Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Nhiều điểm sáng trong công tác kết hợp quân dân y trên biển, đảo

Thứ Sáu, 10/12/2021 12:23 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN)- Tại Hội thảo khoa học “30 năm kết hợp quân dân y trên biển, đảo” diễn ra sáng 10/12, tại TP Hồ Chí Minh, nhiều điểm sáng trong công tác kết hợp quân dân y trên biển, đảo đã được các đại biểu tập trung làm rõ.

Đại tá Nguyễn Quốc Cường, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội biên phòng ở TP Hồ Chí Minh: 30 năm BĐBP đã giúp khám, chữa bệnh cho hơn 350.000 lượt người dân

Vùng biển, đảo có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, cũng như quốc phòng - an ninh của đất nước. Việc phát triển y tế, tăng cường các hoạt động kết hợp quân, dân y (KHQDY) trên tuyến biển, đảo nhằm giúp người dân sinh sống và làm việc ở các vùng biển, đảo được hưởng các dịch vụ y tế cơ bản, mở rộng khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng, đồng thời góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược biển Việt Nam.

Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng ủy Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng (BĐBP), đặc biệt là về hoạt động kết hợp quân dân y, cứu hộ, cứu nạn trên biển, Bộ Chỉ huy BĐBP 28 tỉnh, thành có biên giới biển và 04 Hải đoàn đã cử cán bộ tham gia Ban Chỉ đạo Đề án phát triển y tế biển, đảo của các tỉnh; kịp thời tham mưu cho chính quyền địa phương trong lĩnh vực BĐBP phụ trách. Đồng thời, BĐBP cũng tích cực tham gia các hoạt động kết hợp quân dân y; phối hợp, hiệp đồng với lực lượng y tế địa phương thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe cán bộ, chiến sỹ và nhân dân tuyến biển, đảo tại những khu vực khó khăn, trong những điều kiện khí hậu thời tiết khắc nghiệt.

Đại tá Nguyễn Quốc Cường, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội biên phòng. Ảnh: H.Mẫn

Hằng năm, BĐBP đều tổ chức hàng trăm buổi tập huấn về công tác cứu hộ, cứu nạn cho cán bộ, chiến sỹ và ngư dân với số lượng hàng ngàn lượt người tham gia. Riêng BĐBP tỉnh Quảng Trị trong năm 2015 đã phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Y tế tổ chức diễn tập cấp cứu trên biển với hàng trăm cán bộ, chiến sỹ và ngư dân tham gia; đồng thời huấn luyện vận chuyển người bị thương, bị bệnh, cách sử dụng túi thuốc cá nhân cho 300 ngư dân các xã, huyện ven biển tỉnh Quảng Trị, được Bộ Y tế ghi nhận và đánh giá cao.

Các Hải đoàn, Hải đội BĐBP ngoài nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát đảm bảo chủ quyền lãnh hải còn tham gia thực hiện tốt công tác khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Trong 30 năm qua (1991 - 2021), gần 450.000 lượt cán bộ, chiến sỹ  BĐBP và gần 25.000 lượt phương tiện đã tham gia tìm kiếm cứu nạn cho hơn 10.000 vụ/cứu hộ với gần 45.000 lượt người và gần 6.000 phương tiện trên phạm vi toàn quốc.

Cũng trong 30 năm qua, BĐBP đã giúp khám, chữa bệnh cho hơn 350.000 lượt người dân; tham gia cấp cứu, tìm kiếm cứu nạn cho hàng chục ngàn người; cấp thuốc miễn phí trị giá hàng trăm triệu đồng mỗi năm, được nhân dân ven biển và chính quyền địa phương đánh giá cao. Đặc biệt, từ đầu năm 2020 đến nay, lực lượng BĐBP đã phối hợp triển khai thực hiện tốt công tác phòng chống dịch COVID-19. Hiện BĐBP đang triển khai tiêm vắc-xin phòng, chống COVID-19 cho BĐBP 44 tỉnh, thành phố (28 tỉnh, thành tuyến biển) với sự giúp đỡ của Sở Y tế và CDC (Trung tâm kiểm soát bệnh tật) các địa phương.

Để hoạt động kết hợp quân dân y thêm hiệu quả, kiến nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố ven biển phối hợp với BĐBP tăng cường công tác truyền thông, tư vấn sức khỏe cho nhân dân và người lao động trên biển để mọi người có kiến thức tự bảo vệ sức khỏe, phòng chống dịch bệnh và thành thục các biện pháp xử trí cấp cứu khi cần thiết.

Đồng thời, Bộ Y tế hỗ trợ kinh phí để tổ chức các lớp tập huấn kiến thức y học gia đình, diễn tập cứu hộ, cứu nạn trên biển; huấn luyện cho ngư dân biết sử dụng túi thuốc cá nhân, thuốc cấp cứu trên tàu. Đầu tư nâng cấp các phòng khám, trạm y tế quân dân y thuộc các xã ven biển đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho cán bộ, chiến sỹ và bà con nhân dân. Tổ chức khám sức khỏe định kỳ, tư vấn cho bệnh nhân cần điều trị các bệnh mãn tính. Tăng cường đào tạo kiến thức về y học biển, thực hiện tốt các kỹ thuật cấp cứu, vận chuyển bệnh nhân trên biển.

Đại tá, TS. TTƯT Trần Quốc Việt - Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 175. Ảnh: H.Mẫn

Đại tá, TS. TTƯT Trần Quốc Việt - Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 175: Nâng cao chất lượng bảo đảm y tế cho Trường Sa và vùng biển, đảo phía Nam của Tổ quốc

Ngày 28/10/1991, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam ký Quyết định số 454/QĐ giao nhiệm vụ cho Bệnh viện Quân y 175 và các đơn vị bảo đảm lực lượng quân y cho quần đảo Trường Sa. Năm 2006, Tổng Tham mưu trưởng ra quyết định tổ chức lại lực lượng quân y trên quần đảo Trường sa, trong đó quyết định thành lập Bệnh xá Đảo Trường Sa Lớn, giao cho Bệnh viện Quân y 175 đảm nhiệm.

Kết quả thực hiện nhiệm vụ, Bệnh xá đảo Trường Sa Lớn đã thực hiện nhiều ca phẫu thuật, điều trị chấn thương phức tạp thành công. Đặc biệt, tháng 3/2011, dưới sự chỉ đạo hướng dẫn từ Bệnh viện Quân y 175 và các chuyên khoa của Bệnh viện thông qua hệ thống Telemedicine, Bệnh xá đảo Trường Sa đã tổ chức và thực hiện thành công ca mổ đẻ sinh đầu tiên trên đảo Trường Sa. Đến nay, Bệnh xá đã khám và điều trị cho hơn 24.300 lượt bộ đội và ngư dân công tác, lao động sản xuất trên vùng biển, đảo phía Nam của Tổ quốc, trong đó phẫu thuật hơn 250 ca loại I + II.

Trong nhiều năm qua, Bệnh xá đảo Trường Sa còn làm tốt công tác quản lý, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bộ đội, các hộ dân, ngư dân sinh sống, công tác, lao động sản xuất trên vùng biển, đảo phía Nam của Tổ quốc. Bệnh xá đã thực hiện và duy trì tốt các chế độ chuyên môn, phát huy trang bị hiện có, bảo đảm thu dung, cấp cứu, điều trị an toàn tuyệt đối. Với những thành quả trên, Bệnh xá đảo Trường Sa đã và đang trở thành địa chỉ tin cậy, điểm tựa vững chắc để cán bộ, chiến sĩ và ngư dân yên tâm bám đảo, bám biển, góp phần thiết thực vào giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Ngoài ra, một nét đặc sắc trong công tác bảo đảm y tế biển, đảo của Bệnh viện Quân y 175 chính là thường xuyên duy trì huấn luyện tổ cấp cứu 2B, tổ cấp cứu đường không với một đội ngũ y, bác sĩ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ giỏi, tinh thần, ý chí, trách nhiệm cao, ngày đêm không quản ngại khó khăn gian khổ, nguy hiểm, sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ cấp cứu biển, đảo khi có lệnh. Những năm qua, Bệnh viện đã chủ động phối hợp tốt, kịp thời cùng Sư đoàn 370, Quân chủng Phòng không - Không quân và Binh đoàn 18 thực hiện nhiều chuyến bay cấp cứu, vận chuyển bệnh nhân bệnh nặng là ngư dân, cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ tại khu vực huyện đảo Trường Sa và các điểm đảo phía Nam của Tổ quốc về Bệnh viện điều trị kịp thời, ổn định, xuất viện.

Một điểm sáng của Bệnh viện đó là công tác truyền thông về công tác bảo đảm y tế biển, đảo. Mỗi hoạt động cấp cứu, mỗi hoạt động chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và nhân dân trên biển, đảo đều được Bệnh viện chủ động phối hợp với các cơ quan báo đài thông tin, tuyên truyền rộng rãi đến nhân dân cả nước. Thông qua hoạt động này để mọi người dân biết đến không chỉ công tác bảo đảm y tế cho cán bộ, chiến sĩ, ngư dân yên tâm bám biển thành các cột mốc sống khẳng định chủ quyền biển, đảo quốc gia, mà qua đây khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Quân đội đối với lực lượng đang làm nhiệm vụ, lao động sản xuất tại tuyến đầu bảo vệ Tổ quốc.

Để công tác bảo đảm y tế cho biển, đảo đạt chất lượng ngày càng tốt hơn, Bệnh viện Quân y 175 xin đề xuất một số vấn đề:

Thứ nhất, Bệnh xá đảo Trường Sa Lớn thời gian qua đã khẳng định được vị thế là trung tâm cấp cứu điều trị trên huyện đảo Trường Sa nên cần được chuyển thành “Trung tâm y tế thị trấn Trường Sa”;

Thứ hai, thông qua mạng trực tuyến (hệ thống Telemedicine của Tổng Cục hậu cần), tiếp tục phối hợp giữa các bệnh viện, chuyên viên đầu ngành Cục Quân y trong hội chẩn trực tuyến với các bệnh xá thuộc quần đảo Trường Sa qua hệ thống Vinasat, để bảo đảm công tác cấp cứu, điều trị, chuyển thương cho bộ đội, nhân dân, ngư dân hoạt động trên quần đảo Trường Sa - nhà giàn DK1 ngày càng thiết thực, hiệu quả. Các đảo, cụm đảo độc lập xa đất liền rất cần lắp đặt, kết nối việc chỉ đạo trực tuyến qua truyền hình nhằm phục vụ cho công tác quốc phòng, an ninh và chỉ đạo trực tuyến qua hệ thống Telemedicine trong cấp cứu, cứu chữa.

Thứ ba, về đầu tư hạ tầng, trang bị y tế, cần có các trang bị phù hợp hoặc biện pháp bảo vệ để tránh hoặc giảm thiểu tác động ảnh hưởng môi trường hơi nước mặn đến các trang thiết bị y tế trên đảo. Ngoài ra, cần có thêm biên chế kỹ sư trang bị nhằm thường xuyên kiểm tra bảo trì, bảo dưỡng các trang bị y cụ của các bệnh xá.

Trước tình hình biển Đông vẫn diễn biến phức tạp, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng về phát triển kinh tế biển và Chiến lược Biển Việt Nam, lãnh đạo, Ban giám đốc Bệnh viện Quân y 175 luôn xác định nhiệm vụ bảo đảm y tế cho biển, đảo luôn có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước. Thời gian tới, công tác bảo đảm y tế biển, đảo tiếp tục tập trung vào nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và tham gia cứu hộ, cứu nạn trên biển, trong khu vực; tiếp tục tuyên truyền giáo dục cho bộ đội, nhân dân trên đảo các nội dung ý thức về vệ sinh phòng dịch, vệ sinh môi trường, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu; đồng thời, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và nhân dân, công tác khám bệnh, thu dung cấp cứu điều trị và vận chuyển bệnh nhân an toàn; tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng “Đơn vị quân y 5 tốt, Chiến sĩ quân y làm theo lời Bác”, xây dựng đơn vị có nề nếp chính quy tại quần đảo Trường Sa - DK1…

Thượng tá, TS Nguyễn Minh Khánh, Phụ trách Tư Lệnh Vùng Cảnh sát Biển 3. Ảnh: H.Mẫn

Thượng tá, TS Nguyễn Minh Khánh, Phụ trách Tư Lệnh Vùng Cảnh sát Biển 3: Đơn vị góp phần giúp ngư dân yên tâm bám biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo.

Lực lượng Cảnh sát biển nói chung và Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 nói riêng, trong những năm qua luôn thực hiện tốt nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển, tạo môi trường đầu tư an toàn, tin cậy trong phát triển kinh tế biển và bảo vệ tính mạng, tài sản của ngư dân; qua đó, góp phần giúp ngư dân yên tâm bám biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo.

Tính từ đầu năm 2013 đến nay, đơn vị đã tiến hành tiếp nhận, xử lý 1.795 thông tin cứu hộ cứu nạn trên biển, trực tiếp tham gia 56 vụ, cứu được 26 phương tiện và 337 thuyền viên, vớt 16 thi thể, góp phần quan trọng giúp nhân dân giảm thiểu thiệt hại, yên tâm vươn khơi, bám biển; đồng thời để lại ấn tượng tốt đẹp cho bạn bè quốc tế. Nổi bật là: Vụ tàu CSB 9001 triển khai công tác cứu nạn, chăm sóc y tế và lai kéo đưa 12 thuyền viên của tàu cá BĐ 95066 TS bị chìm tại vùng biển Tây Nam đảo Phú Quý/Bình Thuận tháng 02/2018 về bờ bảo đảm an toàn; tàu CSB 8005 hỗ trợ chữa cháy tàu APL Vancouver quốc tịch Singapore tháng 02/2019 trong điều kiện thời tiết xấu, vào dịp tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019; tàu CSB 6007 cứu nạn thành công, khám và sơ cứu y tế cho 11 thuyền viên tàu XIN HONG quốc tịch Panama tháng 12/2020…

Với chức năng, nhiệm vụ của mình, những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 đã thực hiện Chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”. Đơn vị đã tích cực, chủ động trong công tác phối hợp khám, chữa bệnh, cấp thuốc điều trị cho nhân dân trên địa bàn; tổ chức phối hợp với Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Khánh Hòa, TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Quận 2/TP. Hồ Chí Minh,… tổ chức 02- 03 đợt/năm để khám, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc cho nhân dân vùng biển, đảo thuộc các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Khánh Hòa…; thông qua Chương trình này còn tổ chức tập huấn sơ cấp cứu các tai nạn thường gặp trên biển, sơ cứu đuối nước cho ngư dân.

Để làm tốt công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn cũng như góp phần giúp ngư dân, nhân dân giảm thiếu tối đa thiệt hại do tai nạn trên biển gây ra,việc cấp cứu, chăm sóc y tế, hỗ trợ phương tiện, nhân dân bị nạn trên biển cũng như công tác chăm sóc sức khỏe cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ở các vùng biển đảo, thực hiện tốt mô hình y tế quân dân kết hợp trong thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân thấy rõ nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, chăm sóc y tế, cấp cứu nhân dân bị nạn trên biển là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của đơn vị, là trách nhiệm của từng cá nhân.

Hai là, duy trì nghiêm các lực lượng, phương tiện trực sẵn sàng chiến đấu, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; nắm chắc tình hình trên biển, sẵn sàng cơ động kịp thời xử lý các tình huống cứu hộ, cứu nạn, mất an toàn hàng hải trên biển, khắc phục hậu quả thiên tai, phòng chống bão lụt… Làm tốt công tác tham mưu đề xuất với đảng ủy, thủ trưởng cấp trên về công tác bảo đảm, cải tiến trang bị kỹ thuật và đầu tư mua sắm phương tiện, trang bị, vật tư cho nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, cấp cứu trên biển.

Ba là, tiếp tục duy trì, thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp, chia sẻ thông tin với các lực lượng chức năng để thực hiện tốt công tác phối hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển; đặc biệt là tăng cường trao đổi, nâng cao năng lực chia sẻ thông tin, hoạt động đối ngoại với các nước trong khu vực và trên thế giới trong phối hợp tìm kiếm cứu nạn, an ninh hàng hải trên biển trên biển Đông.

Bốn là, tăng cường đầu tư nâng cấp, đổi mới trang thiết bị y tế cho các trung tâm y tế quân - dân y kết hợp tại các vùng biển đảo; tăng cường đội ngũ cán bộ y tế (bao gồm cả đội ngũ cán bộ, chiến sĩ lực lượng quân y); nâng cao nhận thức và năng lực quản lý nhà nước về y tế biển, đảo; củng cố và phát triển cơ sở y tế dự phòng; đầu tư trang thiết bị y tế, nhân lực, cơ sở hạ tầng cho các trung tâm tiếp nhận cấp cứu, khám chữa bệnh đặc thù cho vùng biển đảo và làm nhiệm vụ hỗ trợ cấp cứu từ xa.

Năm là, đẩy mạnh công tác truyền truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho bà con ngư dân, nhân dân làm ăn trên biển, các công ty, đơn vị, doanh nghiệp vận tải biển; đặc biệt là Luật Hàng hải, Luật Cảnh sát biển, các quy định về bảo đảm an toàn hàng hải đối với các tàu thuyền; hướng dẫn cách sơ cứu khi bị tai nạn, sơ cứu khi bị đuối nước, bảo đảm y tế khi tàu thực hiện nhiệm vụ trên biển…; cũng như việc nắm các kênh liên lạc với các lực lượng chức năng khi tàu gặp sự cố, bị tai nạn trên biển./.    

 

Nhóm PV Thời sự

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN