Nhiều cán bộ ở Quảng Nam bị bắt tạm giam
(ĐCSVN) - Nhiều cán bộ ở Quảng Nam bị bắt tạm giam; Ra mắt Ngân hàng gen (ADN) Liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân; Thực phẩm chức năng bị nghi liên quan tới cái chết của 80 người ở Nhật Bản;... là những tin đáng chú ý trong ngày hôm nay (23/7).
Nhiều cán bộ ở Quảng Nam bị bắt tạm giam
Ngày 23/7, Công an tỉnh Quảng Nam cho biết Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an huyện Núi Thành vừa thi hành quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Trần Văn Vũ (sinh năm 1974), Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Núi Thành, nguyên Chủ tịch UBND xã Tam Mỹ Tây (huyện Núi Thành).
Cơ quan Công an tống đạt các quyết định khởi tố, bắt tạm giam bị can. (Ảnh: Công an Quảng Nam). |
Cùng bị bắt tạm giam còn có bị can Nguyễn Quốc Tín (sinh năm 1984), công chức địa chính xây dựng xã Tam Mỹ Tây; Phạm Trường An (sinh năm 1990), nhân viên Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Núi Thành và ông Châu Ngọc Lộ (sinh năm 1962), nguyên Trưởng thôn Trung Lương, xã Tam Mỹ Tây.
Các bị can nêu trên bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, quy định tại khoản 3, Điều 356 Bộ Luật Hình sự.
Kết quả điều tra xác định năm 2019, các bị can Trần Văn Vũ, Nguyễn Quốc Tín, Phạm Trường An, Châu Ngọc Lộ đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, thực hiện trái quy định trong quá trình lập 13 hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 3,81 tỷ đồng.
Ra mắt Ngân hàng gen (ADN) Liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân
Ngày 23/7, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp với bộ ngành tổ chức hội nghị “Tri ân người có công với cách mạng năm 2024 và ra mắt Ngân hàng gen (ADN) Liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân Liệt sĩ”.
Dự và phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, ngày 27/7 là dịp để toàn dân, toàn quân ta bày tỏ lòng tưởng nhớ, tôn vinh và tri ân công lao to lớn của các bậc Anh hùng Liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình Liệt sĩ và người có công với cách mạng.
Nói về ngân hàng gen Liệt sĩ và thân nhân, Thủ tướng nêu mục tiêu giám định, phấn đấu xác định danh tính 60% liệt sĩ trong các nghĩa trang. Cả nước còn khoảng 180.000 Liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, còn 300.000 hài cốt Liệt sĩ trong các nghĩa trang chưa xác định được danh tính.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và đại diện bộ ngành thực hiện nghi thức ra mắt Ngân hàng gen (ADN) Liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân. |
“Chúng ta tri ân gần 1,2 triệu người con ưu tú đã dũng cảm, xung phong ra trận, anh dũng chiến đấu, hy sinh quên mình. Trong đó, rất nhiều người ở lại với tuổi 18, đôi mươi, để lại phía sau bao ước mơ, hoài bão còn dang dở, những trang sách giảng đường, gia đình, người thân nơi hậu phương lên đường thực hiện nhiệm vụ”, Thủ tướng cho biết.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, đến nay, cả nước đã xác nhận được 9,2 triệu người có công và thân nhân người có công, các chế độ ưu đãi ngày một nâng cao. Hệ thống chính sách, pháp luật ưu đãi người có công đang từng bước hoàn thiện, phù hợp với từng giai đoạn lịch sử và điều kiện kinh tế xã hội của đất nước. Việc hình thành Ngân hàng gen Liệt sĩ chưa xác định thông tin và thân nhân Liệt sĩ được xác định là giải pháp căn cơ để giải quyết, xác định danh tính, trả lại tên cho 300.000 Liệt sĩ.
Thời gian qua, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Quốc phòng đã triển khai Đề án xác định hài cốt Liệt sĩ còn thiếu thông tin (Đề án 150), được thực hiện chủ yếu bằng phương pháp giám định ADN và thực chứng. Đến nay, lực lượng chức năng đã thu thập được 10.000 mẫu hài cốt Liệt sĩ và hơn 3.000 mẫu sinh phẩm thân nhân Liệt sĩ. Từ đó, đã so sánh đối khớp được hơn 1.000 danh tính Liệt sĩ để báo tin về cho thân nhân Liệt sĩ. Trong số 900.000 Liệt sĩ đã được quy tập, cũng có tới hơn 300.000 ngôi mộ chưa xác định được thông tin.
Tại Lễ ra mắt Ngân hàng gen, 10 gia đình Liệt sĩ đầu tiên được nhận giấy chứng nhận ADN.
Thực phẩm chức năng bị nghi liên quan tới cái chết của 80 người ở Nhật Bản
Ngày 23/7, chủ tịch và giám đốc điều hành của Công ty dược phẩm Kobayashi, công ty chuyên sản xuất thực phẩm chức năng ở Nhật Bản, đã tuyên bố từ chức, trong bối cảnh công ty đang điều tra cái chết của 80 người nghi liên quan đến sản phẩm thực phẩm chức năng chứa men gạo đỏ, có tác dụng hạ cholesterol của hãng.
Công ty Kobayashi cho biết, Chủ tịch Akihiro Kobayashi và Tổng giám đốc Kazumasa Kobayashi sẽ rời bỏ chức vụ. Cả hai người đều thuộc gia đình sáng lập công ty. "Quyết định này được đưa ra nhằm làm rõ trách nhiệm của ban điều hành đối với loạt hành động của công ty chúng tôi liên quan đến vấn đề men gạo đỏ", công ty cho biết trong tuyên bố.
Chủ tịch Công ty dược phẩm Kobayashi Akihiro Kobayashi (thứ hai từ trái sang) và các thành viên khác cúi đầu xin lỗi tại cuộc họp báo liên quan đến các sản phẩm của công ty vào tháng 3. (Ảnh: Jiji Press) |
Công ty dược phẩm Kobayashi đang là tâm điểm của vụ bê bối gây lo ngại về sức khỏe liên quan đến thực phẩm chức năng chứa men gạo đỏ, được lên men bằng phương pháp nuôi cấy nấm mốc.
Men gạo đỏ được sử dụng trong thực phẩm, đồ uống có cồn và y học dân gian trong nhiều thế kỷ trên khắp Đông Á. Các nghiên cứu y khoa cho biết nó có thể cải thiện mức cholesterol nhưng cũng cảnh báo về nguy cơ gây tổn thương cơ quan nội tạng, tùy thuộc vào thành phần hóa học.
Vụ bê bối xảy ra vào tháng 3 khi Kobayashi, một thương hiệu quen thuộc ở Nhật Bản, thu hồi ba nhãn hiệu thực phẩm chức năng sau khi khách hàng phàn nàn về các vấn đề liên quan đến thận.
Sau đó, công ty cho biết họ đã phát hiện ra một loại axit có thể độc hại do nấm mốc tạo ra tại một trong những nhà máy của công ty. Chính phủ Nhật Bản cũng đã kiểm tra cơ sở của Kobayashi.
Công ty cho biết họ đang điều tra tổng cộng 80 trường hợp tử vong có thể liên quan đến sản phẩm này và xem xét liệu các cơ quan nội tạng khác ngoài thận có bị tổn hại hay không.
Chính phủ Nhật Bản gọi sự chậm trễ trong việc báo cáo số lượng các trường hợp đang được điều tra của Kobayashi Pharmaceutical là "cực kỳ đáng tiếc".
Báo cáo của nhóm luật sư cũng chỉ trích cách xử lý vấn đề của công ty. "Kobayashi chưa bao giờ nhận được nhiều báo cáo về các trường hợp nghiêm trọng từ các bác sĩ trong một thời gian ngắn như vậy. Thế nhưng, công ty đã không cân nhắc ngay đến việc công bố thông tin cho người tiêu dùng vì cho rằng sự việc không đủ tính cấp bách", báo cáo cho hay.
Các luật sư cáo buộc rằng công ty phải thu hồi sản phẩm ngay lập tức và báo cáo sự cố, nhưng họ chỉ quyết định làm như vậy sau khi tiến hành điều tra nội bộ.
Theo thông báo của công ty Kobayashi, chủ tịch mới của công ty là ông Satoshi Yamane, trước đây là giám đốc chính sách phát triển bền vững. Trong khi đó, cựu Chủ tịch Akihiro Kobayashi sau tuyên bố từ chức sẽ vẫn giữ vai trò điều hành để quản lý các vấn đề liên quan đến bồi thường./.