Nhà thơ Kim Dũng - Một dấu ấn thi ca miền đất Tổ
(ĐCSVN) - Sách “Lĩnh Nam chích quái” của Trần Thế Pháp ghi: “đất Phong Châu cổ có một cây lớn cành lá sum suê gọi là cây Chiên Đàn, chim Hạc khắp nơi bay về đậu trắng trên cây, nên gọi đất này là ấp Bạch Hạc, đất Sơn chầu Thủy tụ, Đất lành chim đậu dân cư mọi nơi đổ về làm ăn lập nên làng Bạch Hạc, tên Bạch Hạc có từ thuở ấy”. Bạch Hạc là nơi ngã ba sông trên bến, dưới thuyền, nơi hợp lưu của ba con sông: sông Hồng, sông Đà, sông Lô, in bóng núi Ba Vì - Tản Viên Sơn Thánh, cạnh huyền bên kia là Khu di tích lịch sử Đền Hùng.
Xinh thay ngã ba Hạc
Lạ thay ngã ba Hạc
Dưới họp một dòng
Trên chia ba ngác
Ngóc ngách khôn đo rộng hẹp, dòng biếc lẫn dòng đào; Lênh lang dễ biết nông sâu, nước đen pha nước bạc”.
Tiến sĩ ,Thượng thư Nguyễn bá Lân ( 1701-1785)
Phải chăng miền đất “Khí thiêng sông núi” của quê hương Bạch Hạc đã sinh ra nhà thơ Kim Dũng, để rồi níu giữ ông gắn bó với quê hương, bằng những thi phẩm với ngôn ngữ giản dị, giàu âm thanh, hình ảnh, tình cảm sâu lắng. Thơ ông cũng như chính con người ông, bình dị, chân thành mà thắm tình của một trí thức nho nhã, mực thước... Nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - nhà thơ Hữu Thỉnh từng viết: “Kim Dũng đến với thơ rất sớm, ông thuộc thế hệ các nhà thơ chống Mỹ, thơ Kim Dũng gắn bó tha thiết với quê hương đất Tổ cội nguồn, với miền đất thiêng Bạch Hạc, ông có sự liên tưởng gắn kết xưa và nay một cách rất tinh tế và nhuần nhuyễn”.
Có lẽ chính trong sự liên tưởng xưa- nay ấy mà nhà thơ Kim Dũng đã viết trong bài: “Ảnh Bác ở Đền Hùng”. Khi ông quan sát bức ảnh Bác đặt tay lên mặt trống đồng, có chạm khắc hoa văn hình mặt trời, hình vũ nữ nhảy múa, gợi nhớ đến lịch sử 4000 năm dựng nước và giữ nước của cha ông. Nhìn ra cái gạch nối của hai thời đại Hùng Vương và thời đại Hồ Chí Minh, niềm tự hào của dân tộc:
Bốn - ngàn - năm - lịch - sử sẽ về đâu ?
Nếu không có bàn tay Người chỉ hướng
Bao ghềnh thác con thuyền gắng vượt
Chẳng chòng chành dù chớp giật phong ba...
Đất nước thành hoa văn trên mặt trống tượng hình
Đàn chim Lạc buổi bình minh lịch sử
Kỷ nguyên này có bàn tay lãnh tụ
Nâng vóc tầm dân tộc bay lên
Nhà thơ Kim Dũng sinh năm 1939 tại làng Bạch Hạc, Việt Trì, Phú Thọ. xuất thân từ nhà giáo, nhà báo, làm thơ. Ông đến với thi ca từ rất sớm, thuộc lớp các nhà thơ chống Mỹ. Ông đã có chặng đường trên 40 năm gắn bó với thơ và đã cho xuất bản 11 tập thơ: "Mùa lúa mùa trăng"1978, "Buồm mở cánh"1990, "Khát vọng" 1992, "Trăng trên phố" 1997, "Thức với dòng sông" 2001, "Lòng tay hình châu thổ" 2004, "Dấu ấn thời gian" 2008, "Lục bát tôi yêu" 2011, “ Cánh Hạc bay” 2016, “ Kim Dũng Thơ và bầu bạn” 2018 ,”Miền quê yêu dấu” 2023. Ông nhận được các giải thưởng cao quí như: Giải thưởng thơ lục bát của tuần Báo Văn nghệ năm 2002-2003; giải thưởng thơ lục bát tuyển chọn thế kỉ xx của Báo Tổ quốc 2008; giải thưởng văn học nghệ thuật Hùng Vương của UBND tỉnh Phú Thọ 2005. Là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Từ trái qua nhà thơ Tố Hữu, nhà thơ Kim Dũng, nhà thơ Ngô Kim Đỉnh. |
Tôi được quen biết nhà thơ Kim Dũng khá sớm khi tôi mới về công tác tại Hội Văn học Nghệ thuật Vĩnh Phú (năm 1985). Ngày ấy ông đang làm Chánh Văn phòng, kiêm Trưởng Ban bạn đọc của Báo Vĩnh Phú, sau đó sang làm Thường trực Hội Nhà báo tỉnh. Thế hệ các ông với những tên tuổi như đã trở thành những gương mặt đại diện tiêu biểu cho văn học nghệ thuật Vĩnh Phú khi ấy: Trần Quốc Phi, Nguyễn Bùi Vợi, Ngô Quang Nam, Cao Khắc Thùy, Sao Mai, Nguyễn khắc Xương, Nguyễn Hữu Nhàn, Nguyễn Đình Ảnh, Hoàng Hữu, Kim Dũng, Vũ Đình Minh, Khánh Hoài, Nguyễn Lê, Hoàng Tá, Trịnh Hoài Đức, Đặng Thị Khuê, Vương Chùy, Nguyễn Thọ, Phan Đinh, Vân Trang… Một hôm ông đến Hội đặt tôi vẽ bìa cho tập thơ "Buồm mở cánh" mà ông chuẩn bị xuất bản, sau đó một thời gian là tập thơ "Trăng trên phố". Từ đó tôi biết và hiểu thêm về con người ông, cũng như thơ ông. Nhận thấy ở ông một người gần gũi, giản dị nhỏ nhẹ cẩn trọng trong từng câu nói, ở ông luôn toát lên vẻ hào hoa lịch sự của một trí thức trọng văn hóa.
Từng là một nhà giáo hiệu trưởng, một nhà báo uy tín có nhiều đóng góp cho sự nghiệp trồng người, sự nghiệp báo chí của miền quê đất Tổ. Nhưng trên hết, tôi hiểu ông luôn đau đáu và dành tình yêu nhiều nhất cho thi ca, và có lẽ chính thi ca đã làm nên một Kim Dũng thi sĩ tài hoa, đa tình, Đặc biệt luôn day dứt với nơi chôn nhau cắt rốn, đắm mình với miền quê đất Tổ cội nguồn, trăn trở với nhân tình thế thái…Bằng tình yêu máu thịt của mình với làng quê đất cổ ngàn xưa, nhà thơ đã làm lay động tâm hồn người đọc bằng những câu thơ tài hoa, những bài thơ để đời.
“Tôi như tỉnh như mơ
Trên bến Đình quê Kiểng
Hình như vừa có tiếng
Cánh hạc bay về làng”
(Bến Hạc chiều xuân)
Ông từng tâm sự: “Viết được những câu thơ về quê hương, tôi cảm thấy lòng mình thanh thản, một phần nào đối với bao thế hệ cha anh hy sinh vì đất nước quê hương. Quê hương còn là hình ảnh bà con ruột thịt nội, ngoại và anh chị em gắn bó máu thịt trong một gia đình, còn là những nỗi niềm day dứt, da diết mà tôi đã gửi gắm vào trường ca: Cánh Hạc bay đó là chân dung làng tôi trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc, đã được phong danh hiệu anh hùng”.
Tôi tự soi mình vào những tấm gương
Bao thế hệ xả thân vì nước
Tạc lên hình gương mặt quê hương
Tôi suốt đời là một kẻ chịu ơn
Bên cạnh đó là những bài thơ ông tri ân những người ruột thịt thương yêu:
Tuổi thơ bà nội ru tôi
Cánh cò bay lả vành nôi vỗ về
À ơi… cái ngủ ngủ đi
Lim dim đôi mắt bờ mi mơ màng…
Ngày xanh mòn mỏi qua đi
Lời ru vẫn cứ thầm thi trong tôi
Đã qua quá nửa đời người
Vẫn còn mắc nợ những lời Bà ru.
Nghe mẹ hát ru ( Kính dâng hương hồn Bà nội) . Bài thơ được giải cuộc thi thơ lục bát của tuần Báo Văn nghệ 2002-2003.
Hay: Tuổi thơ mẹ hát vỗ về/ Câu ca Xứ Lạng đã mê hồn rồi/ Giờ lên Xứ Lạng bạn mời/ Chẳng ai nhớ dặn dò tôi câu nào…(kính dâng hương hồn mẹ).Hay những câu thơ viết về người chị bao thương mến nghĩa tình: Chị đi xa chưa đành/ Còn thương em dang dở/ Cánh buồm chiều ngẩn ngơ/ Thuyền lênh đêng bến đỗ!...
Tôi từng thuộc lòng bài thơ "Từ Minh Nông nghĩ về cây lúa" của ông, tứ thơ được hình thành từ truyền thuyết nơi các vua Hùng dạy dân trồng lúa trong các lễ hội Tịch Điền, mở ra nền văn minh châu thổ sông Hồng, khởi nguồn từ cây lúa nước. Bài thơ được giải cao cuộc thi viết về đề tài nông nghiệp của tỉnh Vĩnh Phú khi ấy. Nhưng tôi nghĩ bài thơ rất xứng đáng đưa vào sách giáo khoa bởi những giá trị văn hóa giáo dục, lịch sử và thi ca:
Các vua Hùng gieo nắm thóc nơi này
Buổi dựng nước, vua tôi cùng cày cấy
Làng Minh Nông có tên từ thuở ấy
Hạt lúa xưa để giống đến bây giờ
Câu ca mẹ ru tôi bay mãi cánh cò
Bao mùa lúa mọc trong câu tục ngữ
Tôi lớn lên học cày , học chữ
Củ khoai bùi, hạt gạo trắng nuôi tôi
Bốn nghìn năm cây lúa nước sinh sôi
Trên dải đất bao cơn binh lửa
Đất nhiệt đới nắng mưa lần lữa
Lúa với người khuya sớm có nhau
Cây lúa bây giờ sinh nở ở đâu
Vẵn từ tay các vua Hùng gieo hạt
Vẫn là đất của cháu con Hồng Lạc
Từ trung du lúa đến những chân trời…
Hội thảo thơ Kim Dũng- Nguyễn Hưng Hải, tháng 9/2013. |
Bên cạnh những thi phẩm về quê hương đất nước, nhà thơ Kim Dũng luôn dành tình cảm viết về bạn bè, đau đáu tri âm những người ông yêu quý với thái độ trân trọng, ngưỡng mộ bằng một cách nhìn nhân văn thấu đáo tình người, tình đời, nhũng vui buồn may rủi của số phận, của kiếp người: Lý Bạch, Đỗ Phủ, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du và Truyện kiều, Chu Văn An, Hàn Mặc Tử, Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Văn Cao, Hữu Loan, Hoàng Cầm, Sao Mai, Hoàng Quí…
Với Hữu Loan, tác giả bài thơ nổi tiếng “Màu tím hoa sim”, ông có những câu thơ như một tiếng thở dài, đong đầy nước mắt, đầy cảm thông chia sẻ: Thả hồn tráng sĩ dọc ngang/Mây trời Đèo Cả/Những làng đi qua/Chiến trường khói lửa xông pha/Người trai không chết nhưng mà hỡi ôi/Áo này sim tím mất rồi/Còn ai khâu vá mảnh đời cho ai”. Với Thi sĩ Hoàng Cầm là nỗi niềm thương nhớ khôn nguôi nhất: “Chỉ mơ một thoáng xanh rờn/Hoàng hôn chiều lở biết còn hay không/Suốt đời bắt bóng diêu bông/Trở về sông Đuống trắng đồng mưa bay”. Hay với Sao Mai ông viết khi lên thăm nhà văn bệnh nặng: “Ngược rừng thăm bác Sao Mai/ Nhà văn bất động đã ngoài tám mươi/ Cái thời rau cháu đã qua/ Bây giờ khấm khá – trời xa đất gần”…với Trịnh Thanh Sơn ở một khúc tiễn đưa bạn, ông nức nở như nấc lên, thổn thức: “Anh ngồi rót biển vào chai/Rót từng giọt ngắn, giọt dài đơn côi/Bây giờ biển mất anh rồi/Sóng dâng trắng xóa khóc người biệt ly”.
Và đây là khúc tiễn đưa bạn thơ vong niên Trần Dư, con người tài hoa, bạc mệnh buồn thăm thẳm cõi người.
Đời người chẳng mấy tấc gang
Văn chương mắc nợ, đa mang suốt đời.
Tháng ba thương lấy tháng mười
Vành nôi thương lấy mặt người còn thơ
Nhà thơ Kim Dũng luôn tìm tòi, đổi mới thi pháp giọng điệu. Ông có sở trường về thơ lục bát, một thể thơ truyền thống của dân tộc, thơ ông có vần điệu, có cấu tứ chặt chẽ, ý tứ sâu xa. "Đếm sao" là một bài thơ thế sự, khái quát nhân tình thế thái, lên án sự bon chen vụ lợi, sự tranh giành quyền lực nơi chốn quan trường phù phiếm... Kim Dũng viết thành công bằng thể thơ lục bát, ký thác nhiều nỗi niềm gửi gắm đến bạn đọc như lời nhắn nhủ, cảnh báo và cả sự dăn dạy đạo lý ở đời:
Tôi nhìn sao mãi thành quen
Những ngôi sao mọc đua chen giữa trời
Có ngôi sao ngỡ sáng ngời
Qua cơn bão tão tắt rồi còn đâu.
Trời cao như có phép màu
Thiên hà biến hóa trong bầu trời riêng
Có ngôi sao cứ lặng yên
Tự mình phát sáng mọi miền thảnh thơi…
"Hà Nội đêm mưa" là bài thơ tình rất trẻ trung hẹn hò, thương cảm, ái ngại cho người chờ đợi, gây xúc động và lắng đọng trong lòng bạn đọc với nhưng câu thơ thật tài hoa:
Bất ngờ Hà Nội đêm mưa
Nép nhờ mái phố, em chờ đợi tôi
Mưa rơi tầm tã mưa rơi
Áo em lạnh ít, tim tôi lạnh nhiều
Hay ở những bài thơ khác, chủ đề tình yêu chiếm một phần không nhỏ trong hành trình sáng tác, trong cảm xúc của tâm hồn thi sĩ Kim Dũng trước cái đẹp, cũng như sự thổn thức của con tim đa cảm trước các nàng thơ…Thế nên bạn đọc thường bắt gặp rất nhiều bài thơ mà ông viết tặng những bóng hồng giấu tên.
Lối về hoa cài gió bay
Người xưa theo mảnh đò gầy sang sông
Diêu bông đâu hỡi diêu bông
Đò tôi mỏng mắt đợi trông mỏi mòn...
Hay:
Người về thành phố chông chênh
Phòng văn chống chếnh buồn tênh ngõ chiều
Mắt buồn lặng lẽ trông theo
Người về xa khuất hắt hiu dặm trường
Người về mái ấm thân thương
Có còn vương vấn phố phường nữa chăng ?
(Người về)
Ngoài trách nhiệm thi sĩ, ông luôn ý thức trách nhiệm công dân trước cuộc sống, sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước, quê hương đổi mới. Ở thành phố trung du lúa chen lúa ra sát mặt đường, mùa lúa chín vàng thơm, gió đưa hương ngạt ngào qua mái tóc các cô gái bay bay tình tứ, gắn kết giữa nông thôn với thành thị trong "Đêm mùa" ân ái:
Đêm mùa thơm ngát rạ rơm
Tóc em qua phố thoảng hương gió đồng
Chiêm mùa gặt hái vừa xong
Sao như thóc giống trút trong bồ đầy
Bài "Sau cơn lũ quét", Kim Dũng phác họa cảnh tượng tàn phá phũ phàng của thiên tai, nhịp thơ gấp gáp, thảng thốt, khi con vện ở đâu đó chạy về bơ vơ tìm chủ trước căn nhà tan hoang, đổ nát, lạnh lùng:
Lũ quét qua rồi
Con vện chạy về
Bơ vơ tìm chủ
Nó ngồi ủ rũ
Trước thềm bùn đất
Tan hoang
Bài thơ gây ấn tượng mạnh với bạn đọc, như một trường đoạn phim quay lại cảnh tàn phá của lũ lụt mà con người phải gánh chịu, phải khắc phục.
Ở bài "Lòng tay hình châu thổ", nhà thơ Kim Dũng lấy tựa đề cùng tên cho tập thơ (tập thơ đã được giải thưởng văn học nghệ thuật Hùng Vương năm 2005). Biểu tượng "Lòng bàn tay châu thổ" như một tìm tòi phát hiện mới lạ, đồng điệu với cách nhìn của một họa sĩ làm giàu ngôn ngữ hình tượng thơ ca của dân tộc. Góp thêm một giá trị nghệ thuật cho thơ, có hình dáng, sắc màu, đường nét. Khiến người đọc như lạc vào một vùng châu thổ màu mỡ phù sa vời dài rộng những cánh đồng bát ngát, màu vàng của lúa, chằng chịt những con đường quanh co, sông ngòi uốn lượn... cứ ám ảnh để thơ ca gắn liền với quê hương, đất nước vô cùng thân thuộc.
Lòng tay ta hình tam tứ giác
Mở ra miền châu thổ sông Hồng
Châu thổ lòng tay mà xa cách quá
Cánh đồng thơ mê mải gieo trồng
Các cụ xưa nói "Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay". Bàn tay thi sĩ đa tình, đa cảm Kim Dũng luôn say sưa thơ phú, và người thơ suy ngẫm thoáng buồn, đặt một dấu hỏi với bạn tri âm, tri kỷ phải thế nào đây giữa thơ và đời:
Bàn tay ta thiên phú đa tình
Say ấp ủ những hạt vàng mới lạ
Châu thổ lòng tay mà xa cách quá
Thơ và đời hỏi bạn tri âm?
Trước khi trở thành nhà thơ, ông là một nhà báo, nhà giáo giảng dạy văn học, nhà quản lý giáo dục. Thơ ông thanh đạm, luôn khám phá tìm tòi, đổi mới thủ pháp trên nền thơ truyền thống, kết hợp với phong cách biểu đạt hiện đại.Thế nên ông có được những thi phẩm gửi gắm nỗi niềm thế sự sâu lắng, như neo vào lòng bạn đọc bởi vần điệu mới lạ mà hấp dẫn, đặc biệt là ý tứ sâu xa của tác phẩm. ”. Tôi cho rằng, không những thế thơ ông còn thể hiện một thái độ sống tích cực đầy can dự bản lĩnh. Có thể đó cũng là thành công của nhà thơ Kim Dũng, có ảnh hưởng không nhỏ trên thi đàn đất Tổ, cũng như trong dòng chảy thi ca đương đại của cả nước, khắc một dấu ấn đậm nét trên bản đồ thi ca nước Việt. Đó là niềm hạnh phúc của môt người sáng tác như ông .
Tôi đồng tình cao với nhiều nhà phê bình bời có chung nhận xét đánh giá: "Thơ Kim Dũng giản dị thoáng đạt, dào dạt, sâu lắng, bởi sự kết tinh của ngôn ngữ, hàm chứa một lượng thông tin lớn, năng lượng diễn đạt tinh tế và phong phú, kín đáo hàm súc và cô đọng, ít lời mà nhiều nghĩa khiến người đọc phải suy tưởng , phải ngẫm nghĩ đa chiều, đa tầng… Ông luôn tự vượt lên chính mình, làm mới mình mỗi ngày trên nền bản sắc thi ca truyền thống, để đến với công chúng yêu thơ bằng tài năng và tâm huyết nhất có thể, để cùng hòa nhịp với cuộc sống, trách nhiệm với thời đại, hướng con người tới những giá trị cao đẹp nhất của "Chân - Thiện - Mỹ". Góp phần vào sự phát triển của nền văn học nước nhà”:
“Phải từ trong cuộc bể dâu
Câu thơ hái tự nỗi đau nhân tình
Đắng cay chua chát là mình
Ngọt ngào thơm thảo người dành thế thôi
Đời người một thoáng mây trôi
Xanh như lá bạc như vôi ấy mà”…
Những suy tư trăn trở nhân tình thế thái, sự thiệt hơn thanh thản chấp nhận của tâm thế kẻ sĩ ở con người ông. Nhà thơ Kim Dũng từng tâm sự: “mọi chức sắc rồi cũng qua đi, cái quan trọng nhất là để lại được cái gì cho mai sau”. Ông lên án những thói hư tật xấu, sự tha hóa, những tham vọng vị kỷ ở đời. Và rồi ông lại thấy niềm an ủi, hạnh phúc cả niềm kiêu hãnh tự hào của kẻ sĩ từ trên cao hơn nhìn xuống những lạc thú tầm thường, thấy niềm vui lâng lâng ở đâu đó khi bạn đọc nhớ đến thơ mình:
“Mũ áo chỉ một thời
Có gì mà chúc tụng ?
Lại thấy mình hạnh phúc
Em đọc dòng thơ tôi”.
Tôi cho rằng, không những thế ông còn thể hiện một thái độ sống tích cực đầy can dự bản lĩnh:
“Cỏ xanh bền chặt muôn đời
Thơ còn tri kỷ với người tri âm
Thương người ngậm ngải tìm trầm
Con tằm rút ruột âm thầm nhà thơ”
Thiết nghĩ đây cũng là niềm vui hạnh phúc, niềm tự hảo của mỗi văn nghệ sĩ tài năng đích thực, để lại những giá trị văn hóa nhân văn cho cuộc đời, thắp sáng cuộc đời. Như một danh nhân từng nói: “Mọi thứ rồi sẽ qua mau, chỉ những giá trị văn hóa đích thực thì sẽ còn mãi”.
Nhà thơ Kim Dũng đi thực tế các tỉnh Tây Bắc năm 2014. |
Đó là những cảm nhận về thơ ông, về con người ông của một người ngoại đạo với thơ như tôi. Có một kỷ niệm rất đáng nhớ với ông, đó chính là vào cuối tháng 9 năm 2013, khi đang là Chủ tịch Hội chỉ còn hơn mười ngày nữa là tổi chuyển công tác về Sở Ngoại vụ. May thay tôi còn kịp phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam, cùng nhà thơ Hữu Thỉnh Chủ tịch Hội tổ chức và đồng chủ trì cuộc Hội thảo qui mô về thơ Kim Dũng, Nguyễn Hưng Hải với sự có mặt của nhiều tên tuổi nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học nổi tiếng cả nước. Chủ tịch UBND tỉnh tới dự và phát biểu chào mừng, nhiều Thường vụ Tỉnh ủy tham dự… Điều đó phần nào nói lên sự trân trọng của tôi đối với ông, một nhà thơ nho nhã có tầm văn hóa sâu rộng, trọng chữ nghĩa, coi nhẹ vật chất.
Mấy chục năm qua, trong đó có ba nhiệm kì ở cương vị Chủ tịch Hội từ năm 2000 đến hết 2013. Ngay từ nhiêm kì đầu, với mong muốn đổi mới mạnh mẽ hoạt động Hội, cũng như chất lượng tạp chí. Tôi đã mời ông cùng nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn và nhà thơ trẻ Ngô Kim Đỉnh về Văn phòng Hội thường trực giúp tôi như những cố vấn cao cấp.( tiếc rằng nhà thơ Ngô Kim Đỉnh chỉ tham gia được một thời gian rồi xin nghỉ) Các ông đã giúp tôi rất nhiều trong lãnh đạo, quản lý Hội, xây dựng phong trào, phát triển hội viên, tổ chức các hoạt động sáng tác. Đặc biệt các ông gác cửa cho diễn đàn của giới văn nghệ sĩ đất Tổ - Tạp chí Văn nghệ đất Tổ không ngừng nâng cao chất lượng… Nhờ nhiệt tình và trách nhiệm của các ông, tôi cùng tập thể BCH Hội đã tranh thủ được sự quan tâm của lãnh đạo Tỉnh, của Trung ương đưa Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh nhà, trở thành một trong những Hội mạnh về mọi mặt. Được Trung ương, các tỉnh bạn và anh chị em văn nghệ sĩ cả nước ghi nhận.
Bên cạnh đó, tôi cũng học được nhiều điều từ một tri thức, đọc nhiều, biết nhiều, trải nhiều như ông. Chẳng thế mà ngày ấy mỗi khi rảnh rỗi tôi thường ghé phòng ông, tranh thủ thu lượng kiến thức từ ông, biết thêm nhiều điều từ ông chia sẻ. Đặc biệt mỗi khi đọc được những bài viết tâm đắc hoặc tác phẩm hay trên các báo, tạp chí, ông thường chia sẻ cho tôi biết để cùng tìm đọc rồi cùng trao đổi luận bàn... cũng có những hôm hai chú cháu ngồi say sưa nói về những tác giả, tác phẩm kinh điển nào đó mà cả hai đều yêu thích của văn học Pháp (Huygô,Banzác,Dumas, hay Mopatsang…), Mỹ La tinh (Hemingway, Jack London, hay Mảrquez…) văn học Nga ( Tonxtoi, So lô khốp, Aimatop, pautopski, hay Putkin,Ximonop…) Trung Quốc ( Tư Mã Thiên, Bồ Tung Linh, Lỗ Tấn, Giả Bình Ao, Cao Hành Kiện… rồi những danh họa như Picatxo, Vangogh, Gô-ghanh, đến những thiên tài âm nhạc: Moza, Bét-thô-ven, Xô-panh... cả văn học Việt Nam: Nam Cao, Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, Nguyễn Bính,Tô Hoài, Kim Lân, Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng ,Nguyễn Huy Thiệp, Hữu Thỉnh, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Quang Thiều, Trần Đăng Khoa...
Những điều này đã giúp tôi nắm bắt kịp thời tình hình hoạt động văn học nghệ thuật để không bị lạc hậu và kịp thời phục vụ công tác Hội.
Mỗi dịp đi công tác, hay tham dự hội thảo, sự kiện văn học nghệ thuật nào đó tôi thường mời ông, hoặc nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn tham gia để lại tiếp tục tranh thủ học hỏi từ chính các ông. Và có lẽ chính nhờ có các ông cùng đi mà thấy mình sang thêm, mọi người quý nể thêm.
Thoáng cái đã trên 20 năm ông gắn bó với Hội, vì Hội, trong đó với tôi có hơn 10 năm công tác bên cạnh ông. Lại nhớ hình ảnh ông ngày ngày đạp xe đến cơ quan đúng giờ, cơm bụi nghỉ trưa tại phòng, cặm cụi chỉnh sửa từng câu thơ, trang văn, bản thảo của hội viên, cộng tác viên; tiếp đón hàng chục lượt văn nghệ sĩ, những đoàn khách văn ở Trung ương, tỉnh bạn đến công tác, đàm đạo trao đổi văn chương nghệ thuật, rồi phân tích nhận xét, cho ý kiến sắc đáng góp ý các sáng tác mới của hội viên, cộng tác viên khiến họ tâm phục khẩu phục. Làm cho họ thêm yêu và gắn bó với văn chương nghệ thuật, làm cho không khí văn nghệ ở Hội lúc đó thêm sôi động. Các ông đã trở thành những " thủ lĩnh tinh thần " của anh chị em văn nghệ sĩ đất Tổ. Nhớ cả bài thơ ông viết tặng tôi: “Anh ngợp giữa đất trời rộng lớn/ Nói sao đây ngôn ngữ không lời/ Mặt trời lặn, mặt trời lên nắng đỏ/ Những sắc màu vật vã toát mồ hôi”…Trước thiên nhiên, tặng Đ.N.D
Giờ đây nhà thơ Kim Dũng đã ở tuổi ngoài bát tuần, nhưng trời cho ông sức khỏe vẫn dẻo dai, vẫn trẻ trung minh mẫn và tiếp tục đóng góp cho văn nghệ đất Tổ những sáng tác chất lượng, minh chứng là năm 2023 tập thơ “ Miền quê yêu dấu” của ông đã được trao giải A- giải thưởng văn học nghệ thuật hàng năm của tỉnh. Những kinh nghiệm qúy báu, những cách nghĩ, cách làm của các ông cũng như của thế hệ đi trước, sẽ giúp cho lớp lãnh đạo Hội, văn nghệ sĩ trẻ hôm nay tiếp thu những thành quả của lớp đàn anh, mà đoàn kết phát triển Hội về mọi mặt. Tất cả những điều đó đã và sẽ làm cho ngôi nhà văn nghệ Phú Thọ, trên con phố mang tên cụ Lê Quý Đôn ngày càng thêm ấm áp, sang trọng, trở thành một địa chỉ văn hóa được giới văn nghệ sĩ cả nước biết đến, trong đó có đóng góp đáng kể của nhà thơ Kim Dũng. Con người ông, thơ ông sẽ mãi như một dấu ấn đậm nét trên thi đàn đất Tổ/.