Người tiêu dùng cũng cần được “giải cứu”...
(ĐCSVN) – Mấy ngày cận Tết và ngay sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, dư luận không khỏi xót xa khi chứng kiến cảnh nhiều người bán hoa tết đã phải vứt bỏ hoặc đập phá các chậu hoa, gánh hoa vì giá quá rẻ. Lúc ấy đã có ý kiến kêu gọi “giải cứu nông dân”... Vậy khi giáp Tết, người tiêu dùng phải mua hoa với giá rất cao thì có ai kêu gọi “giải cứu người tiêu dùng” không?
Câu chuyện này không phải Tết Nguyên đán năm nay mới xảy ra. Còn nhớ năm 2015, khi nhiều nông dân Quảng Ngãi không bán được dưa hấu vì rớt giá, lúc đó dư luận xã hội đã kêu gọi “giải cứu nông dân”. Cuối năm 2016, nông dân Đồng Nai một phen lao đao vì chuối rớt giá, tỉnh Đồng Nai đã thành lập hẳn một Ban Chỉ đạo “giải cứu nông dân”, giúp tiêu thụ chuối.
Gần đây nhất, hồi giữa năm 2017, khi thịt lợn rớt giá cũng đã dấy lên phong trào “giải cứu nông dân”, “giải cứu giá thịt lợn”… Không chỉ có vậy, nhiều loại hàng nông sản khác như: Tỏi của Quảng Nam; vải, nhãn của Bắc Giang, Hưng Yên… cũng đã từng được dư luận kêu gọi “giải cứu”. Không chỉ “giải cứu” bằng dư luận và bằng hành động “thương cảm” của người tiêu dùng, mà các ngành chức năng đã vào cuộc để kêu gọi và trực tiếp thương thảo với đối tác nhằm thúc đẩy và khơi thông thị trường tiêu thụ.
Nhưng kết quả sau “giải cứu” là gì? Dưa, tỏi, chuối, thịt lợn, nhãn, vải… tuy đã được khơi thông thị trường, nhưng vẫn chỉ bán được với giá rẻ ở mức hòa vốn hoặc đủ cắt lỗ. Khi người tiêu dùng trực tiếp đến ủng hộ mua “giải cứu” thì cũng là lúc sản phẩm hàng hóa đã ế thừa, mẫu mã không còn đẹp, kém chất lượng... Sang năm, nhiều nông dân vẫn tiếp tục sản xuất và mở rộng sản xuất, có khi không cần biết đến quy hoạch, hoặc không cần biết đến nhu cầu của thị trường. Kết quả là vẫn diễn ra câu chuyện muôn thủa “được mùa thì rớt giá”; hàng hóa mua tại vườn với giá rẻ mạt, nhưng khi đến tay người tiêu dùng thì giá cao, bởi phần “béo nhất” thì khâu trung gian đã ăn cả. Và tệ hại nhất là bị nhiều đối tác trở mặt không nhận hàng, ép giá…
Không thể phủ nhận những lời kêu gọi “giải cứu nông dân”, “giải cứu hàng nông sản” đã phát huy tác dụng nhất thời. Nhưng lâu dài cứ như vậy sẽ đi ngược lại quy luật tự điều tiết và quy luật cung – cầu của thị trường, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế hàng hóa thị trường tự do cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế.
Điều đáng nói nhất là khi người tiêu dùng phải mua hàng hóa với giá cao hơn nhiều so với giá trị thật hoặc phải mua hàng giả, hàng kém chất lượng với giá cao… thì chưa bao giờ thấy một lời kêu gọi “giải cứu người tiêu dùng” được phát động...