Người Dao Tiền ở lưng chừng núi bản Sưng
(ĐCSVN) - Đường lên bản Sưng - xóm bản của người Dao Tiền dựng bên núi Biều (xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, Hòa Bình) bây giờ đã không phải men theo con đường đi rừng, nhưng cũng quanh co, lắt léo, nhất là với những buổi sớm mùa đông chân bước trong mây.
Người Dao Tiền phơi vải sau khi nhuộm màu. |
Không nằm sát cạnh lòng hồ Hòa Bình như nhiều điểm du lịch cộng đồng của khu du lịch vùng lòng hồ, nhưng hơn một năm nay, du khách tới Đà Bắc thường chọn tới xóm Sưng để lưu trú và trải nghiệm. Sức hấp dẫn của xóm Sưng không chỉ nằm ở cảnh quan thiên nhiên hoang sơ bao bọc lấy bản làng mà còn bởi những giá trị văn hóa độc đáo của người Dao Tiền còn được bảo tồn, duy trì trong từng gia đình.
Nhiều du khách tới xóm Sưng chọn hành trình đi thuyền từ khu vực hồ Hòa Bình, đi bộ qua xóm Đá Bia của người Mường để tới xóm Sưng. Khác với những bản làng người Mường dựng nhà sàn, nhà của người Dao ở đây là nhà đất trệt, tường ghép gỗ, mái lợp lá cọ truyền thống. Những gia đình dựng nhà sát cạnh nhau, không đắp tường ngăn vách mà quây quần đoàn tụ. Dưới mái hiên nhà đều có bộ bàn ghế tre mộc mạc, ấm trà shan tuyết sao thủ công để chào đón du khách đến thăm bản.
Sau lưng là núi Biều che chở, trước mặt là những thửa ruộng bậc thang uốn lượn xếp tầng tầng tầng lớp lớp, thỉnh thoảng xen giữa là những dòng suối nhỏ nước trong vắt xuống chân núi. Tận hưởng bầu không khí trong lành, hòa mình với thiên nhiên là “đặc sản” ở xóm Sưng. Nhịp sống ở Sưng không dành cho những người vội vã. Buổi sáng, người lớn trong bản lên rừng hái măng, thu hoạch chè. Những cây chè shan tuyết đã trổ bông trắng muốt, lá sắt lại vì sương muối được mang về sao tẩm thủ công. Trên đường đi, du khách sẽ được chiêm ngưỡng cây trò cổ thụ tương truyền đã vài trăm năm tuổi, hay băng qua tán rừng già để tới hang Sưng, lội theo con suối sâu trong hang bốn mùa nước chảy róc rách để tới những bức tường thạch nhũ muôn hình vạn trạng.
Phụ nữ Dao Tiền đang chế biến món thịt chua - đặc sản của dân tộc này. |
Chiều về, du khách có thể tới hợp tác xã thủ công của chị em phụ nữ trong bản để học cách nhuộm chàm, dệt, thêu hoa văn váy áo. Tỉ mỉ ngồi học cách in hoa văn trên váy bằng sáp ong, những nghệ nhân trong bản còn chia sẻ về nghề dệt, thêu thổ cẩm, những sự khác biệt về hoa văn giữa các cộng đồng dân tộc cũng như sự trân trọng giá trị truyền thống gửi gắm qua từng chi tiết, dành cho những trang phục mặc trong mỗi dịp lễ hội, cưới hỏi, ma chay.
Thử thách nhất với nhiều du khách chính là khi cùng gia chủ bắt cá, đuổi gà, chuẩn bị bữa cơm tối. Những món ngon của núi rừng được mang ra đãi khách, đội văn nghệ trong trang phục truyền thống với các tiết mục dân ca, dân vũ truyền thống của người Dao. Một buổi tối trải nghiệm “homestay ở rừng” không chỉ gắn kết những người dân xóm Sưng với những người bạn mới tới nhà mà còn là cách để giới thiệu các phong tục tập quán truyền thống của người Dao tới du khách.