Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Nhiều chiêu “rút ruột” quỹ Bảo hiểm y tế

Thứ Năm, 25/08/2016 14:44 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Lãnh đạo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho hay, bội chi của Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) trong 8 tháng năm 2016 lên tới 3.000 tỷ đồng; tình trạng lạm dụng quỹ BHYT vẫn nhức nhối. Đây là vấn đề đáng báo động cần phải được chấn chỉnh trong thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Đỗ Thoa

Lo bội chi, lạm dụng quỹ

Để xảy ra tình trạng bội chi quỹ BHYT lên con số báo động 3.000 tỷ đồng, theo ông Phạm Lương Sơn có 3 nguyên nhân khách quan, thứ nhất là do sự gia tăng cơ học của đối tượng tham gia BHYT. Theo đó tính đến tháng 8-2016, cả nước đã có gần 73 triệu người tham gia BHYT, đạt 100,3% so với chỉ tiêu thực hiện BHYT năm 2016 theo Quyết định số 1167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016- 2020, và đạt tỷ lệ bao phủ BHYT toàn quốc là 79,2% dân số.

Nguyên nhân thứ hai là đợt điều chỉnh giá viện phí từ ngày 1-3-2016 khi giá của gần 1.900 dịch vụ y tế của bệnh nhân BHYT được điều chỉnh theo hướng tăng khiến cho số chi của quỹ BHYT tăng cao. Một nguyên nhân nữa là do một số quy định mới trong Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế khi người bệnh được khám chữa bệnh thông tuyến huyện, dẫn đến tại nhiều bệnh viện huyện trên phạm vi cả nước tỷ lệ số lượt đi khám chữa bệnh tăng khoảng 48%.

Bên cạnh nỗi lo bội chi quỹ BHYT, lãnh đạo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam khá bức xúc trước vấn nạn lạm dụng quỹ BHYT của cả bệnh nhân và cơ sở y tế. Theo ông Phạm Lương Sơn- Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, qua kiểm tra cơ quan Bảo hiểm Xã hội Việt Nam phát hiện có bệnh nhân một tháng đi khám bệnh tới 27 lần. “Có địa phương qua kiểm tra phát hiện trường hợp bệnh nhân khám ngày 2- 3 lần trong cùng 1 bệnh viện huyện để lấy thuốc rồi bán lại cho hiệu thuốc. Điều này không phải chỉ là trường hợp cá biệt mà xảy ra ở khá nhiều nơi”, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thừa nhận.

Về phía cơ sở khám chữa bệnh, tình trạng lạm dụng vẫn diễn ra phổ biến, có những cơ sở y tế 100% bệnh nhân khi tới khám, điều trị được chỉ định nội soi tai mũi họng, mặc dù nhiều trường hợp không cần thiết. Hay có trường hợp nhân viên y tế chỉ định bệnh nhân cắt túi mật song khi chẩn đoán vẫn ghi… dịch mật trong suốt.

Bên cạnh đó theo ông Phạm Lương Sơn, việc lạm dụng quỹ BHYT còn được thể hiện bằng việc nhân viên y tế kê thuốc có hàm lượng lạ, không phổ biến. Với phòng khám tư nhân có "chiêu" lạm dụng quỹ BHYT bằng cách mua bánh mỳ kẹp thịt, nước uống để hút bệnh nhân tới khám tại cơ sở mình. "Qua thực tế kiểm tra cho thấy hiện có quá nhiều chiêu lạm dụng của các cơ sở y tế khiến cơ quan Bảo hiểm xã hội rất xót xa”, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam bức xúc.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin

Để ngăn chặn đà bội chi quỹ BHYT ông Phạm Lương Sơn đề nghị, các cơ quan liên quan kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các tổ chức cá nhân vi phạm pháp luật BHYT, nhất là hành vi lãng phí, lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT.

Trong đó đặc biệt lưu ý việc phối hợp kiểm tra, rà soát danh mục và cơ cấu giá của các dịch vụ kỹ thuật thực hiện tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn theo đúng quy định, nhất là các dịch vụ kỹ thuật có nguy cơ lạm dụng cao như xét nghiệm cận lâm sàng, kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh.

Đồng thời, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cũng yêu cầu, các cơ quan liên quan kiểm tra, giám định chặt chẽ hoạt động cung ứng, sử dụng và thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế tại cơ sở khám chữa bệnh, đảm bảo tính hợp lý, an toàn và hiệu quả trong suốt quá trình điều trị.

“Công tác thống kê, xác định chi phí thuốc, vật tư y tế đảm bảo đúng người, đúng bệnh, đúng chi phí (lưu ý quy trình khám chữa bệnh tại cơ sở khám chữa bệnh từ khi đón tiếp bệnh nhân đến khi người bệnh được nhận thuốc, vật tư y tế và thực hiện thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHHT)”, ông Phạm Lương Sơn yêu cầu.

Bên cạnh đó để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT, thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân vào năm 2020, ông Sơn thông tin hiện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã sửa đổi các quy định hiện hành về tổ chức mạng lưới đại lý thu BHYT theo hướng tạo điều kiện để các tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật tham gia làm đại lý; phối hợp với Bộ Y tế hướng dẫn các địa phương về thủ tục, trình tự để người dân thuận lợi trong tham gia BHYT theo hộ gia đình.

Đồng thời, ngành BHXH đã triển khai xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu người tham gia BHYT tập trung, thống nhất trong cả nước. Đến hết tháng 7-2016, đã có 99% dân số cả nước được thu thập, nhập thông tin và đã đồng bộ mã thẻ BHYT của 58,2 triệu người, tương đương với 86,2% số người có thẻ BHYT. Hiện nay, BHXH Việt Nam đang tiếp tục rà soát, điều chỉnh dữ liệu đã thu thập được để tích hợp, đồng bộ và xây dựng quy trình khai thác, quản lý, sử dụng có hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu này.

Cùng với đó, BHXH Việt Nam đã xây dựng, đưa vào sử dụng Cổng thông tin giám định BHYT từ tháng 6-2016 nhằm cải cách hành chính, giám định thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT theo hình thức trực tuyến trên phạm vi toàn quốc, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng quỹ BHYT, tiết kiệm thời gian và chi phí cho cơ quan BHXH, cơ sở khám chữa bệnh./.

Dương Ngân

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN