Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Nhân dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2024), Nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đã dành thời gian trò chuyện về nghề báo với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.

 Nhà báo Hồ Quang Lợi trò chuyện với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. (Ảnh: Sơn Hải)

Phóng viên (PV): Là người luôn dành tâm huyết và có nhiều đóng góp cho sự phát triển của nền báo chí cách mạng Việt Nam, ông nhận định như thế nào về những cơ hội và thách thức của người làm báo trong bối cảnh kỷ nguyên số hiện nay?

Nhà báo Hồ Quang Lợi: Trong kỷ nguyên số, xã hội nói chung, báo chí nói riêng đang đứng trước những cơ hội rất lớn, nhưng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức gay gắt. Tôi muốn nói rằng, cơ hội luôn đi liền với thách thức – hai vấn đề này luôn đan xen với nhau. Bởi vì khi nói về cơ hội thì trong đó có cả thách thức và ngược lại. Các nền tảng công nghệ mới (như mạng xã hội chẳng hạn) có hai đặc tính rất nổi bật là: tốc độ siêu nhanh và kết nối không giới hạn. Công nghệ số đem lại cơ hội cho báo chí nhưng cũng khiến báo chí gặp thách thức: Liệu báo chí có bị mạng xã hội nhấn chìm hay không? Báo chí cần khẳng định uy tín và sự tin cậy của mình như thế nào khi phải cạnh tranh khốc liệt về tốc độ và khả năng kết nối của mạng xã hội?

Bên cạnh đó, không chỉ mạng xã hội, hiện nay sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo (AI) cũng khiến không ít người “choáng váng”. Không thể phủ nhận những tính năng, tiện ích và sự thông minh siêu việt mà AI mang lại cho đời sống xã hội nói chung, đời sống báo chí nói riêng. Nhưng xét cho cùng, AI là một sản phẩm của con người, do con người tạo ra để phục vụ con người chứ không phải để áp chế, kiểm soát con người.

Tôi nghĩ mạng xã hội, các nền tảng công nghệ mới, trí tuệ nhân tạo,… là những vấn đề lớn trong thời đại ngày nay, nhưng khi chúng ta tiếp cận nó và sử dụng nó cần sự điềm tĩnh, không phải quá hoảng hốt. Các cơ quan báo chí, tuỳ theo điều kiện và khả năng của mình, có thể xây dựng những kế hoạch, chương trình, lộ trình phù hợp, để có thể tận dụng những thành tựu của khoa học công nghệ truyền thông nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả những sản phẩm báo chí của mình.

PV: Có ý kiến cho rằng, người làm báo truyền thống chỉ quan tâm làm sao để có nội dung tốt. Còn người làm báo hiện nay phải chịu nhiều áp lực hơn cả về nội dung và cách thức thể hiện, cách thức tiếp cận với công chúng. Ông nghĩ sao về điều này?

Nhà báo Hồ Quang Lợi: Công chúng ở đâu thì báo chí phải ở đó. Có một vấn đề lớn đặt ra hiện nay, đó là: Báo chí trong thời đại số thì giải quyết vấn đề nội dung và vấn đề công nghệ như thế nào? Dường như chúng ta đang bị cuốn theo dòng thác công nghệ. Nhưng tôi nghĩ rằng, với báo chí thì công nghệ không phải là toàn bộ mọi vấn đề. Tìm giải pháp cho báo chí đứng vững và phát triển mà chỉ chú trọng hoàn toàn vào công nghệ là sai. Công nghệ chỉ là phương tiện đặc hiệu để truyền toả thông tin. Báo chí trong thời đại số, cùng với việc chú trọng công nghệ thì phải luôn luôn coi trọng nội dung. Hay nói một cách khác: Nội dung luôn là trái tim của báo chí.

Có người ví nội dung là Vua (King) và công nghệ là Nữ hoàng (Queen). Khi King và Queen kết hợp với nhau thì hiệu quả truyền thông là rất cao. Cũng có người nói nội dung và công nghệ phải song hành với nhau. Tôi nghĩ rằng như thế là chưa đủ. Nội dung và công nghệ phải luôn gắn với nhau trong quá trình sáng tạo tác phẩm báo chí thì sản phẩm báo chí đó mới có chất lượng tốt, hiệu quả cao. Tôi được biết, ở một số toà soạn nước ngoài, cứ 3 người làm nội dung thì có 1 người làm công nghệ. Khi đó sản phẩm báo chí không chỉ của riêng người làm nội dung hay người làm công nghệ mà là sản phẩm của một tập thể gắn kết.

PV: Khi nói đến nghề báo, một trong những vấn đề được nói đến nhiều nhất là “đạo đức nghề nghiệp”. Theo ông, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo trong thời đại 4.0 có những vấn đề gì đáng lưu ý?

Nhà báo Hồ Quang Lợi: Đạo đức nghề nghiệp lúc nào cũng cần, lĩnh vực nào cũng cần, trong đó có lĩnh vực báo chí – vốn là một lao động đặc biệt. Đặc biệt ở chỗ, sản phẩm báo chí tác động đến tâm lý, nhận thức và phản ứng của xã hội (tác động đó có thể theo hướng tích cực hay tiêu cực). Do đó, vị trí, vai trò và trách nhiệm xã hội của người làm báo rất lớn.

Khi nói đến đạo đức nghề nghiệp trong nghề báo, chúng ta hay nói đến khái niệm “làm báo tử tế”. Người “làm báo tử tế” được hiểu là người giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, đưa ra những sản phẩm báo chí có chất lượng cao; đồng thời luôn là người chính trực, nhân văn. Để làm được điều này, người làm báo cần có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông nghề nghiệp, đạo đức làm nghề trong sáng.

Đạo đức chính là cốt lõi của hoạt động báo chí. Một khi xa rời đạo đức thì báo chí bị chệch hướng. Dù phản ánh cái tốt, cái đẹp hay đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác thì sứ mệnh của người làm báo vẫn là làm cho niềm tin vào công lý, lẽ phải luôn là ánh sáng trong cuộc đời này.

Trong thời đại 4.0, ngoài những cơ quan báo chí có sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước thì rất nhiều cơ quan báo chí phải tự lo về tài chính, nhiều trong số đó gặp khó khăn. Có một bộ phận những người tham gia hoạt động báo chí (hoặc có trường hợp mượn danh phóng viên, nhà báo) có những hành vi sai trái làm ảnh hưởng đến uy tín của báo chí, làm tổn thương danh dự và lòng tự trọng của những người làm báo chân chính. Tuy nhiên, không thể lấy những khó khăn trong đời sống để bao biện cho những vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Bộ phận tiêu cực này chỉ là số ít nhưng hậu qủa của sai phạm thì rất nghiêm trọng.

Thực tế này cũng đặt ra vấn đề đối với các cơ quan báo chí, đó là cần đảm bảo được thu nhập cơ bản cho người làm báo, để họ “đàng hoàng”, chuẩn mực tham gia các hoạt động báo chí và có những sản phẩm báo chí chất lượng.

Theo Nhà báo Hồ Quang Lợi, thế mạnh của những người làm báo trẻ tuổi là khả năng tiếp cận, nắm bắt cái mới rất nhanh và đặc biệt là rất thông thạo về công nghệ truyền thông. (Ảnh minh họa: PV) 

PV: Trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay, báo chí - truyền thông được coi là một trong những ngành nghề hấp dẫn đối với nhiều bạn trẻ. Từ góc độ của một người có kinh nghiệm 45 năm cầm bút, trải qua nhiều chức vụ công tác khác nhau trong “làng báo”, ông thấy các bạn trẻ hiện nay có những điểm mạnh và điểm yếu nào trong tác nghiệp báo chí?

Nhà báo Hồ Quang Lợi: Có thể khẳng định trong bất cứ giai đoạn lịch sử nào thì đội ngũ những người làm báo cách mạng cũng ở tuyến đầu của đất nước. Nói thế để khẳng định chúng ta có đội ngũ những người làm báo giàu tinh thần cống hiến và họ có những đóng góp rất đáng tự hào để xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam giàu tính chiến đấu, giàu tính nhân văn. Thời kỳ nào cũng có những người làm báo tài năng và mẫu mực.

Những người làm báo trẻ và tương đối trẻ (tôi tạm nói trong khoảng 25 - 35 tuổi) có những người thực sự xuất sắc. Tôi thấy thế mạnh của họ là tiếp cận, nắm bắt cái mới rất nhanh và đặc biệt là rất thông thạo về công nghệ truyền thông. Họ cũng không bị ràng buộc quá mức bởi những định đề có sẵn, họ nhìn nhận vấn đề “nhẹ và thoáng”. Tôi nghĩ, đó cũng là một thế mạnh vì nó phát huy được sự năng động sáng tạo của  người làm báo.

Thế nhưng bên cạnh những thế mạnh, tôi thấy một bộ phận giới trẻ nhìn nghề báo còn khá đơn giản. Có người nghĩ nghề báo dễ dàng quá, nên ít có sự rèn luyện, tu dưỡng, bài viết nhạt nhẽo, viết cứ “trơn tuồn tuột”, không có độ lắng, độ sâu, không có cảm xúc. Có một khoảng cách lớn giữa thông tin và thông điệp trong báo chí. Mạng xã hội cũng đưa thông tin, nhưng báo chí không chỉ đưa thông tin mà quan trọng là truyền toả được thông điệp đúng đắn, chuẩn xác, có ích. Người làm báo phải làm việc có trách nhiệm, lao tâm khổ tứ thì mới có thông điệp trong tác phẩm của mình. Thông tin trở thành thông điệp khi thông tin đạt được độ tin cậy và sức thuyết phục, xây đắp được niềm tin xã hội.

 Nhà báo Hồ Quang Lợi ký tặng sách độc giả. (Ảnh: NVCC)

 

PV: Viết về đề tài chính luận, bình luận quốc tế và các vấn đề đối ngoại của Việt Nam đã làm nên tên tuổi Nhà báo Hồ Quang Lợi. Theo ông, cái khó của những nhà báo chuyên viết về những đề tài này là gì?

Nhà báo Hồ Quang Lợi: Viết chính luận, bình luận quốc tế là công việc rất kén người, không thể có những sản phẩm kiểu “mì ăn liền” được. Đây thực sự là sản phẩm của tư duy, nhận thức sâu. Có như thế người làm báo mới dẫn dắt được dư luận xã hội bằng sự sâu sắc trong nhận thức. Viết bình luận quốc tế, các vấn đề đối ngoại của đất nước không chỉ dừng lại ở “Ai? Ở đâu? Khi nào?...” mà phải nói được nguồn gốc, nguyên nhân, bản chất, cốt lõi của vấn đề là gì, tác động của vấn đề đó đến xã hội như thế nào và cao hơn nữa là dự báo được xu thế phát triển của nó. Đó hoàn toàn là công việc không đơn giản. Người viết bình luận cần viết sâu trong khi không phải lúc nào cũng có nhiều thời gian. Điều đó đòi hỏi người viết phải có sự tích lũy kiến thức sâu rộng. Đặc biệt khi viết bình luận quốc tế, người viết không chỉ làm cho công chúng hiểu những gì đang diễn ra trên thế giới mà còn phải cho thấy điều đó có tác động đến Việt Nam như thế nào. Theo tôi, viết bình luận quốc tế cần đạt được 3 cái đúng: đúng bản chất của vấn đề, đúng xu thế phát triển của tình hình, đúng với quan điểm, đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam.

 

PV: Cuốn sách “Người trên đường đời” ra mắt ngày 12/6/2024 như một món quà của ông dành cho bạn bè, đồng nghiệp nhân kỷ niệm 99 năm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam. Điều ông muốn gửi gắm qua cuốn sách là gì?

Nhà báo Hồ Quang Lợi: Cuốn sách “Người trên đường đời” viết về những nhân vật, những người tôi đã gặp, đã tiếp xúc, phỏng vấn, làm việc cùng trong suốt quãng đời 45 năm làm báo. Những điều tôi muốn gửi gắm trong cuốn sách là lòng tri ân, lòng nhân ái và tinh thần hoà hiếu, khoan dung. Qua các nhân vật của mình, tôi muốn tôn vinh con người, thể hiện sự quý trọng con người, đề cao phẩm giá con người. Vì suy cho cùng, con người là tất cả, là cao quý nhất, đáng trân trọng nhất trên cuộc đời này. Chúng ta phải yêu thương, quý trọng con người, đặc biệt là những người yếu thế, gặp khó khăn trong xã hội để giúp họ không tuyệt vọng ngay cả trong hoạn nạn, khổ đau. Trong cuốn sách, tôi cũng viết về những nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam và của các nước trên thế giới. Họ là những con người có những sắc thái đặc biệt trên nhiều lĩnh vực, mà trên bước đường đầy gian truân, thử thách và những cống hiến của họ là những ánh lửa đẹp nhân lên niềm tin về những giá trị đích thực trong cuộc sống.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Nhà báo Hồ Quang Lợi! Nhân dịp kỷ niệm 99 năm  Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, kính chúc ông có thật nhiều sức khỏe và tiếp tục có nhiều đóng góp cho báo chí nước nhà!

Thực hiện: Kiều Giang
20/06/2024 09:03
zalo-icon
viber-icon

Ý KIẾN BÌNH LUẬN