt động của văn phòng công chứng, bởi vì có thể bị phá vỡ khi có công chứng viên chết… không tiếp tục hành nghề. Do vậy, việc quy định VPCC chỉ được hoạt động theo loại hình công ty hợp danh phải có hai công chứng viên trở lên. Quy định này còn làm hạn chế việc triển khai chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng.

“Tại Nghệ An hiện nay có tới 39 tổ chức hành nghề công chứng nhưng có tới 6/21 huyện miền núi chưa có tổ chức hành nghề công chứng nên người dân rất khó khăn khi có nhu cầu công chứng. Người dân ở những huyện này khi có nhu cầu công chứng thì phải di chuyển ít nhất là khoảng 50km và xa nhất phải di chuyển đến 200km” - đại biểu ví dụ. 

Góp ý nội dung này, đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn Hoà Bình) đề nghị nên sửa đổi quy định trên theo hướng cho phép VPCC được tổ chức theo 02 loại mô hình doanh nghiệp là doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty hợp danh. 

Đại biểu phân tích, theo quy định tại Điều 177, 188 của Luật Doanh nghiệp, cả hai loại hình doanh nghiệp là công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân tuy có sự khác nhau về số lượng thành viên làm chủ doanh nghiệp, nhưng có sự giống nhau là chủ doanh nghiệp đều phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động, nghĩa vụ của doanh nghiệp.

“Như vậy, về mặt mô hình cả 2 loại hình doanh nghiệp này đều có thể tạo sự tin tưởng cho đối tác, khách hàng bởi chế độ trách nhiệm vô hạn” - đại biểu nói. Thực tiễn hiện nay, rất nhiều phòng công chứng hoạt động chỉ có 1 công chứng viên duy nhất vẫn hoạt động thường xuyên đảm bảo nhu cầu cho người dân./.

Minh Thư

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN