Nhiều cơ hội hợp tác, phát triển đang chờ đón Việt Nam và Thụy Sỹ
(ĐCSVN) – Việt Nam và Thụy Sỹ có mối quan hệ truyền thống tốt đẹp thông qua các trao đổi chính trị cấp cao và trong các lĩnh vực như hợp tác phát triển, giáo dục và văn hóa, thương mại và đầu tư... Trong tương lai, nhiều cơ hội hợp tác khác đang tiếp tục chờ đón hai nước cùng sẻ chia, phát triển.
Phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Ngài Ivo Sieber, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Thụy Sỹ tại Việt Nam xung quanh vấn đề này.
Ngài Ivo Sieber, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Thụy Sỹ tại Việt Nam (Ảnh: KL) |
Phóng viên: Ngày 1/8 kỷ niệm 729 năm Quốc khánh Liên bang Thụy Sỹ (1/8/1291 – 1/8/2020). Ngài Đại sứ có thể chia sẻ thêm về ý nghĩa của ngày kỷ niệm đặc biệt này?
Đại sứ Ivo Sieber: Kỷ niệm ngày thành lập một quốc gia luôn là những khoảnh khắc đặc biệt. Đối với người dân Thụy Sỹ cũng vậy, đó là ngày để kỷ niệm và tưởng nhớ, và là một dịp chúng tôi gặp gỡ để thể hiện tình cảm sâu sắc của mình với những người bạn tại gia đình hoặc ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới, cũng như ở chính Việt Nam.
Giống như mọi quốc gia khác, các yếu tố văn hóa, xã hội, chính trị, và lịch sử đều góp phần tạo nên một bản sắc Thụy Sỹ. Ngày 1/8 gắn với một hiệp ước mang tính lịch sử được kí năm 1291 giữa 3 bang, đặt nền móng hình thành lên Liên bang Thụy Sỹ.
Cùng với thời gian, Thụy Sỹ ngày càng lớn mạnh theo một cơ chế liên minh “dân chủ cơ sở” chứ không phải “dân chủ tập trung”. Một thể chế vừa mang tính liên bang vừa được phân cấp, một cơ chế quản trị nhà nước có sự tham gia của người dân và một môi trường kinh tế tự do đã, đang và luôn là chìa khóa tạo nên sự thịnh vượng và ổn định chính trị của Thụy Sỹ. Đa dạng văn hóa, tự do kinh tế và cá nhân cũng như các thể chế chính trị hiệu quả tiếp tục định hình bản sắc dân tộc của chúng tôi. Chính những giá trị cốt lõi tạo nên một Thụy Sỹ thành công này cũng đóng một vài trò quan trọng trong chính sách đối ngoại của chúng tôi. Đó là lý do tại sao chúng tôi thúc đẩy quyền con người, dân chủ và pháp quyền, đồng thời hỗ trợ các nền kinh thế thị trường trên thế giới phát triển bền vững và toàn diện.
Bên cạnh đó, Thụy Sỹ cam kết hỗ trợ ngăn chặn và khắc phục khủng hoảng, xung đột và thảm họa, cũng như tham gia vào việc tạo cơ hội thống nhất về tiếp cận các nguồn lực và dịch vụ. Thụy Sỹ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, cam kết hỗ trợ định hình tiến trình toàn cầu hóa phục vụ phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và có trách nhiệm xã hội.
Phóng viên: Thụy Sỹ là một trong những nước phương Tây đầu tiên công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ tháng 10/1971. Trải qua gần nửa thế kỷ, quan hệ giữa hai nước đã có những bước phát triển đáng khích lệ. Đại sứ cho biết nét nổi bật trong quan hệ hợp tác với Việt Nam?
Đại sứ Ivo Sieber: Với khoảng cách địa lý giữa hai nước cùng với những khác biệt khá rõ nét về văn hóa và lịch sử, nên dường như những ấn tượng ban đầu về một mối quan hệ sâu đậm của hai nước là khó có thể tin được. Tuy nhiên, ngoài những gì nhìn thấy thì ẩn sâu bên trong mối quan hệ giữa Thụy Sỹ và Việt Nam có rất nhiều điểm tương đồng. Cả hai nước đều nằm ở vị trí trung tâm của khu vực, cùng được ban tặng vẻ đẹp và sự đa dạng của thiên nhiên khiến hai quốc gia trở thành những địa điểm du lịch hấp dẫn được cả thế giới công nhận.
Là những quốc gia đã chứng minh được sự kiên cường của mình qua thời gian, cả hai đều là nền kinh tế không chỉ có khả năng cạnh tranh tốt. Theo bảng xếp hạng toàn cầu mới nhất, Việt Nam đã tăng hơn 10 bậc so với năm ngoái, còn Thụy Sỹ vẫn khẳng định vị trí top 5. Cả hai nền kinh tế cũng có sự kết nối chặt chẽ khi chúng ta đều là hai nền kinh tế theo định hướng dịch vụ và xuất khẩu, với tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt trên 3.6 tỷ USD, việc trao đổi hàng hóa và dịch vụ giữa Việt Nam và Thụy Sỹ còn tiếp tục tăng trưởng.
Chúng tôi hoan nghênh những bước tiến của Việt Nam trong việc mở cửa nền kinh tế và thị trường, đồng thời lạc quan về việc sớm kí kết hiệp định thương mại có lợi ích đa biên với Hiệp hội Mậu dịch tự do châu Âu EFTA (gồm Thụy Sỹ, Na-Uy, Ai-len và công quốc Lích-ten-xtên). Hiện có hơn 100 doanh nghiệp Thụy Sỹ đang hoạt động và đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam. Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng hiệp định này sẽ khai thác tốt hơn tiềm năng thương mại và đầu tư quan trọng giữa hai nước.
Đại sứ Ivo Sieber thăm và làm việc tại Cần Thơ tháng 6/2020. (Ảnh: thoidai.com.vn) |
Phóng viên: Năm 2021 đánh dấu 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Thụy Sỹ. Là Đại sứ của một nước đối tác với Việt Nam, Ngài đánh giá như thế nào về tiềm năng của mối quan hệ này?
Đại sứ Ivo Sieber: Năm 2021 tới đây sẽ không chỉ là dịp để đánh dấu 30 năm hợp tác kinh tế và phát triển, mà còn là thời điểm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, đánh dấu và củng cố hơn nữa mối quan hệ song phương bền chặt.
Trên phương diện đối ngoại, năm nay cũng là một năm vô cùng đặc biệt đối với Việt Nam. Với cương vị thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Chủ tịch của ASEAN, Việt Nam ngày càng củng cố hơn nữa vai trò của mình trong khu vực. Là một đối tác lâu năm đồng thời cũng là một đối tác đối thoại theo lĩnh vực của ASEAN, Thụy Sỹ nồng nhiệt đón nhận và hoan nghênh thành tựu này.
Quan hệ mật thiết giữa Thụy Sỹ và Việt Nam vào lúc này là quan trọng hơn bao giờ hết. Đối mặt với đại dịch COVID-19 hiện nay, chúng ta đang đứng trước những thách thức lớn đòi hỏi hơn nữa sự đoàn kết và hợp tác quốc tế. Thụy Sỹ cam kết cùng Việt Nam xây dựng một mối quan hệ song phương ngày càng mạnh mẽ hơn.
Tôi muốn gửi lời khen ngợi tới Chính phủ và người dân Việt Nam với tầm nhìn xa trông rộng, lòng quyết tâm, trí thông minh và tinh thần bền bỉ đã thành công trong việc cân bằng giữa lợi ích sức khỏe cộng đồng và những quyết định khó khăn về kinh tế.
Là một đối tác đáng tin cậy, chúng tôi vinh dự và tự hào kỷ niệm Quốc khánh lần thứ 729 cùng với những người bạn ở Việt Nam. Chúng tôi cam kết xây dựng và củng cố hơn nữa mối quan hệ đặc biệt và năng động giữa hai quốc gia, đặc biệt là trong thời điểm khó khăn này. Chúng tôi trân trọng mời các bạn cùng chúng tôi kỷ niệm ngày Quốc khánh Thụy Sỹ.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại sứ!