Nhật Bản, Hàn Quốc nối lại đối thoại kinh tế cấp cao
(ĐCSVN) - Ngày 3/12, Nhật Bản và Hàn Quốc thông báo sẽ nối lại các cuộc đối thoại kinh tế cấp cao vào cuối năm nay sau gần 8 năm đình trệ do những căng thẳng còn tồn tại từ thời chiến và các tranh chấp khác.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tại cuộc gặp ở thủ đô Seoul hồi tháng 5/2023. (Ảnh: Yonhap) |
Việc nối lại đối thoại kinh tế cấp cao Hàn Quốc - Nhật Bản là biện pháp mới nhất trong một loạt các biện pháp mà hai nước đã thực hiện trong bối cảnh quan hệ đang ấm dần lên sau khi giải quyết được vấn đề lao động thời chiến vào đầu năm nay.
Tại Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) được tổ chức tại Vilnius (Litva) vào tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã nhất trí nối lại các cuộc đối thoại kinh tế và hai bên cũng đã khẳng định cam kết tiến hành những sự kiện này trong các cuộc gặp thượng đỉnh sau đó.
Đối thoại kinh tế cấp cao được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1999. Các cuộc đối thoại kinh tế này diễn ra luân phiên ở hai nước, nhưng sau đó đã bị đình chỉ sau phiên họp thứ 14 tại Tokyo hồi năm 2016 do những căng thẳng liên quan đến các nạn nhân bị cưỡng bức lao động thời chiến.
Trước đó, ngày 1/12, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đã đạt được thỏa thuận hoán đổi tiền tệ trị giá 10 tỷ USD, qua đó nối lại thỏa thuận đã hết hiệu lực từ năm 2015, cho phép hai nước tiếp cận nguồn tiền của nhau trong những thời điểm cấp bách. Theo đó, mỗi nước dùng đồng nội tệ của mình để đổi lấy USD.
Thỏa thuận hoán đổi tiền tệ được xem là công cụ giúp các nước ứng phó nguy cơ bất ổn tài chính trong tình huống rơi vào khủng hoảng thanh khoản.
Trước đó, Hàn Quốc và Nhật Bản từng ký thỏa thuận hoán đổi tiền tệ vào năm 2001 với quy mô ban đầu 2 tỷ USD, sau đó tăng lên 70 tỷ USD vào năm 2011 nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Năm 2015 thỏa thuận này hết hiệu lực mà không được gia hạn, trong bối cảnh quan hệ song phương căng thẳng./.