Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Nhiều cách làm mới sáng tạo, hiệu quả góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Thứ Ba, 29/08/2023 16:00 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Được xem là giải pháp quan trọng, đáp ứng mong đợi của nhân dân, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025, sau gần 3 năm thực hiện đã thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận, có ý nghĩa thiết thực đối với đời sống của người dân.

 Phát triển sản xuất nông nghiệp tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. 

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14 tháng 10 năm 2021) nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định pháp luật của Nhà nước về chính sách dân tộc; đồng thời là giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng mong đợi của nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Thực tế cho thấy Chính phủ đã ưu tiên tối đa nguồn lực tập trung cho các địa phương và đối tượng khó khăn nhất để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, với tổng nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 là gần 104.325 tỷ đồng (chiếm 54,3% tổng vốn bố trí cho các chương trình mục tiêu quốc gia); đã cân đối bố trí 41.046 tỷ đồng trong kế hoạch năm 2021, 2022, 2023 (đạt 39% kế hoạch trung hạn, cao hơn mức bố trí cho 02 chương trình còn lại) theo khả năng hấp thụ và đảm bảo tiến độ giải ngân tại các địa phương.

Sau một thời gian thực hiện, báo cáo của Chính phủ về việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 gửi Đoàn giám sát Quốc hội mới đây cho thấy chúng ta đã đạt được một số kết quả nhất định đáng ghi nhận trong từng dự án thành phần thuộc Chương trình. Cụ thể như sau:

* Dự án 1 về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, các địa phương đã tập trung triển khai các hoạt động hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nhà ở, đầu tư các công trình nước tập trung cho hộ dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo sống sinh sống ở xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc nội dung.

Đến tháng 7/2023, đã hỗ trợ đất ở cho khoảng 489 hộ; hỗ trợ đất sản xuất cho khoảng 14.760 hộ thiếu đất sản xuất (trong đó, hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất cho 641 hộ, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 14.119 hộ); ước đến ngày 31/12/2023, sẽ hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho khoảng 89.642 hộ.

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 38/2023/NĐ-CP, các địa phương cơ bản đã phê duyệt xong đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất theo cơ chế sử dụng vốn đầu tư công hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng chính sách, dự kiến đến hết năm 2023 sẽ hoàn thành việc giải ngân vốn cho các đối tượng này.

* Dự án 2 về quy hoạch sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư: Đã khởi công được 116 dự án bố trí ổn định dân cư, trong đó đã có khoảng 29 dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng. Dự kiến đến hết năm 2023 sẽ cơ bản hoàn thành các mục tiêu về quy hoạch sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư và giải ngân hết kế hoạch đầu tư vốn năm 2022 chuyển sang năm 2023 và kế hoạch đầu tư vốn năm 2023.

* Dự án 3 về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị.

Trong đó, Tiểu dự án 1 về phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân: Cơ bản chưa triển khai thực hiện được các nội dung hỗ trợ phát triển kinh tế gắn với bảo vệ rừng do định mức hỗ trợ từ Chương trình (400.000 đồng/ha/năm) thấp hơn định mức người dân đang được hỗ trợ theo Nghị định số số 75/2015/NĐ-CP (564.144 đồng/ha/năm).

Tiểu dự án 2 về hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: Đã triển khai được 06 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất với 139 hội viên người dân tộc thiểu số tại một số địa phương; mới tổ chức các hội thảo, hội nghị hướng dẫn triển khai, chưa triển khai được các nội dung đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý theo nội dung Tiểu dự án do các địa phương còn gặp vướng mắc trong xây dựng cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất, nội dung hỗ trợ, phương thức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho các đối tượng tham gia dự án, mô hình; địa bàn triển khai một số dự án phải tuân thủ quy định pháp luật về lâm nghiệp, đất đai.

Tiểu dự án 3 về phát triển kinh tế xã hội - mô hình bộ đội gắn với dân bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: Đã triển khai thực hiện 80 mô hình (63 mô hình chăn nuôi, 17 mô hình trồng trọt); hỗ trợ 5.448 hộ dân thụ hưởng dự án (gồm 4.495 hộ nghèo, 781 hộ cận nghèo, 172 hộ mới thoát nghèo), tỷ lệ hộ gia đình người dân tộc thiểu số tham gia dự án, mô hình phát triển chăn nuôi, trồng trọt là 98%; hỗ trợ 3.654 em học sinh dân tộc thiểu số (từ lớp 1 - 12) đang sinh sống ở khu vực biên giới, có hoàn cảnh khó khăn được đến trường học tập, nhận nuôi 400 em là người dân tộc thiểu số, thuộc hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

* Dự án 4 về đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập.

Tiểu dự án 1 về đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: Đã triển khai thực hiện khoảng 4.948 công trình giao thông, 104 công trình thuỷ lợi, 362 công trình nhà sinh hoạt cộng đồng, 176 công trình khác; 20 công trình chợ được xây mới, 56 chợ được nâng cấp tại địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Tiểu dự án 2 về đầu tư cơ sở vật chất các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực công tác dân tộc: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc và tỉnh Tuyên Quang đang tiến hành các thủ tục phê duyệt đầu tư và thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho Trường Đại học Tây Nguyên, Trường Đại học Tây Bắc, Trường Hữu Nghị T78, Hữu Nghị 80, Đại học Tân Trào, Trường phổ thông vùng cao Việt Bắc và 04 trường đào tạo dự bị đại học theo nội dung đầu tư tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ.

* Dự án 5 về phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực:

Tiểu dự án 1 về đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Đã tiến hành các hoạt động khảo sát, biên soạn, tập huấn, cấp phát tài liệu cho các trường phổ thông dân tộc nội trú về khởi nghiệp trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa dân tộc; phòng chống bạo lực học đường, xâm hại tình dục đối với học sinh; nâng cao năng lực dạy học môn Toán, Tiếng Việt, ngữ văn, thể thao và tài liệu sơ cứu, phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước cho học sinh ở các trường dân tộc nội trú, bán trú.

Tiểu dự án 2 về bồi dưỡng kiến thức dân tộc; đào tạo dự bị đại học, đại học và sau đại học đáp ứng nhu cầu nhân lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: Đã thực hiện 73 lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc, 42 lớp bồi dưỡng tiếng dân tộc cho 10.174 cán bộ, chiến sỹ, công chức quốc phòng công tác, làm việc tại vùng; 14 lớp bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số với 679 học viên; 20 lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho cán bộ chiến sỹ.

Tuy nhiên, việc triển khai tiểu dự án còn chậm, có khả năng không hoàn thành chỉ tiêu bồi dưỡng kiến thức dân tộc và tiếng dân tộc thiểu số đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14 tháng 10 năm 2021 do chưa hoàn thành việc phê duyệt đề án tổ chức bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số, chưa có chương trình bồi dưỡng kiến thức dân tộc theo đối tượng cụ thể, gắn truyền thống, phong tục tập quán của đồng bào ở từng địa phương.

Tiểu dự án 3 về dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi: Đã hỗ trợ đào tạo nghề cho các đối tượng của Chương trình là 30.952 người; ước đến ngày 31/12/2023, hỗ trợ đào tạo cho khoảng 64.195 người.

Tiểu dự án 4 về đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai Chương trình ở các cấp: Đã hoàn thành Khung Chương trình đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai Chương trình ở các cấp, đang tiến hành các hoạt động triển khai công tác đào tạo theo quy định.

* Dự án 6 về bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch: Đã triển khai tổ chức bảo tồn các lễ hội truyền thống tiêu biểu các dân tộc thiểu số tại 05 địa phương; xây dựng 08 mô hình bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; hỗ trợ trang thiết bị hoạt động cho 31 nhà văn hóa - khu thể thao thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của 06 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc .

* Dự án 7 về chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em: Đã thực hiện hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị thiết yếu cho 16 trung tâm y tế huyện, bệnh viện huyện thuộc vùng đồng bào đồng bào dân tộc thiểu số; tổ chức 02 lớp tập huấn kỹ năng tuyên truyền về dân số với đồng bào dân tộc thiểu số cho cán bộ truyền thông của 51/51 Chi cục Dân số tỉnh; tổ chức hội thảo hướng dẫn, tập huấn cho cán bộ địa phương về chuyên môn về chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng bà mẹ trẻ em.

* Dự án 8 về thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em: Đã thành lập được 3.535 tổ truyền thông cộng đồng, 477 địa chỉ tin cậy với sự tham gia của 5.685 thành viên để tư vấn cho trên 1.100 phụ nữ, trẻ em trên địa bàn; 550 câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thanh đổi”; tổ chức 68 cuộc tập huấn hướng dẫn giám sát, đánh giá về bình đẳng giới cho trên 4.400 cán bộ các cấp, 239 cuộc tập huấn nâng cao năng lực lồng ghép giới cho cán bộ huyện xã, 377 cuộc tập huấn cho trưởng thôn, người có uy tín tại cộng đồng; tổ chức 106 cuộc đối thoại chính sách ở cấp thôn bản với sự tham gia của 8.420 người.

Dự án 9 về đầu tư nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc thiểu số còn khó khăn.

Tiểu dự án 1 về đầu tư phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù: Các địa phương chưa triển khai thực hiện Tiểu dự án do chưa có tiêu chí xác định thôn tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số có khó khăn đặc thù, có tỷ lệ hộ nghèo cao; chưa có cơ sở pháp lý để các địa phương thực hiện việc ủy thác nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ qua Ngân hàng chính sách xã hội .

Tiểu dự án 2 về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: Các địa phương đang tích cực triển khai dự án ngay sau khi có tài liệu hướng dẫn chuyên môn về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số từ cơ quan chủ dự án thành phần.

* Dự án 10 về truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; kiểm tra, giám sát đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình:

Tiểu dự án 1 về biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của người có uy tín; phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý và tuyên truyền, vận động đồng bào; truyền thông phục vụ tổ chức triển khai thực hiện Đề án tổng thể và Chương trình: Đã tiến hành các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý và tuyên truyền vận động đồng bào người dân tộc thiểu số về các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Tuy nhiên, chưa triển khai được hoạt động “Trang bị phương tiện nghe nhìn phù hợp cho lực lượng cốt cán, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2022 - 2025” do chưa xây dựng được tiêu chí xác định “lực lượng cốt cán” trong đối tượng hỗ trợ.

Tiểu dự án 2 về ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: Các địa phương đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện thiết lập các điểm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin, tổ chức các hội nghị, hội thảo tập huấn về Chương trình; đang thực hiện các thủ tục phê duyệt, thực hiện đầu tư xây dựng chợ sản phẩm trực tuyến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tiểu dự án 3 về kiểm tra, giám sát, đánh giá, đào tạo, tập huấn tổ chức thực hiện Chương trình: Chủ chương trình, chủ dự án thành phần, các bộ, cơ quan trung ương có liên quan và các địa phương đã tăng cường thực hiện công tác kiểm tra, giám sát của Chương trình để đôn đốc tiến độ thực hiện, giải ngân vốn và ghi nhận các vướng mắc khó khăn, kiến nghị giải pháp xử lý vướng mắc, khó khăn. Qua công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá cho thấy kết quả thực hiện các nội dung, dự án thành phần của Chương trình giai đoạn 2021 - 2023 góp phần quan trọng trong thực hiện bảo đảm an ninh chính trị, trật tự xã hội tại các địa bàn chiến lược, mục tiêu, xung yếu vùng dân tộc và miền núi; xử lý kịp thời, hiệu quả vấn đề cấp bách, quan trọng, các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự, không để xảy ra “điểm nóng” phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Những kết quả đáng ghi nhận của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi góp phần làm thay đổi căn bản đời sống của người dân. 

Từ kết quả cụ thể, thực tế trên cho thấy còn một số nội dung, nhiệm vụ thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa được triển khai thực hiện; dự kiến một số mục tiêu không thể hoàn thành, cần rà soát, điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tiễn, mặt bằng pháp lý.

Chính vì vậy, trong thời gian tới, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thì việc triển khai thực hiện chương trình mới đạt kết quả tốt. Cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành phải quán triệt, cụ thể hóa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật để thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội; đồng thời, chủ động nghiên cứu, triển khai thực hiện những cách làm mới sáng tạo, hiệu quả và kịp thời xử lý vướng mắc khó khăn trong thực hiện. Thêm vào đó, cần hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện Chương trình từ trung ương đến địa phương phải đi trước một bước.

Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát gắn với trách nhiệm cụ thể của từng cấp, từng ngành, từng cơ quan đơn vị; đồng thời, chú trọng công tác phối hợp trong chỉ đạo, điều hành thực hiện Chương trình. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, huy động cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân tham gia phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Hoàn thiện hệ thống giám sát, đánh giá kết quả thực hiện. Thường xuyên thực hiện việc thanh tra, kiểm toán quá trình tổ chức thực hiện, sử dụng nguồn lực, kịp thời phát hiện và xử lý những vi phạm đảm bảo nâng cao hiệu quả đầu tư, hiệu lực chấp hành pháp luật trong triển khai thực hiện các chương trình. Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan chính trị - xã hội các cấp, sự tham gia giám sát của người dân và các cơ quan truyền thông đối với quá trình tổ chức thực hiện Chương trình./.

Bài, ảnh: Ngọc Đính

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN