Nhiều giải pháp quản lý chất thải rắn hướng tới nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam
(ĐCSVN) - Hội thảo “Quản lý chất thải rắn hướng tới nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam: Chính sách và Thực thi” giúp cho cơ quan quản lý nhà nước hoàn thiện chính sách và các cơ chế khuyến khích nhằm nâng cao hiệu quả quản lý chất thải rắn bền vững hướng tới nền kinh tế tuần hoàn.
TS Mai Thanh Dung, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường phát biểu tại Hội thảo |
Ngày 12/7, tại Quảng Ninh đã diễn ra Hội thảo “Quản lý chất thải rắn hướng tới nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam: Chính sách và Thực thi” với sự tham gia của các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức cộng đồng.
Hội thảo do Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Quỹ Hanns Seidel Foundation (Cộng hòa Liên bang Đức) tổ chức nhằm thảo luận về các chính sách, thách thức và giải pháp thực thi hiệu quả trong quản lý chất thải rắn tại Việt Nam.
Phát biểu tại Hội thảo, TS Mai Thanh Dung, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường nhấn mạnh: Phát triển kinh tế tuần hoàn là sáng kiến nhận được sự đồng thuận cao của cộng đồng quốc tế, được xem là một trong các phương thức giúp giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa tăng trưởng, phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường; là con đường tiến tới nền kinh tế xanh và phát triển bền vững.
Theo Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, kể từ năm 2020, khái niệm kinh tế tuần hoàn đã được Chính phủ Việt Nam quy định cụ thể trong Luật Bảo vệ môi trường 2020. Các quy định pháp luật này đã thể chế hóa các yếu tố kinh tế tuần hoàn đối với quản lý chất thải. Và theo thống kê, giai đoạn 2016 - 2021, ước tính lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ở các đô thị trên toàn quốc tăng trung bình 10% - 16 % mỗi năm. Năm 2022, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các đô thị khoảng 26.100 tấn/ngày, tại khu vực nông thôn khoảng 22.400 tấn/ngày. Trong khi đó, ở khu vực thành thị, vẫn còn khoảng 5-10% chất thải rắn sinh hoạt không được thu gom, và ở các vùng nông thôn, tỷ lệ này khoảng 30 - 45%.
Các đại biểu tham dự tại Hội thảo |
Bên cạnh đó, vẫn còn khoảng 10% lượng chất thải nguy hại hiện vẫn chưa được thu gom, xử lý. Đáng chú ý, việc xử lý chất thải rắn hiện nay vẫn còn khá nhiều hạn chế; việc áp dụng các công nghệ xử lý tiên tiến, đặc biệt là công nghệ biến chất thải thành năng lượng, vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức.
TS Mai Thanh Dung khẳng định, quản lý chất thải rắn hiệu quả là một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam nhằm giải quyết ô nhiễm môi trường hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững. Chính phủ đã đặt mục tiêu đến năm 2030, nâng tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt lên 95% ở khu vực thành thị, 90% ở khu vực nông thôn và 98% đối với chất thải nguy hại.
“Trong bối cảnh phát triển kinh tế tuần hoàn nhằm góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030 và mục tiêu phát thải ròng bằng “0” cho đến năm 2050, việc nghiên cứu, trao đổi, chia sẻ thông tin giữa các bên liên quan về các giải pháp, mô hình để cải thiện chính sách và gia tăng hiệu quả thực thi quản lý chất thải rắn ở Việt Nam là vô cùng cần thiết.”, TS Mai Thanh Dung nhấn mạnh.
TS Mai Thanh Dung cho biết, Kế hoạch hành động quốc gia về Kinh tế tuần hoàn do Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng hiện đang trình Thủ tướng Chính phủ, sau khi được phê duyệt, Bộ Tài nguyên và môi trường sẽ tiến hành triển khai thực hiện tại các địa phương trên cả nước. Điều này sẽ giúp cho công tác thực thi bảo vệ môi trường được tốt hơn cũng như thúc đẩy các ngành kinh tế theo hướng kinh tế tuần hoàn.
Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày nhiều báo cáo nghiên cứu và mô hình thành công trong quản lý chất thải, trong đó nổi bật là các sáng kiến tái chế và tái sử dụng trong cộng đồng. Đồng thời, các đại biểu cũng đã chỉ ra những khó khăn trong việc thực thi các chính sách hiện hành, từ đó đề xuất những giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả quản lý chất thải.
Chi cục trưởng, Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Ninh Đoàn Duy Vinh chia sẻ tại Hội thảo |
Đại diện Hanns Seidel Foundation Việt Nam Lê Anh Vũ chia sẻ: Tại Việt Nam, Hanns Seidel Foundation đã hợp tác với các Bộ, ngành, địa phương, trường đại học để hỗ trợ quá trình hoàn thiện chính sách trong các lĩnh vực liên quan đến bảo trợ xã hội, phát triển bền vững và chính sách môi trường.
Đại diện Hanns Seidel Foundation Việt Nam cho rằng, việc quản lý chất thải rắn trong quá trình chuyển đổi tuần hoàn có thể áp dụng những giải pháp giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải để giảm khối lượng rác thải phải chôn lấp, từ đó tiết kiệm nguồn tài nguyên quý giá, giảm các nguy cơ về môi trường. Cùng với đó, áp dụng biện pháp khuyến khích đầu tư vào các giải pháp xử lý rác thải bền vững và tăng cường khả năng kỹ thuật số cũng như cung cấp hỗ trợ cho các nhà khoa học, nhà nghiên cứu…
Dưới góc độ quản lý nhà nước tại địa phương về môi trường, Chi cục trưởng, Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Ninh Đoàn Duy Vinh chia sẻ: Nghị quyết Đại hội tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV xác định một trong những mục tiêu quan trọng là Quảng Ninh sẽ trở thành điển hình trong thực hiện thành công mục tiêu phát triển bền vững theo Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về tiêu chí tài nguyên, môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu và Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia.
Trong đó, Quảng Ninh xác định cần ưu tiên thực hiện là sớm xây dựng được cơ chế, chính sách thuận lợi để: đẩy mạnh xã hội hóa và thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân, nước ngoài vào hoạt động thu gom, phân loại chất thải, tái chế, tái sử dụng chất thải, xử lý chất thải; coi chất thải là tài nguyên, thực hiện quản lý chặt chẽ và khơi thông biến rác thải thành nguồn lực cho phát triển bền vững kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh.
Tại hội thảo, bà Nguyễn Ngọc Lý - Sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR), nguyên Trưởng ban Phòng Phát triển bền vững tại UNDP Việt đã chia sẻ nhiều mô hình thành công, hiệu quả ở trong nước về vai trò của cộng đồng trong quản lý rác thải hướng tới nền kinh tế tuần hoàn. Trong đó, bà Nguyễn Ngọc Lý cho rằng, vai trò của cấp tỉnh cần phải tuyên truyền, phổ biến cho các cơ quan, cộng đồng dân cư thực hiện; nghiên cứu, áp dụng hướng dẫn phân loại. Ở cấp huyện có hướng dẫn bố trí các điểm tập kết, bố trí đủ các thùng chứa chất thải rắn, đồng thời theo dõi, giám sát.
Và ở hộ gia đình và các chủ thể khác có hình thức phân loại tại nguồn, tại chính gia đình của mình. Sau đó, các công ty thu gom, vận chuyển, xử lý… Cần chú ý điểm thu gom, các xe, các thùng có đủ, hướng dẫn phân loại rõ ràng; phân tích cụ thể các hướng dẫn có các ví dụ cụ thể, có các túi để phân loại, lưu ý khoảng cách từ nhà và nơi để rác.
Ban Quản lý Vịnh Hạ Long hướng dẫn khách du lịch, người dân khu vực thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, bỏ rác đúng nơi quy định |
Chia sẻ kinh nghiệm thu gom rác thải tại vịnh Hạ Long, đại diện Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cho biết: Để thu gom rác thải tại Di sản Vịnh Hạ Long, Ban Quản lý ngoài việc tổ chức các phương tiện và lực lượng nhân công để thu gom rác thải tại khu vực ven bờ, vùng đệm vùng và khu vực vùng lõi Di sản Vịnh Hạ Long nhằm giảm thiểu rác thải phát tán. Ban Quản lý Vịnh, thường xuyên tổ chức ra quân, thu gom rác thải trôi nổi trên mặt nước, điểm tham quan; lắp đặt các thùng rác nổi trên vịnh.
Đồng thời, xây dựng khung chế tài xử phạt, tuyên truyền cho các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch, khách du lịch người dân khu vực ven bờ vịnh Hạ Long và ngư dân trên vịnh về bảo vệ môi trường, thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, bỏ rác đúng nơi quy định. Tổ chức giám sát chặt việc mang các sản phẩm từ nhựa dùng một lần tại các cửa soát vé và các điểm tham quan trên vịnh Hạ Long. Đặc biệt, sản xuất và chuẩn bị các sản phẩm thay thế. Cùng với đó, từ năm 2019, Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã triển khai chương trình “Vịnh Hạ Long không rác thải nhựa” với nội dung không mua, bán và sử dụng các sản phẩm từ nhựa dùng 1 lần trong hoạt động dịch vụ, du lịch trên vịnh Hạ Long… Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp và hiện nay, tại Vịnh Hạ Long đã giảm đến 90% rác thải nhựa.
Tại Hội thảo còn diễn các phiên thảo luận nhóm, cho phép các đại biểu trao đổi ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm và tìm kiếm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn.
Hội thảo cũng đã thực tế, thăm quan mô hình phân loại chất thải rắn, thu gom rác nổi tại Vịnh Hạ Long; mô hình Ngân hàng rác - Đổi rác lấy tiền và giải pháp đồng xử lý chất thải rắn trong lò nung clinker xi măng của Công ty Cổ phần Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh; mô hình nâng cao hiệu quả hấp thụ của các bể hấp thụ khí nhà kính thông qua tăng cường công tác trồng rừng, phủ xanh các bãi thải, các vùng đất trống trên toàn bộ diện tích mỏ của Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam…/.