Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Người đứng đầu có vai trò quyết định sự thành công của chuyển đổi số

Thứ Năm, 10/10/2024 10:29 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Chuyển đổi số là vấn đề mới, khó, phức tạp, cần phải tiếp thu những thành tựu, kinh nghiệm quốc tế và vận dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam; phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung; đổi mới cách làm gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.

Từ năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chọn ngày 10/10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Năm nay, Ngày Chuyển đổi số quốc gia có chủ đề “Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”.

Chuyển đổi số là bước phát triển tiếp theo của tin học hóa, có được nhờ sự tiến bộ vượt bậc của những công nghệ mới mang tính đột phá, gọi chung là công nghệ số. Trên thế giới, chuyển đổi số bắt đầu được nhắc đến nhiều vào khoảng năm 2015, phổ biến từ năm 2017. Ở Việt Nam, chuyển đổi số bắt đầu được nhắc đến nhiều vào khoảng năm 2018.

 Chuyển đổi số là bước phát triển tiếp theo của tin học hóa. (Ảnh minh họa. Ảnh: TL)

Ngày 22/4/2022, Chính phủ ban hành Quyết định số 505/QĐ-TTg, về ngày Chuyển đổi số quốc gia. Theo đó Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 10 tháng 10 hằng năm là ngày Chuyển đổi số quốc gia với ý nghĩa số 1 và 0 là hai số của hệ thống số nhị phân - là ngôn ngữ của công nghệ thông tin và công nghệ số; gắn với chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số.

Đại hội XIII của Đảng đặc biệt nhấn mạnh chủ trương chuyển đổi số, phát triển kinh tế số trong các văn kiện Đại hội. Nội dung về chuyển đổi số được đề cập đến nhiều lần trong các văn kiện Đại hội XIII; được đưa vào Báo cáo chính trị thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm và các đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ Đại hội XIII. Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số; Chính phủ cũng đã ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị.

Trên cơ sở đó, ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu, với một số chỉ số cơ bản.

Chương trình đặt mục tiêu cơ bản đến năm 2025 gồm: phát triển Chính phủ số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. 90% hồ sơ công việc tại cấp bộ, tỉnh, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).

100% cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử bao gồm các cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư, Đất đai, Đăng ký doanh nghiệp, Tài chính, Bảo hiểm được hoàn thành và kết nối, chia sẻ trên toàn quốc.

Từng bước mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước để cung cấp dịch vụ công kịp thời, một lần khai báo, trọn vòng đời phục vụ người dân và phát triển kinh tế - xã hội. Một mục tiêu nữa là Việt Nam thuộc nhóm 70 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI).

Về phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, mục tiêu đến năm 2025 là kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%; Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin (IDI), thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chỉ số cạnh tranh (GCI), thuộc nhóm 35 nước dẫn đầu về đổi mới sáng tạo (GII)...

Mục tiêu cơ bản đến năm 2030, Chương trình Chuyển đổi số hướng đến là: Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp 100% trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. 100% hồ sơ công việc tại cấp bộ, tỉnh, 90% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 70% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước)...

Ngoài ra, Việt Nam đặt mục tiêu thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI).

Về phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số, mục tiêu đến năm 2030, phổ cập dịch vụ mạng Internet băng rộng cáp quang; phổ cập dịch vụ mạng di động 5G; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 80%. Việt Nam thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng (GCI).

Tại một Phiên họp của Ủy ban quốc gia về Chuyển đổi số, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: Chuyển đổi số là quá trình chuyển đổi cả về tư duy, nhận thức và hành động; từ quy mô quốc gia hòa nhập với thế giới; chuyển từ thủ công truyền thống sang môi trường số; phải đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý, quản trị, điều hành; đổi mới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân nhằm tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và quốc gia, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, chuyển đổi số là vấn đề mới, khó, phức tạp, cần phải tiếp thu những thành tựu, kinh nghiệm quốc tế và vận dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam; phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung; đổi mới cách làm gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.

Cũng theo Thủ tướng, chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương, với sự tham gia tích cực của toàn dân; triển khai trên tất cả các lĩnh vực, ngành nghề nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, tránh tình trạng “trăm hoa đua nở”, tránh chồng chéo, đầu tư dàn trải, lãng phí.

Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng: "Chuyển đổi số là số hoá toàn diện và sau đó là thay đổi cách vận hành của tổ chức. Nếu người đứng đầu mà không trực tiếp vào cuộc, không trực tiếp chỉ đạo, không trực tiếp làm, không trực tiếp dùng, không trực tiếp tự mình chuyển đổi thì sẽ không thành công".

Lý giải việc người đứng đầu có vai trò quyết định sự thành công của chuyển đổi số, Bộ trưởng Bộ TT&TT phân tích, chuyển đổi số là cuộc cách mạng về thay đổi hơn là cuộc cách mạng về công nghệ: 70% là thay đổi, 30% là công nghệ. Vì vậy, chuyển đổi số muốn thành công thì quyết định là người đứng đầu muốn thay đổi. Thay đổi một tổ chức thì chỉ người đứng đầu mới đủ thẩm quyền, uy tín và có quyền lực để điều hướng các nguồn lực thực hiện. Chỉ có người đứng đầu mới có khả năng phá vỡ các thói quen cũ để chuyển đổi số.

Người đứng đầu không chỉ là chỉ đạo mà phải trực tiếp làm, trực tiếp dùng. Chuyển đổi số là trải nghiệm, nếu người đứng đầu không dùng các công cụ số trong công việc hàng ngày thì sẽ rất khó chỉ đạo công tác chuyển đổi số. 

Cả ba thành tố, thực sự muốn làm, làm trực tiếp và thành thạo sử dụng đều có mức độ quan trọng và mang tính quyết định ngang nhau.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, qua 4 năm chuyển đổi số ở nước ta thì cơ bản các yếu tố công nghệ để thực hiện chuyển đổi số đã sẵn sàng, đã có một số thành công bước đầu rất đáng khích lệ, bây giờ quyết định sự thành công của công cuộc chuyển đổi số quốc gia sẽ là người đứng đầu các cấp, nhất là cấp Bộ trưởng và Chủ tịch UBND các tỉnh.

Để trợ giúp cho các Bộ, ngành và địa phương thực hiện các mục tiêu mà Thủ tướng giao, Bộ TT&TT thiết lập một địa chỉ công bố các thử nghiệm thành công, các Bộ, ngành, địa phương đã làm thành công, hoặc các Case Study quốc tế, họ đã làm thế nào, bài học thành công, công ty nào làm, mất bao lâu, thậm chí có thể có cả giá cả và hiệu quả đạt được.

Chia sẻ về một số kết quả bước đầu của quá trình chuyển đổi số của TP. Hà Nội, ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Phó Trưởng ban chỉ đạo cải cách hành chính, chuyển đổi số thành phố Hà Nội và Đề án 06 cho biết, trong gần 2 năm qua, thành phố đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong quá trình chuyển đổi số và triển khai Đề án 06 của Chính phủ.

Trong đó, Hà Nội đã thực hiện thành công thí điểm hồ sơ sức khỏe điện tử và cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID trên địa bàn, làm cơ sở để Chính phủ triển khai trên phạm vi toàn quốc; các dịch vụ thanh toán an sinh xã hội, chi trả lương hưu không dùng tiền mặt cũng được triển khai đồng bộ, hiệu quả và cơ bản đến nay đều đạt trên 90%.

Những mô hình như thí điểm trông giữ xe không dùng tiền mặt và thanh toán dịch vụ công qua mã QR động đã mang lại hiệu quả và nhiều tiện ích cho người dân.

Đặc biệt, Hà Nội đã xây dựng và đưa vào sử dụng app ‘Công dân Thủ đô số iHaNoi’; đến nay iHaNoi đã có hơn 1 triệu người dùng, trở thành kênh tương tác trực tuyến hiệu quả giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền thành phố. Việc triển khai ứng dụng iHaNoi không chỉ giúp giảm thiểu thủ tục hành chính mà còn nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong quản lý và phục vụ người dân.

Thương mại điện tử thời gian gần đây phát triển mạnh, trở thành xu hướng tất yếu. Ảnh: TL

Thống kê cho thấy, thành phố hiện có gần 5.000 doanh nghiệp công nghệ số; thương mại điện tử đã phát triển mạnh với doanh thu tăng 40% so với cùng kỳ năm 2023; kê khai và nộp thuế điện tử tại Hà Nội đạt 99%; hơn 90% các doanh nghiệp lớn tại Hà Nội đã chuyển sang thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và kinh doanh.

Về xã hội số, gần 5.000 tổ chuyển đổi số cộng đồng với hơn 30.000 thành viên đã hoạt động tích cực, đưa chuyển đổi số vào từng ngõ, gõ cửa từng nhà, giúp người dân nắm bắt và trải nghiệm các dịch vụ số. Hơn 60% dân số trong độ tuổi lao động đã được đào tạo kỹ năng số cơ bản, tạo nền tảng vững chắc để xây dựng một thế hệ công dân số thông minh.

Có thể nói, việc Thủ tướng Chính phủ trực tiếp làm việc với người đứng đầu các Bộ, ngành và địa phương mới đây đã thể hiện sự quyết tâm rất cao của người đứng đầu Chính phủ về chuyển đổi số. Coi chuyển đổi số là nội hàm chính của KHCN và đổi mới sáng tạo. Coi chuyển đổi số là phát triển chất lượng cao. Coi chuyển đổi số là động lực chính cho tăng trưởng. Coi dữ liệu là yếu tố sản xuất chính của kinh tế số. Coi chuyển đổi số là giải pháp chính cho tăng trưởng nhanh và bền vững. Coi chuyển đổi số là phương thức quản trị quốc gia mới. Coi chuyển đổi số là lợi thế cạnh tranh quốc gia. Nếu quan trọng như vậy thì người đứng đầu phải vào cuộc. Người đứng đầu phải thực sự muốn làm, trực tiếp làm và thành thạo sử dụng là yếu tố mang tính quyết định thành công.

Ngày Chuyển đổi số quốc gia được tổ chức hằng năm nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia, thực hiện có hiệu quả Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; đồng thời nâng cao nhận thức của người dân toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số và thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.

Ngày Chuyển đổi số quốc gia sẽ là hoạt động thường niên để đánh giá kết quả chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương trong năm và chia sẻ kinh nghiệm, cách làm mới để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia. 

Đỗ Thoa

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN