Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Nguyện xứng danh "Thầy thuốc như mẹ hiền"

Thứ Ba, 27/02/2018 11:30 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Với công việc đảm bảo gây mê hồi sức và phục vụ mổ cho Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, một công việc thầm lặng không nhiều người biết đến, nhiều năm liền, tập thể cán bộ, hội viên phụ nữ Khoa Gây mê hồi sức đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, với cả tấm lòng vì người bệnh.

Khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 là đơn vị đặc thù. Có 86 cán bộ, nhân viên thì 44 cán bộ, hội viên là nữ, chiếm 51% quân số, tham gia ở tất cả các khâu gây mê hồi sức, cấp cứu, phục vụ phẫu thuật, tham gia giảng dạy cho đến bảo đảm gây mê hồi sức cho các kỹ thuật đặc biệt như: mổ tim kết hợp chạy tuần hoàn ngoài cơ thể, phẫu thuật nội soi lồng ngực, phẫu thuật sọ não, cột sống…

Đại tá Nguyễn Minh Lý, Chủ nhiệm Khoa cho biết, đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế của khoa thực hiện từ 100-120 ca/ngày, cao nhất 130 ca/ngày. Như vậy, cán bộ, nhân viên y tế của khoa mỗi năm đảm nhận vào khoảng 20.000 - 23.000 ca mổ, trong đó 70% là phẫu thuật loại 1 và đặc biệt.  Tiếp nhận, chăm sóc, điều trị cho hàng trăm bệnh nhân, đa số đều ở thể nặng, bên cạnh việc thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, các y bác sỹ trong khoa còn chuẩn bị tâm lý, cùng với người nhà động viên người bệnh yên tâm chữa trị, sớm đẩy lùi bệnh tật.


Nữ cán bộ Khoa Gây mê hồi sức thực hiện nhiệm vụ trong một ca phẫu thuật - Ảnh: Minh Châu

“Công việc của chúng tôi là đồng hành với người bệnh từ trước, trong và sau phẫu thuật. Trong mỗi ca phẫu thuật, bao giờ chúng tôi cũng mong muốn người bệnh có giấc ngủ ngon, chất lượng gây mê tốt để khi tỉnh dậy có cảm giác dễ chịu, bớt đau đớn. Chính vì vậy, mỗi cán bộ, nhân viên y tế đều coi người bệnh như người nhà, chia sẻ động viên để giúp họ bớt hồi hộp, căng thẳng”, Đại tá Lý nói.

Vừa trải qua ca đại phẫu mổ u gan, bác Hoàng Văn Hưng, 71 tuổi, ở Thái Bình chia sẻ: “Lúc đầu tôi và gia đình lo lắng lắm, mang bệnh trong người lại có tuổi nên khi bác sỹ thông báo phải phẫu thuật tôi mất ăn, mất ngủ. Đến khi nhập viện, nữ bác sỹ gây mê đã động viên, giải thích cặn kẽ các bước tiến hành, lúc tỉnh lại tôi cũng không thấy đau đớn như đã hình dung, đến giờ sức khỏe của tôi đã hồi phục nhanh chóng”.

Thiếu tá Nguyễn Thị Nga, điều dưỡng trưởng Khoa Gây mê hồi sức cho hay, cứ 7h30 phút sáng, cán bộ, nhân viên đã có mặt ở Khoa, nhiều ca mổ kéo dài hàng tiếng đồng hồ, nhiều khi cơm không kịp ăn đã đành, đa số các nữ bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng của khoa đều có con nhỏ cũng đành lỗi hẹn đón con, nấu cho gia đình bữa cơm nóng. Tất cả đều động viên nhau, hướng đến mục tiêu chung là phục vụ người bệnh được tốt nhất”.

Tự tin làm chủ nhiều thiết bị hiện đại, kỹ thuật mới như ứng dụng máy siêu âm thực quản theo dõi hoạt động của tim trong phẫu thuật tim mở, gây tê đám rồi thần kinh cánh tay dưới hướng dẫn của siêu âm, gây mê thông khí một phổi chọn lọc... cán bộ, hội viên phụ nữ của Khoa còn có 6 sáng kiến được ứng dụng như: xây dựng quy trình chuẩn rửa tay thường quy, rửa tay vô trùng cải tiến, trải săng 3 lớp vô trùng; quy trình rửa tay giữa 2 ca, đánh xà phòng vùng mổ bằng dung dịch xà phòng khử khuẩn... nhờ đó mà số bệnh nhân sử dụng kiểm soát dự phòng đạt 75%, góp phần giảm tỷ lệ nhiễm trùng vết mổ, giảm chi phí sử dụng kháng sinh từ 4-5 tỷ đồng/năm.

Cùng với đó, sáng kiến “Ứng dụng gây tê tủy sống liều nhỏ tỷ trọng nặng kết hợp với thay đổi tư thế bệnh nhân cho bệnh nhân có nguy cơ cao”, sáng kiến “Ứng dụng dùng Catheter cỡ nhỏ luồn qua khí quản bị hẹp thông khí cao tần” với kết quả đã thông khí thành công cho các trường hợp hẹp khí quản nặng trên 90% không cần dùng máy tuần hoàn ngoài cơ thể, cung cấp đủ Oxy cho bệnh nhân suốt cuộc mổ.

Tập thể cán bộ, hội viên phụ nữ Khoa Gây mê hồi sức trong bộ quân phục
nhận giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2017 - Ảnh: Minh Châu

Đội ngũ cán bộ, nhân viên nữ của Khoa còn tham gia chủ trì 8 đề tài nghiên cứu, trong đó có 01 đề tài cấp Nhà nước, 02 đề tài cấp Bộ, 05 đề tài cơ sở. Các chị là tác giả và đồng tác giả của 50 công trình nghiên cứu, báo cáo khoa học chuyên ngành được công bố trên các tạp chí y học trong và ngoài nước. Các nghiên cứu khoa học đều được áp dụng vào thực tiễn công việc của Khoa. Tiêu biểu là: nghiên cứu gây tê dưới màng nhện bằng Marcaine 0.5% cho các phẫu thuật vùng bụng dưới chi dưới trên bệnh nhân cao tuổi; nghiên cứu gây tê tủy sống chọn lọc trên nhóm bệnh nhân cao tuổi; nghiên cứu sự biến đổi tuần hoàn và khí máu trong mổ nội soi ổ bụng...

Cán bộ, nhân viên nữ Khoa Gây mê hồi sức còn cùng tập thể Khoa thực hiện một số nghiên cứu mới đang được định hướng đó là đánh giá độ sâu gây mê bằng các thiết bị mới điện não số hóa Entropy hoặc BIS, xây dựng hoàn thiện các quy trình giảm đau sau mổ, hướng dẫn học viên cao học, chuyên khoa I, chuyên khoa II, nghiên cứu sinh...

Bác sỹ Đinh Thị Thu Trang, Chủ tịch Hội Phụ nữ Khoa cho biết, sắp xếp được công việc, nữ cán bộ, nhân viên y tế của Khoa lại phối hợp cùng một số đơn vị tổ chức các hoạt động từ thiện. Thời gian vừa qua, 160 bệnh nhân đã được mổ khớp gối, thay 217 khớp gối, phẫu thuật nụ cười cho trên 1.656 trẻ tại nhiều tỉnh, thành.

Âm thầm đóng góp công sức để những ca phẫu thuật thành công, để người bệnh bớt đau đớn, sớm phục hồi sức khỏe trở về với cuộc sống bình thường với những y, bác sĩ, điều dưỡng Khoa gây mê hồi sức đó không chỉ là trách nhiệm mà còn cả tình yêu thương. Có chuyên môn giỏi và tinh thần trách nhiệm cao, tập thể nữ của Khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện 108 đã được nhận rất nhiều bằng khen, gần đây nhất là giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2017.

Minh Châu

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN