Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Người lão làng uy tín của đồng bào Chăm

Thứ Sáu, 01/09/2023 16:38 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Những năm qua, ông Quảng Đại Thính, 69 tuổi, dân tộc Chăm ở làng Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) luôn phát huy vai trò của đảng viên, tuyên truyền, đẩy lùi hủ tục, lạc hậu trong đồng bào dân tộc Chăm đã góp phần nâng cao đời sống, xây dựng địa phương văn minh và giàu đẹp. Ông chính là người lão làng uy tín của cộng đồng dân tộc Chăm.

Khu phố Mỹ Nghiệp hiện có 449 hộ, với 2.987 nhân khẩu, bà con sinh sống chủ yếu bằng nghề nông và sản xuất dệt thổ cẩm. Nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình, trong những năm qua ông luôn gương mẫu đi đầu, vận động người thân, dòng họ, nhân dân trong khu phố thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chung tay giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, xây dựng môi trường trong khu dân cư ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp.

Dẫn chúng tôi dạo bước trên con đường bê tông láng mượt cuối làng Chăm Mỹ Nghiệp, ông Quảng Đại Thính cho biết, con đường được xây dựng hơn 500 triệu đồng, toàn bộ đều do người dân trong làng đóng góp để xây dựng. Trước đây, con đường này thường bị lầy lội vào mùa mưa, bà con đi lại, vận chuyển nông sản rất khó khăn. Từ năm 2020, ông đã vận động bà con hiến đất làm đường, đóng góp ngày công lao động để xây dựng làng Mỹ Nghiệp như ngày hôm nay.

Ông Quảng Đại Thính vận động người dân hiến đất, góp công
lao động cùng với sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước, xây dựng
cổng làng Mỹ Nghiệp và làm đường giao thông. 

Năm 2020, ông đã vận động bà con đóng góp để làm đường đi sạch, đẹp. Cùng với sự đầu tư của Nhà nước hơn 23 tỷ đồng, làng Mỹ Nghiệp đã xây dựng nhà trưng bày, đường vào làng nghề, hệ thống điện chiếu sáng, tạo diện mạo mới trong đời sống khu dân cư đồng bào Chăm.

Ngoài ra, bãi rác xưa kia của làng đã được ông Thính vận động bà con đóng góp kinh phí, công lao động để dọn và bê-tông hóa khang trang, trở thành nơi sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng trong làng. Đường làng ngõ xóm sạch đẹp, xứng tầm là đô thị trung tâm của huyện Ninh Phước.

Trước đó vào năm 2017, ông Quảng Đại Thính là người "có công" lớn nhất giúp chính quyền địa phương tuyên truyền xóa bỏ hủ tục lạc hậu để xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường ở địa phương. Theo ông Thính, từ xa xưa, dân tộc Chăm có phong tục ma chay khác là hễ nhà nào có người qua đời, thì không được dùng cây gỗ cũ để dựng rạp cúng bái mà người thân phải đi lên rừng chặt cây gỗ mới đem về dựng rạp làm đám tang thì người chết mới được an lành. Vì vậy, nạn phá rừng ngày càng nhiều, bà con vừa tốn chi phí đi chặt phá cây rừng vừa tác động xấu đến môi trường.

Để xóa bỏ hủ tục lạc hậu này, ông Thính đã tìm gặp những bậc bô lão trong làng để bàn cách sử dụng những cây sắt hộp hiện nay để làm khung dựng rạp tổ chức cúng bái đám tang thay cho cây gỗ. Ông giải thích, nếu dùng sắt thì bà con vừa có thể tái sử dụng sau khi xong đám tang, vừa ít tốn kém chi phí, vừa góp phần bảo vệ môi trường và không vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, các vị chức sắc thì không chịu thực hiện nghi lễ cúng bái trong chiếc rạp dựng bằng sắt. Quyết làm cho được, ông Thính chuyển sang tuyên truyền, vận động một số gia đình tộc họ trong làng mạnh dạn thay đổi. Ban đầu một vài hộ thực hiện, sau đó cả làng Mỹ Nghiệp làm theo và từ đó đã xóa luôn nạn phá rừng. Đến nay, các làng Chăm trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đều học tập làm theo. Nhờ đó, đời sống văn hóa và diện mạo nông thôn ở các làng Chăm ngày càng văn minh, tươi đẹp.

Ông Quảng Đại Thính (giữa ảnh) gặp các bô lão trong làng để
vận động xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng đời sống văn minh. 

Theo ông Quảng Đại Thính, làng Mỹ Nghiệp là làng nghề dệt thổ cẩm nổi tiếng của người Chăm. Nơi đây, đã có nhiều thế hệ phụ nữ giỏi nghề, tích cực bảo tồn, phát huy giá trị nghề dệt truyền thống.Ông Thính đã vận động bà con truyền nghề cho con cháu để bảo tồn những hoa văn cổ của dân tộc Chăm. Nhờ đó, thế hệ trẻ tiếp nối nghề dệt truyền thống và làng Mỹ Nghiệp trở thành điểm tham quan du lịch nổi tiếng ở Ninh Thuận.

Năm 2023, Hợp tác xã dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp liên kết với Hiệp hội Du lịch Ninh Thuận đưa du khách đến tham quan làng nghề, thu hút 12.000 lượt khách đến tham quan, mua sản phẩm, doanh thu đạt 1 tỷ đồng.

Theo Ủy ban Nhân dân huyện Ninh Phước, với sự chung sức, đồng lòng của người dân và cả hệ thống chính trị, địa phương đã về đích nông thôn mới vào năm 2019. Đến nay, toàn huyện cũng đã xây dựng được 2 xã đạt nông thôn mới nâng cao. Thời gian qua, huyện luôn chú trọng phát huy vai trò người có uy tín để tuyên truyền, đẩy lùi các hủ tục lạc hậu trong đồng bào dân tộc Chăm. Việc này đã góp phần nâng cao đời sống, xây dựng địa phương văn minh và giàu đẹp./.

CTV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN