Người tiêu dùng hoang mang với hàng hải sản
(ĐCSVN) - Không chỉ ngư dân và những tiểu thương kinh doanh mặt hàng hải sản dọc khu vực Miền Trung và các tỉnh lân cận bị ảnh hưởng bởi tình trạng cá chết hàng loạt, mối lo nhiễm độc do sử dụng các loại hải sản đang ảnh hưởng trực tiếp tới tình hình tiêu thụ, buôn bán mặt hàng này ngay tại các khu chợ hải sản ở Hà Nội.
Chị Nguyễn Thị An, phường Thành Công, Ba Đình, Hà Nội cho biết: Sống gần một khu chợ hải sản lớn nhất nhì thành phố, cứ cuối tuần là gia đình tôi hay mời người thân hoặc bạn bè đến chơi nhà. Tiện lợi và nhiều lựa chọn, chúng tôi thường tổ chức những bữa cơm với nhiều món ăn bằng hải sản. Từ giữa tháng tới nay, mặc dù khá nhiều ngày nghỉ nhưng khi đến chơi, bạn bè và người thân trong gia đình tôi đều ái ngại với những món ăn chế biến từ hải sản – chị An cho biết.
Theo chị An, từ dạo những thông tin về hàng loạt cá biển, sinh vật biển chết và trôi dạt vào bờ đã dấy lên nghi nghờ về việc nước biển tại Hà Tĩnh bị nhiễm hóa chất độc hại làm tôm, cá chết. Do ít khi biết được xuất xứ của các loại hải sản đang được bày bán ở khu vực chợ, nên không ít người dân đã không dám mua các loại hải sản đông lạnh về sử dụng, mặc dù người bán tại những khu chợ một mực khẳng định các loại hải sản này được đánh bắt tại các vùng biển phía Bắc (Nam Định, Hải Phòng, Quảng Ninh..).
Trước đó, ngày 6/4/2016, tình trạng cá và một số sinh vật biển chết trôi dạt vào bờ được ngư dân phát hiện tại vùng biển một số xã, phường của thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh, rồi tiếp diễn ở một số vùng biển thuộc xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình.
Những ngày tiếp theo, các vùng biển Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, Quang Phú và Bảo Ninh thuộc thành phố Đồng Hới… cũng ghi nhận tình trạng tương tự.
Sau các sự việc trên, Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản) ghi nhận các loài cá chết dạt vào bờ đa số là các loài cá sống ở tầng nước đáy, gần bờ biển. Ngày 19/4/2016, tình trạng cá chết trôi dạt vào bờ biển xảy ra trên diện rộng hơn, ghi nhận ở vùng biển Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế.
Không giấu nổi vẻ buồn bã, anh Linh, một tiểu thương buôn bán hải sản tại chợ Long Biên cho biết: Hơn một tuần nay, lượng hàng bán ra giảm rõ rệt, hầu như tôi chỉ đổ mối cho một số nhà hàng, họ cũng lấy chỉ bằng một nửa số lượng hàng mọi khi để duy trì bán hàng. Các mặt hàng như: tôm, sò, ghẹ tươi sống là mặt hàng bán chạy nhất cho các tiểu thương ở các chợ tại Hà Nội thì nay hầu như chỉ bán được bằng 3/10 mọi khi – Anh Linh chia sẻ. Anh Linh cũng cho biết, các loại hàng hải sản của anh nhập trực tiếp từ các vựa hải sản tại Nam Định, dù có thanh minh thế nào về nguồn gốc xuất xứ nhưng các tiểu thương cũng đều lắc đầu, bởi bản thân họ cũng không tiêu thụ được tại các chợ trong thành phố do người dân lo sợ bị nhiễm độc.
Anh Linh là người giao hàng tại chợ Trung Tự ngán ngẩm vì tiểu thương ngần ngại nhập hàng
Chị Bích Liên, một tiểu thương bán đồ hải sản đông lạnh tại Hà Nội khẳng định: Gần như đến 100% các mặt hàng hải sản đông lạnh thì không thể tiêu thụ được, người dân lo lắng hải sản đông lạnh có thể là cá chết tại những vùng biển trong miền Trung được người dân thu gom và bán với giá rẻ. Từ cá mực, cá thu, cá mối cho đến cả tôm đều là những mặt hàng được người tiêu dùng ưa chuộng lúc trước, nay để bán được thì khó vô cùng.
Từ ngày 20 đến ngày 23/4/2016, các đoàn kiểm tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Bộ Công an đã tới các địa phương để xác minh làm rõ nguyên nhân cá chết hàng loạt. Tại thời điểm hiện tại, cơ quan chức năng tạm thời xác nhận nguyên nhân ban đầu việc các loại sinh vật biển chết hàng loạt là do nhiễm độc.
Không chỉ cá biển, thậm chí cá nuôi (đa số là các loại cá có giá trị thương phẩm cao) tại những lồng bè của bà con ngư dân tại khu vực Miền Trung (Lăng Cô – Thừa Thiên Huế) cũng đang gặp phải hiện tượng chết nổi hàng loạt. Điều này không những gây thiệt hại lớn đối với bà con ngư dân tại đây, mà còn làm dấy lên nghi ngờ về sự mất an toàn khi tiêu thụ các mặt hàng hải sản không chỉ ở Miền Trung mà còn ở nhiều địa phương khác.
Giải thích nguyên nhân, ông Lê Trần Nguyên Hùng – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Một phần do khoảng cách bố trí lồng nuôi cá của bà con nơi đây chưa hợp lý, mật độ sát nhau quá, dẫn đến việc thiếu ô-xi cho cá là một nguyên nhân dẫn đến cá chết hàng loạt.
Còn ông Trần Công Khôi – Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho biết: Các cơ quan chức năng đã lấy mẫu thủy sản chết và mẫu nước để phân tích, có thể khẳng định là không có hiện tượng cá chết về dịch bệnh. Nguyên nhân chính là sự biến động của môi trường, thay đổi của thời tiết do nắng nóng đột ngột, thay đổi về nhiệt độ giữa ngày và đêm dẫn tới sự thiếu ô-xi của cá.
Trước tình hình người dân tại các địa phương có cá chết và nhiều nơi khác lo lắng việc thu gom cá chết tại các lồng bè nuôi và cá chết ngoài thiên nhiên để mua bán nhằm tận thu, chiều ngày 21/4/2016, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã có công văn số 3179 đề nghị UBND các tỉnh ven biển chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai tiêu hủy cá chết. Trong quá trình xử lý cá chết, Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương nghiêm cấm người dân sử dụng cá chết làm thực phẩm dưới mọi hình thức. Khẩn trương tổ chức thu gom cá chết và tiêu hủy theo quy định để hạn chế ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó các địa phương cần tổ chức tuyên truyền để người dân yên tâm, không hoang mang, hướng dẫn người dân phân biệt cá chết thường với cá khai thác trên biển và cá nuôi; yêu cầu người dân không thu gom cá chết để tiêu thụ trên thị trường gây ảnh hưởng đến vệ sinh an toàn thực phẩm.
Phát biểu tại buổi họp báo chiều ngày 23/4/2016, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, nguyên nhân cá chết bước đầu đã (tạm thời) được xác định do độc tố, với nhiều khả năng, có cả sinh học, tảo độc và các yếu tố khác. Tuy nhiên, đây chưa phải là kết luận cuối cùng, Bộ NN&PTNT sẽ kết hợp cùng Bộ TN&MT và các cơ quan chức năng khác ráo riết vào cuộc để sớm tìm ra nguyên nhân cuối cùng của sự việc.
Việc xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt tại các vùng biển Miền Trung đang gây ra những thiệt hại vô cùng lớn cho ngành thủy sản và ngư dân. Tại thời điểm hiện nay, các Bộ, ban ngành đang khẩn trương làm việc để tìm ra nguyên nhân cuối cùng. Thiết nghĩ, người dân tại các địa phương xảy ra sự cố cùng những địa phương khác trên cả nước không nên hoang mang, tẩy chay sử dụng các mặt hàng hải sản; góp phần tiếp tục khai thác và phát triển các nguồn lợi thủy sản./.