Nhiều hoạt động thiết thực trong Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS
(ĐCSVN) - Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS (10/11 - 10/12/2019) và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1/12), nhằm huy động sự tham gia của các nhà lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách, người cung cấp dịch vụ và cộng đồng để đạt được các mục tiêu 90-90-90.
Đồng thời, các địa phương, các cơ sở y tế tăng cường các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV, xét nghiệm và phát hiện điều trị sớm HIV/AIDS, bảo hiểm y tế người nhiễm HIV, đặc biệt cho những người dễ bị tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao, người dân sống ở vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc ít người.
Ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, các hoạt động năm nay sẽ hướng đến mục tiêu giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của người nhiễm căn bệnh này với gia đình và xã hội. Bên cạnh đó, tiếp tục mở rộng độ bao phủ các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm HIV đến mọi người dân.
Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2019 có chủ để "Cùng hành động để kết thúc dịch AIDS". Lễ mít tinh diễu hành hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS sẽ diễn ra vào ngày 1/12/2019 tại Bắc Giang.
Thống kê từ Cục Phòng, chống HIV/AIDS, 9 tháng năm 2019, toàn quốc có 7.779 nhiễm HIV được phát hiện, 1.428 người tử vong do AIDS. Đánh giá về con số này, ông Nguyễn Hoàng Long cho biết, đại dịch HIV/AIDS đang tiếp tục có xu hướng giảm, tuy nhiên tốc độ giảm đang chậm lại.
Cả nước đã có 188 cơ sở điều trị cung cấp thuốc ARV từ nguồn bảo hiểm y tế. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế trong điều trị HIV/AIDS đạt 90 - 91%, trong đó, 9 tỉnh, thành phố đạt 100% là: Tuyên Quang, Kon Tum, Bình Định, Hà Giang, Đà Nẵng, Sóc Trăng, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Hưng Yên. Tính đến tháng 10/2019, toàn quốc có 263.190 lượt bệnh nhân điều trị ARV với tổng số thuốc đã sử dụng là hơn 8,8 triệu viên.
Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS, bên cạnh những thuận lợi trong mở rộng bao phủ bảo hiểm y tế trong điều trị HIV/AIDS như: 40/63 tỉnh, thành phố bố trí ngân sách địa phương cho mua thẻ bảo hiểm y tế với tổng kinh phí hơn 13 tỷ đồng; 16.069 thẻ bảo hiểm y tế được mua từ nguồn ngân sách địa phương tính đến 30/9/2019; nguồn các dự án viện trợ quốc tế sẵn sàng hỗ trợ mua gần 8.000 thẻ bảo hiểm y tế. Thực tế vẫn còn tình trạng không muốn sử dụng bảo hiểm y tế vì lo ngại kỳ thị và phân biệt đối xử; khó khăn trong cơ chế mua thẻ bảo hiểm y tế cho bệnh nhân ngoại tỉnh không đăng ký thủ tục tạm trú, bệnh nhân không có bất kỳ giấy tờ tùy than để mua thẻ bảo hiểm y tế, nhóm bệnh nhân không bộc lộ danh tính tại các bệnh viện bộ, ngành, bệnh viện trung ương, bệnh viện tỉnh…
Trong thời gian tới, để mở rộng bao phủ bảo hiểm y tế, Cục Phòng chống HIV/AIDS cho rằng cần tăng cường hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế trong bệnh nhân điều trị ARV. Cần chú trọng tư vấn, truyền thông, thuyết phục bệnh nhân về tỉnh điều trị; hỗ trợ các bệnh nhân mới tham gia điều trị được tham gia bảo hiểm y tế; hỗ trợ các cơ sở điều trị quản lý dữ liệu bệnh nhân điều trị ARV để quản lý tình trạng tham gia bảo hiểm y tế liên tục cho người bệnh
Bên cạnh tăng cường quản lý thông tin bệnh nhân điều trị ARV kết nối với hệ thống thanh toán của cơ quan bảo hiểm y tế và kết nối giữa các cơ sở điều trị HIV/AIDS trên toàn quốc để quản lý tình trạng tham gia bảo hiểm y tế, cần đảm bảo nguồn tài chính từ các tỉnh, thành phố và các chương trình, dự án hỗ trợ người bệnh mua thẻ bảo hiểm y tế./.