Người dân tộc thiểu số được tham gia bình đẳng vào các hoạt động văn hoá
(ĐCSVN) - Được tham gia bình đẳng vào các hoạt động văn hoá là một trong những quyền được quy định trong Công ước về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc. Tại Việt Nam, đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện đầy đủ quyền tham gia bình đẳng vào các hoạt động văn hoá.
Để tạo điều kiện cho người dân tộc thiểu số tham gia vào các hoạt động văn hóa, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với các ban, bộ, ngành và các địa phương đã định kỳ tổ chức ngày hội, giao lưu văn hoá, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc, Đông Bắc, miền Trung, Tây Nguyên; các sự kiện giao lưu văn hoá đối với dân tộc Hoa, Thái, Chăm, Khmer, Mông, Mường, Dao; giao lưu liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái; giao lưu văn hoá nghệ thuật tuyến biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia, Ngày hội giao lưu văn hoá tuyến biên giới Việt - Trung. Hàng năm, tổ chức các hoạt động chào mừng Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam (19/4) đồng bộ từ Trung ương đến địa phương…
Tiết mục văn nghệ do Nghệ nhân H’Hoa Nie Ksor cùng các thành viên biểu diễn tại Làng dân tộc Ê Đê, tỉnh Đắk Lắk được phục dựng trong Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Ảnh: Trần Quỳnh) |
Các hoạt động văn hoá được tổ chức đã tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc giao lưu, học hỏi lẫn nhau, tạo ra một sân chơi, một mô hình sinh hoạt văn hoá cộng đồng lành mạnh, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo không khí phấn khởi cho đồng bào, góp phần chăm lo đời sống tinh thần cho nhân dân.
Tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã tổ chức nhiều sự kiện văn hoá có ý nghĩa thiết thực và hàng ngàn hoạt động văn hoá truyền thống tái hiện đời sống sinh hoạt, lao động, sản xuất, dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian, nghề thủ công truyền thống với nội dung phong phú, đa dạng, đặc sắc của cộng đồng 54 dân tộc, thuộc 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó có 22 lễ hội điểm nhấn nhằm góp phần tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đồng thời quảng bá hình ảnh ngôi nhà chung của các dân tộc Việt Nam tới nhân dân trong nước và khách quốc tế.
Các nhóm nghệ nhân, đồng bào của 16 dân tộc (Mường, Thái, Tày, Dao, Mông, Nùng, Khơ Mú, Ơ Đu, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Cơ Tu, Ê Đê, Raglai, Khmer) hoạt động hàng ngày tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam, trực tiếp tái hiện văn hoá dân tộc kết hợp với du lịch, thể hiện nghề thủ công truyền thống, dân ca, dân vũ… góp phần đưa văn hóa các dân tộc thiểu số đến gần hơn với công chúng.