Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Người “mẹ” mang quân hàm xanh

Thứ Hai, 12/12/2022 11:25 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao phó, Thiếu tá Trịnh Tứ Thắng còn được người dân Mường Lát trìu mến gán cho biệt danh ‘Người “mẹ” mang quân hàm xanh’. Luôn năng nổ với các hoạt động vì cộng đồng, tích cực làm thiện nguyện, là điểm tựa vững chắc cho những trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh khó khăn là người dân tộc thiểu số ở Mường Lát. Những việc làm của anh Thắng đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân nơi đây.

 Thiếu tá Trịnh Tứ Thắng ký kết Biên bản nhận đỡ đầu cho 4 cháu ở Trường THCD Pù Nhi.

Ở huyện Mường Lát, nhiều người từ người già đến trẻ nhỏ, từ dân bản đến lãnh đạo chính quyền các cấp ở huyện đều không xa lạ với thiếu tá Trịnh Tứ Thắng. Có lẽ những việc làm thiện nguyện của anh như đã ghi sâu vào tình cảm, vào sự khâm phục lẫn cảm kích của không ít người.

 Thiếu tá Trịnh Tứ Thắng và những đứa trẻ ở huyện Mường Lát.

Thiếu tá Trịnh Tứ Thắng sinh năm 1975 ở vùng quê biển Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Ngay từ nhỏ đến hết thời gian cắp sách đi học ở quê nhà, sự năng nổ và tràn đầy nhiệt huyết như ngấm vào người thanh niên Trịnh Tứ Thắng. Anh thường xuyên tham gia các phong trào đoàn đội, vào những việc làm có ý nghĩa với xã hội. Và không biết từ lúc nào tình yêu và hoài bão muốn trở thành một người lính Cụ Hồ cứ lớn dần trong anh.

Năm 1998, anh chính thức nhập ngũ trở thành chiến sỹ C19, đồn 504 Bộ đội biên phòng Bà Rịa Vũng Tàu. Đây là thời gian mở đầu là dấu mốc quan trọng để anh định hướng cong đường binh nghiệp sau này và nơi đâu anh đi qua dường như anh đều để lại ấn tượng sâu đậm với nhân dân bản địa. Năm 2009, sau khi hoàn thành việc chuyển đổi cấp Đại học Biên phòng tại Học viện Biên Phòng, Trịnh Tứ Thắng  nhận công tác về đồn 681, đồn biên phòng Trà Vinh, sau đó năm 2012 đến 2017 anh lại chuyển công tác về đồn Cà Roòng thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình với vai trò là Chính trị viên phó. Ở đây, anh có quãng thời gian công tác 5 năm nhưng dường như đến tận bây giờ những việc làm của anh luôn được người dân Cà Roòng nhắc nhớ với lòng biết ơn sâu sắc. Anh không chỉ tìm ra cách làm hay như xóa nạn mù chữ cho dân vùng biên giới bằng cách “nhử” họ hát karaoke, anh còn tham gia trợ cấp cho 4 em học sinh mà đơn vị đỡ đầu, anh vận động các nguồn hỗ trợ đỡ đầu thêm cho 6 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và bản thân anh trực tiếp nhận đỡ đầu 3 em với mức hỗ trợ 300.000 đ/em/tháng. Để có kinh phí anh tranh thủ làm video clip cho các chủ nhà hàng, trồng cây cảnh, phục chế xe Honda 67 bán kiếm thêm tiền làm từ thiện. 

Đến cuối năm 2017, anh nhận lệnh trở lại quê hương công tác tại Bội đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa, và câu chuyện về “Mẹ đỡ đầu” của Thiếu tá Trịnh Tứ Thắng với núi rừng Mường Lát cũng bắt đầu từ đây.

Thiếu tá Trịnh Tứ Thắng và những đứa trẻ ở huyện Mường Lát. 

Tôi gặp Chủ tịch hội phụ nữ huyện Mường Lát Hà Thị Nhơn trong cái nắng đã có phần dịu nhẹ, gió hanh hao trên những tán cây xanh mát của tiết trời thu. Thời tiết giao mùa đỏng đảnh như gái đôi mươi, nắng đến cháy mặt người nhưng bỗng chốc lại nổi mưa giông trắng trời, cứ mỗi lần ngấm cái nắng mưa miền sơn cước, tôi như thấm hơn sự bền bỉ, dẻo dai và kiêu hùng của những người phụ nữ nhìn mảnh mai, mỏng manh như Nhơn trên vùng đất gian khó này. Hà Thị Nhơn trẻ hơn cái tuổi bốn mươi mà cô giới thiệu với tôi, nước da trắng, dáng người cao mảnh, cả khuôn mặt toát lên sự nhiệt huyết và tươi tắn. Khi được biết mục đích chuyến đi của tôi để tìm hiểu về chương trình “Mẹ đỡ đầu” của huyện cũng như về thiếu tá Trịnh Tứ Thắng, Nhơn không khỏi bùi ngùi chia sẻ: Mường Lát là huyện nghèo nhất của tỉnh Thanh Hóa, địa bàn hiểm trở, nhiều hủ tục, lại đa phần là người dân tộc thiểu số nên nghèo và khó khăn hơn ở những nơi khác, chính vì vậy các bạn nhỏ ở đây thiệt thòi và thiếu thốn lắm. Có những trường hợp éo le bố mẹ đều mất để lại các em một mình, rồi có những em gái vì hủ tục tảo hôn mà không đủ nhận thức vội đi lấy chồng khi cơ thể chưa hoàn thiện dẫn đến tương lai của mình và của những đứa trẻ kế tiếp mù mịt. Chưa kể từ sau đại dịch COVID vừa qua, Mường Lát cũng là một trong những địa phương rơi vào tâm điểm khiến những đứa trẻ ở đây phải oằn mình chống chọi. Cũng rất may, nhờ sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, sự chung tay của cả cộng đồng và nhất là những người có tấm lòng thiện nguyện đẹp như Thiếu tá Trịnh Tứ Thắng đã đồng hành, chia sẻ và góp công sức với tập thể cán bộ của phụ nữ huyện. Đặc biệt hơn khi Trung ương Hội phụ nữ Việt Nam phát động chương trình “Mẹ đỡ đầu” đã như một ngọn lửa thắp sáng con đường tương lai phía trước cho các em!

Để như minh chứng cho những lời nói của mình, Chủ tịch phụ nữ huyện Hà Thị Nhơn gợi ý mời tôi về thăm bản Cân và bản Tân Hương. Con đường vào hai bản chỉ chừng 18 ki lô mét, có khoảng 2/3 đã được trải bê tông chắc chắn nên đi khá suôn sẻ. Gần đến bản, con đường càng trở nên hốc hác, nham nhở, mỗi lần đến khúc cua, chiếc xe máy của Nhơn lại gằn lên như hất tung người ngồi sau xuống vực, bụng tôi xốc lên xốc xuống rồi râm ran đau dọc lưng. Bản Cân hiện ra xinh xắn, yên bình trong bóng núi. Khu trường tạm chỉ có 4 lớp học đơn sơ và mốc thếch sau những trận mưa rừng. Những đôi mắt trẻ thơ sáng trong, thấy người lạ cứ mở to nhìn ngơ ngác. Tôi ngước lên tấm giấy dán cao trên một phòng học có dòng chữ “Lớp 1 + lớp 3” và tiến vào bên trong. Ở đây, lớp chỉ có hai dãy bàn ghế cũ, một chiếc bảng sứt mẻ. Trường chỉ dạy đến lớp 4, nếu muốn học lớp 5 thì phải ra trường chính ở trung tâm huyện. Mỗi lớp chỉ được dăm ba đứa trẻ theo học, nên trường cứ phải gom lớp nọ với lớp kia để giáo viên dạy học cho tiện. Cả khuôn viên trường có lẽ có giá trị là chiếc sân trường được trát xi măng, sân không rộng nhưng khá sạch sẽ và cao ráo.

Như đoán được ý tôi, Nhơn hồ hởi giới thiệu: Sân chơi này là do anh Thắng làm cho trường đấy chị ạ. Trước đây sân là một khoảng đất trống, cỏ và cây dại mọc đầy hai bên, mỗi lần mưa xuống là ướt nhoẹt và trơn lắm, các em cứ ra chơi là vào đẫm mình trong bùn đất. Thấy vậy nên anh Thắng đã chủ động xin nguyên vật liệu, rồi vận động dân hai bản Cân và Tân Hương cùng làm. Từ khi có sân mới, các em học sinh ham đến trường, các thầy cô dạy cũng phấn khởi hẳn.

Có lẽ đối với ai đó, một sân trường nhỏ sẽ không đáng để nhắc nhớ, nhưng với một bản miền núi như bản Cân còn khá nhiều khó khăn, đường xá đi lại không hề dễ dàng thì chỉ một chiếc sân chơi nhỏ thôi cũng sẽ thay đổi rất nhiều số phận và nếp suy nghĩ của nhiều người ở đây. Cũng qua Nhơn, tôi được biết thêm, không chỉ là việc huy động và khuyên góp để xây dựng cho các em học sinh có điều kiện học hành tốt nhất, Thiếu tá Trịnh Tứ Thắng còn nhận đỡ đầu cho 18 em nhỏ trên địa bàn huyện, với mức hỗ trợ mỗi tháng từ 300.000 đ đến 500.000 đ/em/tháng từ nguồn tài chính của cá nhân và nguồn vận động.

Vẫn đâu đó hình ảnh người lính mang quân hàm xanh mỗi lần về vùng quê Sầm Sơn lại mang theo “hương vị nhà” lên với núi rừng trao lại cho những đứa con mà anh đỡ đầu. Lúc thì ít cá biển, khi dăm ba bao moi khô, đôi khi lại là nước mắm, gạo, muối, mì chính, quần áo… Mỗi lần nhận được quà từ người lính ấy, đôi mắt những đứa trẻ thơ lại ánh lên những niềm vui, lấp lánh sự hồ hởi và mong ngóng “người mẹ” của mình trở về. Có lẽ bóng dáng của anh như in vào lòng, nằm sâu trong những đôi mắt ngày đêm mong đợi ấy, khiến anh luôn đau đáu niềm thương cảm, thúc đẩy bản thân phải cố gắng hơn để đem đến cho các con – những đứa trẻ nơi miền sơn cước có cuộc sống được ấm no hơn. Vô hình trung, anh trở thành điểm tựa vững chắc cho những trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh khó khăn là người dân tộc thiểu số ở Mường Lát. Những việc làm của anh Thắng đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân nơi đây./.

Trịnh Thị Yên

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN