Nguyên nhân gây nên nồm ẩm và cách khắc phục
(ĐCSVN)- Trời nồm hay nồm ẩm, nồm là kiểu thời tiết đặc trưng của các tỉnh miền Bắc nước ta. Hiện tượng này xảy ra khi độ ẩm trong không khí đạt mức trên 90%, với các dấu hiệu như đọng sương trên bề mặt tường, nền nhà, cửa kính, đồ nội thất của gia đình, quần áo,… Nhà mặt đất và các tầng thấp sẽ xảy ra nồm ẩm nặng hơn các tầng ở trên cao như chung cư, do càng lên cao độ ẩm trong không khí càng thấp.
Nồm ẩm không chỉ gây khó chịu mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe và làm hư hại đồ đạc trong nhà |
Thời tiết nồm ẩm thường xuất hiện ở các tỉnh đông Bắc Bộ vào thời điểm cuối mùa xuân, tức là khoảng từ tháng 2 đến tháng 4. Thời gian mỗi đợt nồm kéo dài vài ngày nhưng cũng có khi kéo dài đến cả vài tuần. Trong đó, hiện tượng nồm diễn ra cao điểm trong tháng 3, với khoảng 4-5 đợt nồm ẩm dài ngắn khác nhau. Như vậy tại miền Bắc, thời tiết nồm ẩm sẽ bắt đầu vào tháng 2 và kết thúc đến hết tháng 4/2023.
Nồm kéo dài bao lâu sẽ phụ thuộc vào các đợt gió mùa Đông Bắc thổi vào nước ta, diễn ra khác nhau chứ không cố định vào thời điểm cụ thể nào. Thông thường, mỗi đợt nồm ẩm kéo dài vài ngày, thậm chí vài tuần trời, mức độ nồm cao hay thấp phụ thuộc vào chênh lệch nhiệt độ giữa bề mặt và nhiệt độ không khí.
Khi trời nồm, nhà cửa thường bị ẩm ướt hoặc có khi còn bị thấm nước và chảy nước “róc rách”, nhất là các khu vực nền nhà, cầu thang, cửa kính…
Ngoài ra, thời tiết nồm, ẩm rất dễ khiến mọi người nhiễm bệnh, nhất là trẻ em và người già |
Thời tiết khó chịu vào mùa nồm có thể gây ra nhiều căn bệnh như khớp, tim, ho, đau đầu và những căn bệnh mãn tính của người cao tuổi. Thời tiết lạnh và ẩm thấp ảnh hưởng đến sự bài tiết mồ hôi, khiến lỗ chân lông bị bít tắc. Từ đó gây ra cảm giác mệt mỏi, đau nhức và ngột ngạt.
Độ ẩm tăng còn khiến cho các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là bệnh viêm phổi ở trẻ em tăng nhanh hơn bình thường. Thêm vào đó, hơi nước đọng lại trên đồ nội thất và các dụng cụ nhà bếp. Nếu không được vệ sinh sạch sẽ còn có thể gây ra các bệnh nhiễm trùng ngộ độc thực phẩm, bệnh ngoài da hay dị ứng cấp.
Bên cạnh đó, thời tiết này cũng là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn, nấm mốc, côn trùng được phát triển rộng rãi hơn. Hơn nữa, vào mùa nồm, giặt đồ sẽ khó khô nên sẽ dễ gặp tình huống quần áo bị bốc mùi khó chịu và xuất hiện các vết mốc trong tủ quần áo. Nền nhà ẩm ướt sẽ dễ gây trơn trượt, nhất là với trẻ em và người cao tuổi.
Cách chống ẩm mùa nồm trong nhà
Luôn đóng kín cửa nhà khi thời tiết ẩm: Khi nhà có hiện tượng “đổ mồ hôi”, nhiều gia đình thường mở cửa với suy nghĩ để gió lùa vào cho khô nhà. Tuy nhiên, hành động này không giúp nhà khô ráo hơn mà chỉ làm nhà nồm càng thêm nồm. Hạn chế mở cửa nhất có thể, chỉ khi thời tiết chuyển sang xuân hè và khô ráo hơn thì hãy mở cửa.
Thời tiết ẩm ướt, chúng ta có thể dùng điều hòa để hút ẩm |
Bật điều hòa để chế độ hong khô không khí: Điều hoà ngoài chế độ làm lạnh còn có một chế độ làm hong khô không khí. Đây được coi là phương pháp làm giảm nồm ẩm hiệu quả và đơn giản nhất. Sử dụng điều hòa còn giúp làm khô quần áo nhanh chóng. Nếu trời nồm ẩm nhưng vẫn lạnh nên bật điều hòa chế độ dry. Chế độ này làm giảm độ ẩm trong phòng; quạt và hệ thống của máy điều hòa vẫn chạy nhưng không tỏa ra khí lạnh. Ngoài ra, chế độ này còn giúp giảm bớt vi khuẩn sinh sôi.
Sử dụng cây hút ẩm: Một số loại thực vật có khả năng hút ẩm, đặc biệt là cây dương xỉ. Không chỉ giảm mức độ ẩm và mức tiêu thụ năng lượng mà còn đang giúp đỡ môi trường bằng cách loại bỏ nhiều khí cacbonic và bổ sung thêm ôxy nữa.
Lau nhà bằng giẻ lau khô, thấm hút hơi nước trên sàn nhà |
Lau nhà bằng giẻ lau khô: Nhiều bà nội trợ có xu hướng dùng nước nóng lau nhà cho nhanh khô. Nhưng hành động này không áp dụng được vào mùa nồm ẩm. Hãy sử dụng giẻ lau khô và có chất liệu thấm hút tốt để lau nhà.
Dùng tinh dầu thơm: Tinh dầu không giúp làm giảm độ ẩm không khí nhưng có tác dụng sát khuẩn và giúp ngôi nhà bạn trở nên thơm tho dễ chịu, giảm bớt mùi hôi, ẩm mốc do trời nồm. Các loại dầu vỏ chanh, sả, bạc hà, lavender, khuynh diệp... là phù hợp nhất.