Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Người tiêu dùng có thể yên tâm sử dụng các mặt hàng hải sản

Thứ Ba, 05/07/2016 14:26 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Ngày 30/6/2016, đại diện Chính phủ đã chính thức công bố nguyên nhân gây ra sự cố cá chết tại 4 tỉnh miền Trung. Sau thông tin trên, chúng tôi đã ghi nhận nhiều ý kiến của tiểu thương kinh doanh mặt hàng hải sản và người tiêu dùng ở một số chợ tại Hà Nội.


Chợ Thành Công (Hà Nội), nơi cung cấp rất nhiều thực phẩm là hải sản, tuy nhiên, có những thời điểm hàng hóa không tiêu thụ được bởi những thông tin về cá chết bất thường tại biển miền Trung (Ảnh: V.H).

Trước đó, ngày 6/4/2016, người dân tại vùng biển Kỳ Anh (Hà Tĩnh) phát hiện hiện tượng cá chết hàng loạt trôi dạt vào các bãi cát dọc bờ biển tại đây. Sau đó, hiện tượng này tiếp diễn xảy ra tại nhiều nơi dọc theo các vùng biển Quảng Bình, Quảng Trị kéo dài tới Thừa Thiên - Huế theo chiều dài bờ biển. Trong suốt thời gian xảy ra sự cố trên, Chính phủ Việt Nam cùng các nhà khoa học đã nỗ lực trong công tác nghiên cứu, xác định nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này.  Nguyên nhân chính thức dẫn tới sự cố cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung trong thời gian tháng 4/2016 mới được chính thức xác định là do việc xả thải ra môi trường biển của Tổ hợp nhà máy Công ty Fomosa Hà Tĩnh.

Tại buổi họp báo diễn ra ngày 30/6 vừa qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thông tin: Với các căn cứ khách quan, khoa học và chính xác, các cơ quan Chính phủ đã nhiều lần làm việc với Tập đoàn Formosa Đài Loan và công ty Formosa Hà Tĩnh. Ngày 28/6/2016 vừa qua, Công ty Formosa Hà Tĩnh đã nhận trách nhiệm về việc gây ra sự cố môi trường, làm hải sản chết hàng loạt tại 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế trong thời gian vừa qua. "Từ các căn cứ khoa học, các bộ, ngành, cơ quan chức năng đã thẩm định kỹ lưỡng, tham vấn các nhà khoa học quốc tế và kết luận những vi phạm về sự cố trong quá trình thi công, vận hành thử nghiệm nhà máy Formosa Hà Tĩnh là nguyên nhân khiến hải sản chết bất thường tại các tỉnh ven biển Miền Trung" - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.

Chị Đỗ Ngọc Hà, một tiểu thương kinh doanh mặt hàng hải sản đông lạnh tại chợ Châu Long chia sẻ: "Việc chính thức thông báo nguyên nhân của sự cố cá chết hàng loạt tại các tỉnh miền Trung cho thấy sự cố gắng của Chính phủ Việt Nam cùng các cơ quan chức năng trong việc đi tìm sự thật. Mặc dù kinh doanh các mặt hàng hải sản có nguồn gốc từ các tỉnh phía Bắc, nhưng đã có thời gian, tiểu thương chúng tôi điêu đứng với sự lo lắng của khách hàng mỗi khi lựa chọn mặt hàng hải sản. Nhiều người lo lắng không biết nguyên nhân cá chết là do đâu? Mặt hàng hải sản đông lạnh bán tại chợ có phải được nhập từ trong các tỉnh miền Trung? Tôi mong rằng các thông tin chính thống được phát đi từ Chính phủ sẽ giúp cho giá cả các loại hải sản trở lại mức cao hơn trong thời gian tới".

Chị Nguyễn Thúy Liễu, một tiểu thương kinh doanh các mặt hàng hải sản khô tại chợ Đồng Xuân chia sẻ: "Đầu tháng 5 vừa qua, tình hình kinh doanh các mặt hàng hải sản khô tại chợ của các tiểu thương chúng tôi sụt giảm trầm trọng. Tôi rất mừng khi có thông tin chính thức từ cơ quan nhà nước đối với việc công bố nguồn gốc lý do cá chết hàng loạt. Tôi mong việc tìm ra nguyên nhân chính xác sự việc sẽ giúp cho tiểu thương chúng tôi và các bà con dân chài sẽ không gặp khó khăn trong việc tiêu thụ các mặt hàng hải sản như thời gian qua".

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn Chính phủ Mai Tiến Dũng thông tin tại cuộc họp báo công bố nguyên nhân cá chết ngày 30/6. (Ảnh: TH).

Thực tế, trong thời gian qua, ngoài việc ảnh hưởng trực tiếp tới tình hình đánh bắt hải sản của người dân chài, việc chăn nuôi các loại hải sản bằng lồng bè của các hộ dân ven biển cũng chịu sự ảnh hưởng không hề nhỏ do nguồn nước biển bị nhiễm độc tố. Tiếp theo đó, việc phát triển ngành nghề du lịch tại những khu vực ven biển cũng bị ảnh hưởng, bởi du khách không dám xuống tắm biển, không dám sử dụng các loại hải sản của các nhà hàng ven biển. Khi thông tin cá chết do có yếu tố gây độc (mặc dù chưa được xác minh), các chợ cá hải sản ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, thậm chí là đến tận Đà Nẵng cũng thưa khách hơn. Người tiêu dùng lo sợ mua phải cá nhiễm độc nên đã hạn chế tiêu thụ, khiến các tiểu thương cũng ngừng thu mua.

Với những thông tin chính thức về sự cố cá chết tại biển miền Trung mà Chính phủ vừa thông báo, chị Thu Lan, một cư dân sống tại khu vực Thành Công – Hà Nội vui mừng chia sẻ: Với những thông tin chính thức từ phía Chính phủ về nguyên nhân cá chết, người tiêu dùng chúng tôi đã hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng các mặt hàng hải sản trở lại./.

Vũ Hoàng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN