Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Nhiều nguy cơ thiếu điện giai đoạn sau năm 2020

Thứ Năm, 09/08/2018 18:53 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Theo Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), nguy cơ thiếu điện có thể sẽ xảy ra từ năm 2021 – 2023 và đỉnh điểm sẽ là năm 2022, để giải được mối nguy này đảm bảo cho an ninh năng lượng quốc gia là một vấn đề khá nan giải.

Diễn đàn Năng lượng Việt Nam với chủ đề: "Những thách thức trong đảm bảo an ninh năng lượng gắn với phát triển bền vững" do Bộ Công Thương tổ chức ngày 9/8/2018 tại Hà Nội đã đi sâu vào "mổ xẻ" về vấn đề này.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng phát biểu tại Diễn đàn (Ảnh: KD)

Bài toán khó khăn của ngành điện

Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh, nguy cơ thiếu điện sẽ bắt đầu ngay trong những năm đầu tiên của giai đoạn 2020-2030, và giai đoạn thiếu điện đỉnh điểm sẽ là năm 2022.  

Nhiều ý kiến tại diễn đàn cũng cho rằng, nguy cơ thiếu điện đang  hiện hữu và điều này đe dọa đến mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Theo ông Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, hiện chúng ta đang gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo điện nói riêng, đảm bảo an ninh năng lượng nói chung, nhất là trong bối cảnh chúng ta đã quyết định dừng xây dựng các dự án điện hạt nhân nhưng các nguồn điện thay thế cho điện hạt nhân chủ yếu là năng lượng tái tạo còn đang gặp nhiều vướng mắc.

Theo ông Ngô Sơn Hải - Phó Tổng Giám đốc EVN, để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện cho phát triển kinh tế - xã hộitrong giai đoạn 2003 - 2018, Tập đoàn đã hoàn thành đưa vào vận hành 40 nhà máy điện với tổng công suất 20.586 MW. Đáng chú ý, nhiều công trình nguồn điện lớn đã đưa vào vận hành vượt tiến độ. Thông tin của lãnh đạo EVN cho biết, đến cuối năm 2018, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống dự kiến đạt 47.768MW (tăng 5,41 lần so với năm 2003) đứng thứ 2 trong các nước ASEAN (sau Indonesia) và thứ 25 thế giới.

Diễn đàn thu hút đông đảo đại diện ban, ngành tham dự (Ảnh: K.D)

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng ngày càng gia tăng. Trong giai đoạn 2016-2020 là 10,3-11,3%/năm và  giai đoạn 2021-2030 cũng khoảng 8-8,5%/năm. Việc đáp ứng nhu cầu tăng trưởng đang trở thành một thách thức lớn cho ngành điện nước nhà, nhất trong bối cảnh rất nhiều nguồn điện nằm trong quy hoạch đang chậm tiến độ.

Giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng

Nhận định về thực trạng phát triển ngành điện hiện nay, PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: Chúng ta muốn đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, trước hết phải giải quyết được những khúc mắc nội tại của ngành điện. Theo ông Thiên, cần phải thay đổi tư duy tiếp cận, thay vì chỉ đi lo làm sao sản xuất cho đủ nguồn cung, ngành điện cần xử lý ở khía cạnh tiêu dùng, tức là giải quyết vấn đề về giá điện. Đi sâu vào phân tích thực trạng phát triển của ngành năng lượng nước nhà, PGS.TS Trần Đình Thiên thẳng thắn cho hay: tư duy về an ninh năng lượng của chúng ta hiện đang rất giống với tư duy về an ninh lương thực. Tức là ngày trước, khi đói kém, chúng ta chỉ mong làm sao để có đủ ăn. Nhưng bây giờ khi đã sản xuất được lượng lúa gạo lớn, có thể xuất khẩu rồi, hay nói cách khác là thừa gạo để ăn rồi, chúng ta vẫn lo đi giữ đất mà không tìm ra những phương pháp chuyển đổi, vì thế đời sống người nông dân khổ lắm.

Trên cơ sở phân tích đó, ông Trần Đình Thiên cho rằng, lời giải cho bài toán nguy cơ thiếu điện, chúng ta phải quan tâm đến quản lý phía cầu trong đảm bảo an ninh năng lượng, chứ không chỉ lo nguồn cung. Theo đó, cách tiếp cận phải nằm trong sự phát triển của nền kinh tế, nghĩa là phải thay đổi và tính toán giá điện theo cơ chế thị trường, do thị trường quyết định.

Tại diễn đàn, nhiều ý kiến cũng bày tỏ, bên cạnh việc đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng, đổi mới công nghệ để giảm tiêu tốn năng lượng, thì cơ chế giá cho điện cũng là động lực thu hút đầu tư, thúc đẩy nhanh hơn quá trình phát triển năng lượng tái tạo, điện mặt trời, điện gió.../.

Kim Dung

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN