Nhiều chuyển biến trong xây dựng nông thôn mới
(ĐCSVN) – Nhìn từ góc độ bộ tiêu chí nông thôn mới (NTM), có thể khẳng định kết quả xây dựng NTM 10 năm qua của nước ta là rất to lớn, toàn diện, tạo nên những chuyển biến mạnh mẽ khu vực nông thôn.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến tháng 10/2019, đã có 4.554 xã (51,16%) số xã đạt chuẩn NTM, bình quân mỗi xã cả nước đạt 15,32 tiêu chí NTM/xã. Với kết quả đó, có thể thấy rằng quá nửa khu vực nông thôn Việt Nam đã là NTM (tính theo số xã đạt chuẩn), mặt bằng bình quân nông thôn cả nước đã đạt 80,3% chuẩn NTM (tính theo số tiêu chí/xã 15,32/19).
Có thể nói, về diện rộng, theo hầu hết các tiêu chí, nông thôn đã có những bước tiến lớn. Sau 10 năm thực hiện, tiêu chí đạt thấp nhất (môi trường) cũng có 64% số xã đã đạt. Tiêu chí đạt cao nhất (lao động có việc làm, không tính tiêu chí quy hoạch) có tới 97,9% số xã đạt. Sự chuyển biến này càng có ý nghĩa lớn lao khi Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM bắt đầu được thực hiện đúng vào lúc diễn ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu, kinh tế Việt Nam bị suy thoái, việc huy động các nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, để đánh giá sâu hơn chất lượng của xây dựng nông thôn cần phân tích kỹ các chuyển biến trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn thông qua những chỉ tiêu cơ bản.
Theo đó, tăng trưởng nông nghiệp đã có bước tiến quan trọng với những cột mốc mới; xây dựng NTM bước đầu gắn kết chặt chẽ hơn với cơ cấu lại ngành. Xây dựng NTM đã tạo thêm động lực mới cho tái cơ cấu ngành và tăng trưởng nông nghiệp, giúp ngành đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra, nhất là trong 2 năm ( 2017 và 2018) đầy thử thách về thiên tai, thị trường. Điều đó bước đầu khẳng định nông nghiệp đang đi đúng hướng, từng bước xoay trục phát triển các mặt hàng chủ lực có lợi thế.
Với hướng đi đó, năm 2017 nông nghiệp đã xác lập nhiều kỷ lục mới. Tốc độ tăng trưởng đạt 2,94%, vượt mục tiêu 2,84%. Xuất khẩu nông, lâm, thủy sả (NLTS) đạt 36,37 tỷ USD, vượt mục tiêu 32-33 tỷ USD, tăng hơn 4 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước và thặng dư tuyệt đối của ngành đạt 8,55 tỷ USD, tăng hơn 1 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2016.
Bên cạnh đó, xây dựng NTM tác động đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động nông thôn theo hướng nâng cao dần tỷ trọng phi nông nghiệp. Cùng với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tỷ trọng NLTS trong GDP của cả nước giảm dần, số hộ sản xuất và số lao động nông thôn trong những năm vừa qua có sự chuyển dịch rõ nét sang hoạt động phi nông nghiệp. Theo kết quả Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016, số hộ sản xuất NLTS cả nước chỉ còn 8,61 triệu hộ trong tổng số 15,99 triệu hộ, chiếm 53,85%, giảm 8,3% so với năm 2011. Số lao động nông nghiệp là 15,94 triệu người trong tổng số 31,02 triệu lao động, chiếm 51,4%, giảm 8,2% so với năm 2011.
Đáng chú ý, sản xuất tiếp tục được tổ chức lại và tăng dần quy mô. Tác động của xây dựng nông thôn mới cũng được phản ánh ở quá trình cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2011-2019 theo xu thế tích cực: số doanh nghiệp và hợp tác xã tăng nhanh, số hộ ngày càng giảm mạnh. Theo cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, trong năm 2017, có 1.955 doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực NLTS, tăng 3,8% so với năm 2016. Năm 2018, tốc độ tăng số doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực nông lâm thủy sản giảm 5,5% so với năm 2017.
Ngoài ra, xây dựng NTM tác động tích cực đến thu nhập và giảm nghèo ở nông thôn. Thu nhập của người dân nông thôn bình quân cả nước tăng khá nhanh, từ năm 2010 đến 2018 tăng 2,79 lần (từ 1,07 triệu đồng/người/tháng đến 2,99 triệu đồng/người/tháng). Tiêu biểu là đồng bằng sông Hồng, đến hết năm 2018 thu nhập của người dân nông thôn trong vùng đạt 4,834 triệu đồng/người/tháng, tuy đứng thứ 2 sau Đông Nam Bộ là 5,71 triệu đồng/người/tháng, nhưng tốc độ tăng là cao nhất: 3,06 lần so với 2010, trong khi ở vùng Đông Nam Bộ tăng 2,48 lần. Mức thu nhập tăng nhanh và cao của vùng đồng bằng sông Hồng tương hợp với số xã đạt chuẩn về thu nhập đạt tỷ lệ rất lớn (92,9%).
Quy mô kinh tế hộ cũng thay đổi theo hướng tăng dần. Theo số liệu Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản, năm 2016 so với 2011 số hộ trồng trọt sử dụng 5 ha trở lên tăng 13,6%; số hộ nuôi trồng thủy sản sử dụng 5 ha trở lên tăng 21,1%; số hộ nuôi 6 con trâu trở lên tăng 63,4%; số hộ nuôi 6 con bò trở lên tăng 86,8%; số hộ nuôi 20 con lợn trở lên tăng 93,7%; số hộ nuôi 100 con gà trở lên tăng 41,5%.
Có nhiều lý do tạo nên sự chuyển biến tích cực về quy mô sản xuất, trong đó có tác động trực tiếp của dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, liên kết theo chuỗi và sự thúc đẩy của cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất.
Ngoài ra, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị được đẩy mạnh, ngày càng đa dạng, đặc biệt là liên kết góp vốn đầu tư sản xuất và liên kết bao tiêu sản phẩm. Các địa phương đã tập trung đầu tư và phát triển được 3.854 mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, mô hình ứng dụng công nghệ cao trên diện rộng.
Trong giai đoạn 2021-2030, phát triển nông nghiệp, nông thôn nước ta tiếp tục thực hiện giai đoạn “chuyển đổi” cấu trúc nông nghiệp, nông thôn và ngày càng gắn chặt với quá trình chuyển đổi cấu trúc kinh tế - xã hội chung của đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế. Theo kinh nghiệm thế giới, trong giai đoạn “chuyển đổi” tới đây, kinh tế nông nghiệp nước ta phải chuyển mạnh từ nền sản xuất dựa trên kinh tế hộ nhỏ lẻ sang dựa trên đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, doanh nghiệp và liên kết chuỗi giá trị. Tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt, nguồn lao động giá rẻ không thể tiếp tục là động lực cho tăng trưởng kinh tế. Do vậy, Theo các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, cần đẩy mạnh hỗ trợ nguồn lực cho nông nghiệp, nông thôn; tạo điều kiện phát triển các thị trường hàng hóa, thị trường sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn và đi kèm đó là quá trình tăng quy mô sản xuất, cơ giới hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.