Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Người truyền lửa văn hóa Cơ Tu

Thứ Tư, 13/09/2023 10:00 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng với tình yêu dành cho văn hóa truyền thống luôn nồng cháy ông Bhling Hạnh (hơn 70 tuổi) ở thôn Công Dồn, xã Zuôih, huyện Nam Giang (Quảng Nam) hàng ngày vẫn dành phần lớn thời gian miệt mài ghi chép và sưu tầm những giá trị, bản sắc văn hóa của người Cơ Tu để lưu truyền lại cho thế hệ mai sau.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất anh hùng, năm 15 tuổi, ông Bhling Hạnh đã tham gia cách mạng. Sau ngày quê hương giải phóng, ông về quê và tham gia công tác trong ngành y, tư pháp rồi được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam xã Zuôih 10 năm liền.

 Nghệ nhân Bhlinh Hạnh truyền dạy múa


Được đi nhiều và cất công tìm hiểu nên trong suốt những năm còn công tác, ông cùng đội cồng chiêng thôn Công dồn đã tham gia biểu diễn ở nhiều nơi trong và ngoài tỉnh. Mong muốn bản sắc văn hóa của người Cơ Tu được gìn giữ và truyền lại cho thế hệ mai sau, nên khi nghỉ hưu, ông Hạnh luôn tìm cách để truyền lửa đam mê cho lớp trẻ.

Trong ngôi nhà nhỏ của mình ở thôn Công Dồn, già làng Blinh Hạnh đã dành riêng một gian chính giữa để gìn giữ những vật dụng, nhạc cụ truyền thống của người Cơ Tu như cồng chiêng, đàn Abel, khèn bơ rét, ché cổ…

Năm 1998, huyện Nam Giang chỉ đạo thành lập mỗi xã một đội trống chiêng, già làng Bhling Hạnh đến từng nhà trong thôn, trong xã vận động người dân tìm kiếm, cất giữ lại các nhạc cụ truyền thống như cồng, trống, chiêng, đàn Abel... rồi thành lập đội cồng chiêng mang tên Công Dồn. Chính ông đã cải biên các điệu múa trống chiêng và mang đi biểu diễn nhiều nơi như Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Tây Ninh...

Ông Hạnh cho biết: Cồng chiêng trong đời sống của người Cơ Tu là một loại hình âm nhạc, văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc. Với người Cơ Tu, cồng chiêng không chỉ là niềm kiêu hãnh mà còn là thứ ngôn ngữ nối con người với thế giới siêu nhiên. Hằng năm vào mùa lễ hội truyền thống của làng như lễ ăn mừng lúa mới, lễ ăn thề kết nghĩa anh em giữa hai làng người Cơ Tu, lễ ăn mừng được mùa..., nhìn những thanh niên nam nữ Cơ Tu nối tay nhau múa theo điệu tâng tung da dá truyền thống, theo nhịp điệu của trống và cồng chiêng, ông như sống lại với những ngày mình còn tươi trẻ.

Trước thực trạng lớp trẻ đang dần rời xa những thanh âm truyền thống, ông Bhling Hạnh đã cùng với các già làng, nghệ nhân giàu tâm huyết tại thôn Công Dồn, xã Zuôih, huyện Nam Giang bỏ công lập nên đội cồng chiêng nhí với mong muốn duy trì và phát huy bản sắc văn hóa người Cơ Tu.

Gần 3 năm nay, đội cồng chiêng nhí thôn Công Dồn, xã Zuôih được thành lập, hàng ngày, sau những giờ học tập tại trường, 20 thành viên độ tuổi 9 đến 10 tuổi thôn Công Dồn, lại tập trung tại Gươl để già làng, nghệ nhân hướng dẫn các động tác múa, nhảy theo nhịp điệu đúng với bản sắc của đồng bào Cơ Tu.

 Nghệ nhân Bhling Hạnh trong căn nhà nhỏ của mình


Không chỉ am hiểu những phong tục truyền thống của đồng bào địa phương, ông Hạnh còn sưu tầm, sáng tác, cải biên những làn điệu, điệu múa phù hợp nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa của đồng bào mình. Và ông đã truyền dạy cho lớp trẻ hôm nay những giá trị văn hóa đậm đà bản sắc của người Cơ Tu trên địa bàn huyện Nam Giang.

Với những đóng góp cho văn hóa Cơ Tu, năm 2019, ông Blinh Hạnh được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” vì đã có cống hiên xuất sắc trong giữ gìn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc. Đây là vinh dự và cũng là trách nhiệm để nghệ nhân Blinh Hạnh tiếp tục cống hiến và truyền lửa đam mê cho thế hệ trẻ gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào Cơ Tu./.

CTV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN