Người thương binh xứng đáng với danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ”
(ĐCSVN) - Dù thời gian đã lùi xa, nhưng ký ức 26 ngày đêm ở Huế, những trận đánh ở thành cổ Quảng Trị, ở nước bạn Lào vẫn sống mãi trong tâm khảm của người lính già - Cựu chiến binh, Trung tá, Dũng sĩ diệt Mỹ Nguyễn Ngọc Loan.
Nhân kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/07/1947 - 27/07/2024), chúng tôi đến thăm và trao quà cho bác Nguyễn Ngọc Loan, Cựu chiến binh, Trung tá, Dũng sỹ diệt Mỹ, thương binh hạng 2 với 75% thương tật, hiện đang sinh sống tại ngõ 23, đường Xuân La, quận Tây Hồ, TP Hà Nội.
Dù còn mệt mỏi vì đang điều trị bệnh tại nhà, Cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Loan (đã để lại một chân trên chiến trường khi tham gia chiến đấu bên nước bạn Lào và một mảnh đạn vẫn còn nằm trong cơ thể) vẫn không giấu được vẻ phấn khởi tự hào xen lẫn bùi ngùi xúc động, khi nhớ về những ngày tháng chiến đấu gian khổ ác liệt nhưng đầy hào hùng.
Tháng 7 năm 1967, chàng trai trẻ Nguyễn Ngọc Loan vừa tròn 20 tuổi, đã xung phong nhập ngũ. Cuối năm 1967, vừa hành quân đến thành phố Huế, được biên chế vào lực lượng của Trung đoàn 9 - Cù Chính Lan anh hùng, do đồng chí Lê Khả Phiêu làm Chính ủy. Đồng chí Loan được điều động vào tiểu đội 1, đại đội 2, được tham gia chiến đấu trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968 tại thành phố Huế.
Cuộc chiến đấu ở thành phố Huế lúc đó đang diễn ra vô cùng ác liệt. Các mũi tiến công đã nổ súng mở màn chiến dịch đúng dịp Tết Mậu Thân năm 1968. Sáng ngày mùng 2 Tết, quân ta đã chiếm lĩnh được hầu hết các mục tiêu trọng yếu của thành phố Huế như nhà ga, nhà quốc hội, tòa tỉnh trưởng,... Đại đội 2 nhận lệnh đánh chiếm cầu Trường Tiền, nhưng gặp khó khăn do đầu cầu bên kia có hai khẩu đại liên của địch liên tục bắn sang. Đồng chí Đại đội trưởng Trịnh Đình Thảo hô "B41 bắn tiêu diệt hoả lực địch”. Hai quả b41 đã hoàn toàn phá hủy các ổ đại liên địch. Đại đội 2 thừa thắng tiến chiếm luôn được cầu Trường Tiền.
Đoàn thăm và tặng quà Cựu chiến binh, thương binh Nguyễn Ngọc Loan |
Nhưng hai ngày sau khi chiếm được thành phố Huế, có một địa điểm vô cùng quan trọng mà quân ta vẫn chưa làm chủ được, đó chính là nhà lao Thừa Phủ. Nghĩ đến 2.200 cán bộ, đảng viên, du kích và người dân của ta đang bị giam cầm nơi địa ngục trần gian, tính mạng ngàn cân treo sợi tóc; anh em chiến sĩ đại đội 2 vừa lo âu, vừa nôn nóng muốn tấn công ngay. Tuy nhiên, rất khó để tiếp cận nhà lao Thừa Phủ vì tất cả các phòng giam đều được quân địch cài mìn dày đặc, chỉ cần chúng ấn nút điều khiển là cả nhà lao nổ tung, xóa sổ hết tù nhân. Đúng 3 giờ sáng ngày 2/2/1968, đại đội 2 bắt đầu đánh chiếm nhà tù. Đồng chí Nguyễn Ngọc Loan nhận nhiệm vụ ôm bộc phá 5kg để đánh lô cốt chủ lực của địch. Trong khi lính địch đi lại canh gác cẩn mật trên tường nhà dày hàng mét, liên tục ném lựu đạn ra ngoài để ngăn cản đợt tiến công của quân ta.
Sau khi ta chiếm được cánh cửa nhà tù, thì địch cắt điện, không thể mở được cửa nhà lao. Quân ta sử dụng súng B41 bắn nhưng vẫn không phá được cửa thép dày, thì có một hàng binh tình nguyện dẫn quân ta theo lối cửa phụ vào trong nhà lao. Anh em chiến sĩ ào vào phá khóa, từ các phòng giam, các tù nhân đạp cửa xông ra ôm lấy bộ đội, cảm xúc vô cùng đặc biệt trong cuộc hội ngộ lịch sử… Kể đến đây, bác Loan nghẹn ngào lấy khăn lau nước mắt. Bác kể tiếp: Từ lúc đó cho đến sáng, quân ta tiêu diệt được 26 tên chỉ huy ác ôn, giải thoát được 2.200 tù nhân cách mạng. Nhưng cũng trong đêm đó, đồng chí Trung đoàn trưởng Trần Văn Khám hi sinh khi làm nhiệm vụ. Chính ủy Lê Khả Phiêu kiêm luôn nhiệm vụ Trung đoàn trưởng để tiếp tục cuộc chiến đấu giữ Huế trong 26 ngày đêm diễn ra vô cùng ác liệt. Bộ đội ta hy sinh rất nhiều. Hai chiến sỹ của đại đội 2, trong đó có chiến sỹ Loan, nhận nhiệm vụ giữ làng Siêu Quần - một làng nhỏ thuộc huyện Phong Điền ngoại thành Huế. Khi cả đại đội vào làng, địch cho 45 xe tăng chia cắt hướng, càn quét làng thành 3 đợt. Quân ta trong làng bắn cháy nhiều xe tăng, khiến quân địch khiếp sợ lùi ra. Nhưng sau đó, 3 tiểu đoàn lính ngụy và một tiểu đoàn lính Mỹ được tăng viện. Cả đại đội họp rất nhanh và tất cả đều nhất trí đánh đến cùng. Các chiến sĩ đã chiến đấu kiên cường, khiến địch bị tiêu hao nhiều và phải rút lui.
Đồng đội cũ cùng gặp gỡ chia vui trong ngày truyền thống |
Sau chiến công này, 22 chiến sĩ, trong đó có Nguyễn Ngọc Loan được phong danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ. Sau đó đồng chí Nguyễn Ngọc Loan tiếp tục tham gia đoàn 968 Quân tình nguyện Việt Nam sang giúp bạn Lào từ năm 1970 đến năm 1973. Đồng chí Loan đã chiến đấu anh dũng tại các điểm đánh lớn ở Lào đầu năm 1973. Trong trận đánh trên cao nguyên Boloven, đồng chí Loan xung phong ôm bộc phá đánh tan hàng rào dây thép gai kiên cố của địch, tạo điều kiện để toàn quân tiến công chiến được cao nguyên này. Nhưng đồng chí Loan đã bị thương nặng bởi mảnh đạn pháo của địch. Chân bên phải của ông phải phẫu thuật cắt bỏ. Một mảnh đạn vẫn còn găm trong cơ thể. Sau khi được điều trị, đồng chí Loan đã được chuyển về Việt Nam.
Sau 6 năm chiến đấu, đồng chí Nguyễn Ngọc Loan trở về gia đình với những vết thương nặng trên khắp cơ thể. Dù không được tiếp tục chiến đấu cùng đồng đội, nhưng ông vẫn dõi theo Trung đoàn 9 Cù Chính Lan anh hùng, đơn vị sau đó hai lần được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang. Sau này, nhiều lần cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Loan đã đến thăm và trò chuyện cùng người anh cả của Trung đoàn 9 - Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.
Là thương binh hạng 2 với 75% thương tật, đồng chí Loan chuyển ngành công tác tại Trung tâm Điều dưỡng người có công thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội. Sau đó, ông chuyển công tác sang cơ quan Bảo hiểm xã hội huyện Từ Liêm cho đến lúc nghỉ hưu năm 2007.
Với những thành tích trong chiến đấu, Trung tá Nguyễn Ngọc Loan đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng 3, Huân chương Chiến thắng Nhà nước Lào (hạng Nhất), Huân chương Dũng sĩ diệt Mỹ, Huy hiệu 45 tuổi Đảng.
Dù thời gian đã lùi xa, nhưng ký ức 26 ngày đêm ở Huế, những trận đánh ở thành cổ Quảng Trị, ở nước bạn Lào vẫn sống mãi trong tâm khảm của người lính già. Nhiều đêm trong giấc mơ, ông thấy mình cùng đồng đội tham gia những trận đánh, cùng hô vang xung phong. Vết thương ở đầu, cánh tay và chân vẫn hành hạ ông suốt mấy chục năm qua, nhất là những lúc trái gió trở trời, cơ thể đau buốt từ đầu đến chân. Tuy vậy, ông vẫn luôn tự nhủ rằng mình sống đến ngày hôm nay là còn may mắn hơn rất nhiều những đồng đội đã nằm lại chiến trường.
Ở tuổi 78, di chuyển khó khăn do một bên chân giả, nhưng Cựu chiến binh, thương binh Nguyễn Ngọc Loan vẫn rong ruổi xe máy đi thăm bạn bè, đồng đội. Suốt 27 năm qua, ông luôn tham gia các đoàn tìm mộ, bốc hài cốt liệt sĩ từ khắp các chiến trường cũ về quê hương. Ông còn tham gia Câu lạc bộ Thương binh Thủ đô, cùng các thành viên CLB mang lời ca, tiếng hát đi khắp mọi miền của Tổ quốc, kể cả sang đất nước Lào, những nơi có đồng đội cũ đang sinh sống. Ông cũng thường xuyên nói chuyện, trao đổi với thế hệ trẻ, kể những câu chuyện chiến đấu để cùng con cháu ôn lại truyền thống đấu tranh bảo vệ Tổ quốc.
Nhận xét về cựu chiến binh, thương binh Nguyễn Ngọc Loan, Thượng tá Nguyễn Đình Thắng, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự quận Tây Hồ cho biết: Ông tuy tuổi cao, sức khỏe yếu, nhưng luôn có nghị lực sống, luôn sống vui sống khỏe, sống có ích cho xã hội, là một tấm gương sáng cho con cháu noi theo. Nói cách khác thì ông chính là mẫu mực của một “anh bộ đội Cụ Hồ”./.