Nhiễm độc chì đe dọa người dân Đông Mai, Hưng Yên
(ĐCSVN) - Làng nghề tái chế chì thôn Đông Mai, xã Chỉ Đạo (huyện Văn Lâm) từ lâu được coi là nơi ô nhiễm môi trường trầm trọng nhất tỉnh Hưng Yên. Sau nhiều năm nỗ lực tìm mọi giải pháp, đến nay, tình trạng ô nhiễm vẫn đang đe dọa người dân nơi đây.
Hoạt động tái chế chì tại thôn Đông Mai. (Ảnh: HL)Thôn Đông Mai, xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm vốn được biết đến với nghề tái chế chì từ ắc quy cũ hàng chục năm nay, với 90% hộ gia đình kiếm sống bằng nghề này. Nguyên liệu chính là bình ắc quy cũ được thu gom từ khắp mọi nơi tập kết về Đông Mai. Công việc tái chế chì diễn ra ngay trong khu dân cư, việc phá dỡ bình ắc quy đã xả thải ra môi trường một lượng lớn a xít ngấm vào lòng đất và nước ngầm qua nhiều năm. Đặc biệt, hoạt động nấu các lá chì cũ để tái chế đã phát thải khói bụi độc hại làm ô nhiễm nặng nguồn không khí, đất và nước ngầm của cả thôn. Nghề tái chế ắc quy đã tạo ra thu nhập và nuôi sống nhiều gia đình tại Đông Mai. Tuy nhiên, đi cùng với gia tăng thu nhập, tái chế chì tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây nhiễm độc cho cơ thể và đã gây nên những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe của người dân Đông Mai.
Chị Tô Thị Tuyết - một người dân sinh sống tại đây cho biết, 5 năm trước đây làng Đông Mai rất ô nhiễm, nhưng gần đây khu vực tái chế chì được xây dựng cách xa làng khoảng 5km. Tại đó họ thuê nhân công chặt chì và phân loại xương chì, bột chì, và cho vào hẩy chì. Gần đây họ đã xây lò hút khói để lọc chất ô nhiễm của khói chì, vậy nhưng cuộc sống của chúng tôi vẫn bị ảnh hưởng, vì nhiều nhà vẫn chứa chì trong nhà. Tiếp lời chị Tuyết, anh Lê Viết Duẩn chia sẻ: Ở làng Đông Mai người dân chúng tôi bị nhiễm độc chì quá nhiều, nhất là trẻ con. Chúng tôi là người dân Đông Mai vẫn phản đối cái nghề này. Đến giờ, tuy khu vực tái chế chì đã quy hoạch thành công ty, nhưng chỉ đỡ khói, còn mùi vẫn vương khắp nơi, đêm không thể nào ngủ được. Đã thế còn ô nhiễm nguồn nước, không đảm bảo sức khỏe cho người dân... Bao lần chúng tôi đề nghị bỏ nghề này nhưng vẫn chưa làm được.
Theo các bác sĩ ở Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, nhiễm độc chì đã ngăn cản quá trình phát triển bình thường của trẻ cả về mặt thể lực và trí tuệ. Trẻ nhiễm độc chì dễ dẫn đến suy gan, suy thận, mất trí nhớ, sụt cân... Nếu ngộ độc nặng, trẻ sẽ bị co giật, nguy hiểm đến tính mạng. Không chỉ trẻ em mà hầu hết người lớn ở làng nghề Đông Mai khi làm xét nghiệm đều có lượng chì trong máu cao hơn mức cho phép. Biểu hiện khi người lớn nhiễm độc chì thì thường chán ăn, mất ngủ, đau đầu, thiếu máu và suy giảm sức khỏe, trí nhớ, năng suất lao động.
Với những tác hại khôn lường của nhiễm độc chì, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, Bộ Y tế đã nghiên cứu để tìm phương pháp giải độc chì cho bà con nơi đây nói riêng và người dân cả nước nói chung. Việc lựa chọn sản phẩm nào để giúp bà con thải độc Viện cũng đã tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng để có sản phẩm phù hợp và hiệu quả nhất. TS. Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường cho biết, sau 10 năm với sự nỗ lực của địa phương và các cơ quan chức năng, Viện đã thực hiện được lời hứa với người dân thôn Đông Mai là tìm phương pháp giải độc chì cho bà con nơi đây. Theo đó, sẽ có 330 trẻ em và 120 người lớn ở thôn Đông Mai được hỗ trợ miễn phí thuốc thải độc chì trong thời gian hai tháng.
Ông Hải cho biết, sản phẩm được lựa chọn để thải độc chì là Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Pectin Complex, nghiên cứu và phát triển bởi các nhà khoa học của Ukraina. Sản phẩm đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành ở Việt Nam. Đây là sản phẩm có chứa pectin được chiết xuất từ củ cải đường, có tác dụng hỗ trợ đào thải chì ra ngoài cơ thể, giảm thiểu tác động của chì tới sức khỏe.
“Hiện nay hướng dẫn chẩn đoán và điều trị nhiễm độc chì của Bộ Y tế không chỉ định dùng thuốc gắp chì cho những trường hợp nhiễm độc chì mức độ nhẹ (nồng độ chì trong máu dưới 45µmáu), vì vậy phương pháp thải độc chì bằng thực phẩm Pectin cho trẻ em thôn Đông Mai là phù hợp” - ông Hải cho hay.
Trong thời gian 2 tháng, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường tiếp tục phối hợp với Sở Y tế tỉnh Hưng Yên, Trung tâm Y tế huyện Văn Lâm hướng dẫn người dân sử dụng Pectin, truyền thông về tác hại, biện pháp phòng, chống nhiễm độc chì và đánh giá nồng độ chì máu ở những đối tượng được sử dụng sản phẩm Pectin.
Cùng với những biện pháp điều trị trực tiếp, UBND tỉnh Hưng Yên cũng đã lập dự án trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Kế hoạch tổng thể khảo sát, khoanh vùng, xử lý triệt để ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại làng nghề tái chế chì Đông Mai; đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường lập phương án xử lý nhiễm độc đất và nguồn nước và đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ khám, chữa, điều trị, tẩy độc chì cho người dân địa phương./.