Nhà báo, nhận nguy hiểm, dấn thân vì...công vụ!
(ĐCSVN) – Trong những năm qua, nhiều nhà báo bị tấn công, hành hung khi tác nghiệp, nhưng tội phạm chỉ bị xét xử về tội “cố ý gây thương tích”, không phải là tội “chống người thi hành công vụ”, dù nhà báo cũng thi hành công vụ như nhiều công chức khác.
Nhà báo tác nghiệp tài khu vực Nhà giàn DK1- 17. Nguồn: vov.vn
Khi Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) chưa được thông qua, cử tri, giới báo chí, chuyên gia pháp luật và không ít đại biểu Quốc hội đều có chung đề xuất hoạt động tác nghiệp của nhà báo là thi hành công vụ, nếu kẻ xấu hành hung, tấn công nhà báo thì phải xử theo tội “chống người thi hành công vụ”.
Tuy nhiên, Luật Báo chí (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua lại không chấp nhận hoạt động tác nghiệp của nhà báo là thi hành công vụ.
Không ủng hộ hoạt động tác nghiệp của báo chí là thi hành công vụ, một số ý kiến lập luận: Nhà báo tác nghiệp cũng nhằm mục đích phục vụ lợi ích của nhân dân và xã hội, nhưng không nhân danh nhà nước, không đại diện cho nhà nước để thực hiện nhiệm vụ của mình, mà hoạt động theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí.
Nhìn ở nghĩa rộng, cũng như “soi” vào nhiệm vụ của báo chí cách mạng, dù không phải là quyền lực nhà nước, nhưng sứ mệnh của nhà báo là rất quan trọng: Tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí; góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hoá lành mạnh của Nhân dân, bảo vệ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; Phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội; v.v.
Cũng giống như nhiều công chức khác, khi thực hiện công vụ, các nhà báo đều phải có Thẻ hành nghề (Thẻ nhà báo) do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp.
Còn nói đến sự nguy hiểm và sự dấn thân của nghề nghiệp, đôi khi các nhà báo cũng chẳng khác gì những chiến sĩ Công an, Quân đội, Hải quan, Kiểm lâm, v.v. Nhà báo cũng dấn thân cả khi đối mặt với giặc nội xâm và ngoại xâm.
Tính mạng và thân thể của những người thi hành công vụ đều giống nhau, nhưng pháp luật vẫn không thừa nhận hoạt động tác nghiệp của nhà báo là thi hành công vụ, nên dù bị kẻ xấu tấn công, hành hung gây thương tích thì tội phạm chỉ bị xử hình sự về tội “cố ý gây thương tích” chứ không xử tội “chống người thi hành công vụ”.
Thực tiễn cho thấy, tình trạng các nhà báo bị tấn công, hành hung ngày càng nhiều, đặc biệt là khi tham gia vào mặt trận đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng. Điều đó cho thấy, kẻ xấu đôi khi sợ nhà báo, sợ bản án dư luận hơn sợ các biện pháp xử phạt hình chính và hình sự.
Công bằng mà nói, nếu không có sự dấn thân của các nhà báo, nhiều vụ tiêu cực, tham nhũng lớn vẫn chìm trong...bóng tối. Sự thật đã chứng minh qua những vụ án đã và đang chuẩn bị xét xử.
Tội “cố ý gây thương tích” hay “chống người thi hành công vụ” khoảng cách về mức án dành cho tội phạm không phải là vấn đề lớn, cái mà các nhà báo cần là sự công bằng trong hoạt động thi hành công vụ của nhà nước cũng như cơ chế bảo vệ trước và phòng ngừa khi nhà báo dấn thân tác nghiệp.
Nhà báo trong hệ thống Báo chí cách mạng Việt Nam từng giây, từng phút không quên nhiệm vụ “phò chính, trừ tà”, nguy hiểm luôn “bám đuổi” nhưng họ quyết không... chùn bước. Bởi, họ là chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng - văn hóa./.