Người lãnh đạo tâm huyết với mục tiêu phát triển cộng đồng
(ĐCSVN) - Rơ Châm Tâm - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ia Kreng, Chư Păh, tỉnh Gia Lai mới ngoài 30 tuổi, khuôn mặt rắn rỏi, cương trực, đôi mắt ánh lên sự thông minh, sự gắn bó, tâm huyết, khát khao biến vùng đất Ia Kreng - khu căn cứ cách mạng năm xưa, vùng đất đang còn nghèo khó tiến lên từng bước để cuộc sống của đồng bào Jrai nơi đây sẽ thoát nghèo bền vững và ngày càng no ấm, hạnh phúc.
Ia Kreng là một xã đặc biệt khó khăn vì có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện Chư Păh với gần 37% trên tổng số dân, hộ cận nghèo chiếm 34%, thu nhập bình quân đầu người năm 2019 chỉ đạt 12 triệu đồng/người/năm. Với tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao nên trong những năm qua công tác xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn xã đã được cấp ủy, chính quyền các cấp hết sức quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện. Hệ thống giao thông của xã đã được bê tông hóa trên 90%. Một số cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở đây là cà phê với hơn 100ha, gần 70ha đang cho thu hoạch; các loại cây điều, bời lời, sắn, lúa nước, chuối hột, trong đó, cây bời lời là chủ lực.
Gần đây, Ia Kreng đã bắt đầu đưa một số mô hình mới vào thử nghiệm để tạo nên sự đa dạng về sinh kế cho người dân như mô hình nuôi cá lồng trên mặt sông Sê San, mô hình trồng cây mắc ca, chuối rừng… Tuy nhiên, với đặc điểm địa hình đồi núi, diện tích đất nông nghiệp ít, đất đai kém màu mỡ, nguồn nước tưới cho cây trồng hiếm hoi, phụ thuộc vào tự nhiên đã khiến cho sản xuất nông nghiệp của địa phương vẫn mãi giậm chân tại chỗ, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Công tác triển khai chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới cũng vì thế mà gặp không ít khó khăn, vướng mắc, các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới đạt được chậm.
Rơ Châm Tâm trải lòng: “Gắn bó với mảnh đất này, với con người nơi đây em mới thấy được một điều, dù xã, huyện và tỉnh đã quan tâm đầu tư về đường xá giao thông và cơ sở vật chất trường lớp. Nhà của dân đã được xây dựng theo dự án tái định cư nhưng nhìn chung đời sống của bà con vẫn còn nhiều khó khăn, cái nghèo vẫn đeo bám dai dẳng. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do nhận thức, trình độ sản xuất của bà con còn nhiều hạn chế”.
Để thực hiện các chương trình hỗ trợ bà con, ủy ban nhân dân xã đã thành lập tổ tư vấn về kỹ thuật và giao cho Phó Chủ tịch xã làm tổ trưởng, cán bộ nông nghiệp làm thành viên để tư vấn, hỗ trợ cho bà con. Giúp bà con dần tiếp cận với những kỹ thuật mới, tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng. Tuy nhiên, bà con vẫn còn khá e dè trong việc tiếp nhận, hiệu quả mang lại chưa được như mong muốn nên thời gian tới anh em cán bộ công chức xã sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, 3 cùng với dân, cầm tay chỉ việc. Chúng tôi hỏi những người dân trong các làng, đa số bà con mong muốn được Nhà nước hỗ trợ nhiều hơn về giống cây, con giống, chỉ cho họ các mô hình phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu và nhận thức của họ để làm, để có thu nhập cho gia đình, giúp họ thoát nghèo, vươn lên làm ăn được ấm no, có tích lũy.
Mô hình nuôi cá lồng trên hồ thủy điện Sê San 3A của người dân 2 làng |
Từ những điều được nghe và những điều được tận mắt “mục sở thị”, với thực trạng cái nghèo khó vẫn còn hiện diện nơi đây thì việc tìm ra các giải pháp để thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân vẫn là một vấn đề đang cần tìm nhiều lời giải ở địa phương. Cấp ủy, chính quyền xã cần có một chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, trong đó tập trung thí điểm và nhân rộng các mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao như trồng cây bời lời, nuôi cá lồng; đa dạng hóa các loại cây trồng, như triển khai trồng thí điểm một số loại cây ăn quả, tìm đầu ra cho sản phẩm. Với diện tích mặt nước tự nhiên tương đối lớn và luôn duy trì ở mức ổn định của hồ thủy điện Sê San 3A là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nghề nuôi trồng thủy sản. Qua thời gian thực hiện dự án nuôi cá lồng đối với các loại cá: rô phi, diêu hồng, cá lăng đã mang lại hiệu quả bước đầu, đem đến thu nhập ổn định cho người dân. Mô hình này sẽ mở ra hướng đi mới, giúp nhiều hộ đồng bào Jrai có nguồn thu nhập ổn định.
Hiện nay, xã đang khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng chuối hột, sản xuất theo hướng hàng hóa. Đồng thời, xây dựng một thương hiệu riêng cho chuối hột Ia Kreng theo tiêu chí OCOP và quảng bá rộng rãi để nhiều người, nhiều nơi biết và dùng sản phẩm này. Bên cạnh đó, cây bời lời với đặc tính dễ trồng, không tốn nhiều công chăm sóc, lại rất phù hợp với địa hình đồi núi dốc cũng như tập quán canh tác của đồng bào dân tộc Jrai ở Ia Kreng. Đây là loại cây rừng có khả năng tái sinh, tái tạo rất lớn, không hạn chế chu kỳ khai thác, sản phẩm từ cây bời lời không bỏ đi bất cứ thứ gì từ thân, lá, gốc, rễ và lại được thương lái vào tận nơi thu mua nên chỉ sau 2-3 năm người dân đã có nguồn thu nhập từ lá, cành, vỏ cây. Vì thế, xã đang tuyên truyền, khuyến khích người dân trồng cây bời lời để phát triển kinh tế, tăng thu nhập. Với nguồn tài nguyên rừng còn dồi dào xã đang có giải pháp đẩy mạnh triển khai chương trình giao khoán bảo vệ rừng gắn với xây dựng các mô hình sinh kế hỗ trợ cho cộng đồng địa phương, tạo điều kiện giúp người dân tạo thêm công ăn việc làm, mở rộng phương thức sản xuất để có thêm thu nhập, cải thiện đời sống. Hy vọng trong tương lai không xa, cuộc sống của đồng bào Jrai nơi đây sẽ thoát nghèo bền vững và ngày càng no ấm, hạnh phúc./.