Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Nguyên nhân và kinh nghiệm phòng, chống sạt lở đất

Thứ Tư, 16/08/2023 10:04 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

Hằng năm , trên thế giới lại ghi nhận hàng nghìn người thiệt mạng do sạt lở đất. Tình trạng sạt lở đất gây nguy hại tới tính mạng và cuộc sống của con người. Nắm chắc, hiểu rõ nguyên nhân hình thành và các giải pháp phòng ngừa sạt lở là cách hữu hiệu giúp giảm thiểu thiệt hại do sạt lở đất ở mức tối đa.

Sạt lở đất là gì?

Sạt lở đất là hiện tượng địa chất có tính nguy hiểm cao. Hiện tượng này xảy ra khi có một khối đá hoặc một tầng đất hoặc những khối mảnh vụn của đất đá rời rạc trượt xuống một triền núi hoặc đồi, thậm chí một địa tầng.

Sạt lở đất có thể xảy ra bất cứ đâu từ thành phố, thị trấn tới các khu đồi núi cao. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng cần có các hoạt động điều tra địa chất, quan trắc thực địa định kỳ để dự đoán các nguy cơ sạt lở đất tiềm ẩn, có thể xảy ra bất cứ lúc nào. 

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, sạt lở đất là hiện tượng đất bị sạt, trượt do tác động của mưa, lũ hoặc dòng chảy. Một số dấu hiệu giúp sớm nhận biết nguy cơ xảy ra sạt lở đất gồm: mưa nhiều ngày/mưa lớn; có vết nứt trên tường nhà, sườn đồi, mái dốc, cây nghiêng, màu nước sông, suối từ trong chuyển thành đục...; mặt đất phồng lên, cây cối rung chuyển, có âm thanh lạ trong lòng đất.

Những nguyên nhân nào dẫn đến sạt lở?

Sạt lở đất bắt nguồn từ những tác động của ngoại lực vào khối đất đá trên mái dốc, đỉnh đồi làm đất đá vỡ ra và lăn xuống với vận tốc lớn. Ngoại lực này thường đến từ những cơn mưa lớn, tuyết tan, động đất hay vỡ đập thủy điện. Lượng nước lớn đổ xuống khu vực sẽ làm phân rã các mối liên kết của đất đá và rễ cây, thảm thực vật gây ra sạt lở đất.

Hiện nay, đa số các vụ sạt lở đất là do con người khai thác rừng quá mức. Các công trình dân sinh dưới chân núi ảnh hưởng tới địa tầng. Kết hợp cùng các cơn bão dữ dội, tình trạng sạt lở đất ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Theo các nhà nghiên cứu, sạt lở đất thường xảy ra dựa trên 3 yếu tố chính: địa chất; hình thái, cấu trúc đất và hoạt động của con người trên khu vực đó.

Yếu tố về địa chất

Sạt lở đất mang theo đất đá trượt xuống sườn đồi. Vì vậy, yếu tố đầu tiên cần khảo sát là địa chất khu vực. Tại vùng có địa hình yếu, bị đứt gãy thường dễ chịu ảnh hưởng tiêu cực từ thời tiết  gây nên sạt lở đất.  

Yếu tố về hình thái, cấu trúc đất

Một khu vực sẽ có các tầng địa chất khác nhau. Cấu trúc đất đá, thảm thực vật của vùng đó quyết định hiện trạng, hình thái khu vực. Ví dụ vùng rừng nguyên sinh sẽ có thảm thực vật và cây cổ thụ lớn giúp giữ cấu trúc đất tốt hơn trong các trường hợp mưa lớn hay động đất cường độ nhỏ, ảnh hưởng tới địa tầng.

Yếu tố về hoạt động của con người

Hoạt động của con người ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường sống. Việc phát triển nông nghiệp bừa bãi, không theo quy hoạch hay nạn phá rừng sẽ tiềm ẩn những hậu quả khôn lường. Đặc biệt, các công trình công nghiệp, dân dụng trên triền núi, triền dốc trực tiếp làm suy yếu cấu trúc đất, dễ dẫn tới sạt lở trong tương lai.

Chính vì vậy, trước khi xây dựng, lắp đặt hệ thống cấp thoát nước hay phát triển nông nghiệp, con người cần có những tính toán cụ thể để đảm bảo an toàn và tính mạng cho người và của.

Sạt lở đất để lại những hậu quả nào?

Sạt lở đất có thể gây ra tỷ lệ tử vong và thương tích cao do nước và mảnh vụn chảy xiết. Nguyên nhân tử vong phổ biến nhất trong các vụ lở đất là chấn thương hoặc ngạt thở do mắc kẹt.

Sạt lở đất cũng có thể ảnh hưởng lớn đến hệ thống y tế và các dịch vụ thiết yếu như nước, điện hoặc đường dây thông tin liên lạc.

Sạt lở đất gây thiệt hại về kinh tế

Đường điện, nước, khí đốt hoặc nước thải bị hỏng có thể gây ra thương tích hoặc bệnh tật cho người dân chịu ảnh hưởng của sạt lở đất. Những người bị ảnh hưởng bởi sạt lở cũng có thể gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần trong ngắn hạn và dài hạn do bị mất gia đình, tài sản, gia súc hoặc mùa màng.

Sạt lở đất diễn biến nhanh, bất ngờ gây ra các hậu quả nghiêm trọng cho các công trình dân sinh như trường học, nhà ở. Sạt lở đất thường xảy ra ở vùng trung du miền núi, cuốn trôi và phá hủy nhiều tài sản tài sản, gây thiệt hại về gia súc, gia cầm, vật nuôi. Các công trình kiến trúc mà sạt lở đất quét qua rất khó có thể phục hồi. Người dân mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc cải tạo lại nền đất để tiếp tục sản xuất và cư trú.

Các biện pháp phòng ngừa sạt lở đất

Để phòng ngừa và giảm thiểu tối đa hậu quả do sạt lở gây ra, chúng ta cần áp dụng một số biện pháp như sau:

- Chủ động theo dõi các thông tin về thời tiết để nắm bắt tình hình khu vực và sơ tán khi cần thiết.

- Trồng rừng, tăng lớp phủ bề mặt cho đất.

 Trồng rừng là biện pháp an toàn để chống sạt lở đất

- Không khai thác rừng bừa bãi

- Thực hiện quy hoạch đô thị hợp lý, đảm bảo cấu trúc đất và an toàn cho người sử dụng đất.

- Gia cố nhà cửa, khơi thông dòng chảy trước mùa mưa lũ.

- 100% các nhà máy thủy điện trong khu vực cần đảm bảo an toàn thủy điện, phòng chống các trường hợp vỡ hồ chứa, xả lũ đột ngột gây các rủi ro về lũ lụt và sạt lở đất.

- Chú ý các biến đổi bất thường như nước sông từ trong thành đục; cây nghiêng ngả trong cơn mưa lớn dài ngày; các vết nứt bất thường trên tường nhà, núi đồi, mái dốc; mặt đất phồng lên, cây cối rung chuyển cùng các tiếng động lạ… để thông báo cho chính quyền địa phương gần nhất.

-  Sử dụng rọ đá, thảm đá và vải địa hình để chống xói mòn, rửa trôi đất.

Rọ đá ngăn chống sạt lở

- Dùng vải lưới để ổn định mái dốc.

- Sử dụng tường chắn trọng lực; sử dụng bấc thấm ngang trong công tác xây dựng tường chắn trọng lực./.

VH(Tổng hợp)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN