Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Người dân tỉnh Quảng Nam và TP .Đà Nẵng bị ảnh hưởng bởi độ mặn xâm nhập cao

Thứ Tư, 27/06/2018 18:11 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Nắng nóng những ngày qua khiến mực nước hạ lưu sông Vu Gia-Thu Bồn sụt giảm. Điều này dẫn đến tình trạng mặn xâm nhập mạnh, làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống người dân của hai địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng.

Từ ngày 12/6 đến nay, nước sông Cầu Đỏ nhiễm mặn nặng
với độ mặn lên đến 1.695mg/l, cao hơn mức cho phép gần 7 lần

Tại Đà Nẵng, từ ngày 12/6 đến nay, do thủy triều xuống thấp làm nước sông Cầu Đỏ nhiễm mặn nặng với độ mặn lên đến 1.695mg/l, cao hơn mức cho phép gần 7 lần. Đây là nguyên nhân khiến một số khách hàng phản ánh với Công ty cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) về việc dùng nước thủy cục nấu nước uống có vị lợ.

Theo ông Hồ Hương, Tổng Giám đốc Công ty cấp nước Đà Nẵng (Dawaco), trong 3 tháng trở lại đây, mặn liên tục xảy ra với tần suất xuất hiện ngày càng dày hơn. Trong tháng 6 này, trung bình cứ 2 ngày thì có 1 ngày nhiễm mặn. Độ mặn đo được trong ngày 13/6 là 1695 mg/lít nước.

Cũng theo ông Hương, ngay sau khi nhận được phản ánh của người dân, Xí nghiệp Sản xuất nước sạch thuộc Công ty Cổ phần cấp nước Đà Nẵng có báo cáo gửi cấp trên về nguyên nhân nước thủy cục có vị lợ là do độ mặn nước sông Cầu Đỏ lên cao. Đồng thời phương án xử lý trước mắt của Xí nghiệp là tăng cường bơm nước ngọt từ đập dâng An Trạch để hòa với nước mặn tại sông Cầu Đỏ cung cấp cho người dân TP.

Trong khi đó, theo ông Phan Lưu - Giám đốc Xí nghiệp sản xuất nước, Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng, vị lợ của nước thủy cục không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng không tiện cho người sử dụng. Để xử lý độ mặn của nước sông Cầu Đỏ không còn cách nào khác là đóng kín cửa van tại Nhà máy nước Cầu Đỏ, dùng toàn bộ nước ở đập dâng An Trạch, cách Nhà máy nước Cầu Đỏ 8 km để cung cấp nước cho người dân. Tuy nhiên, đường ống dẫn nước từ An Trạch về không đủ tải để đáp ứng công suất 2.400 m3/ngày đêm của Nhà máy nước Cầu Đỏ nên không tránh khỏi nguy cơ thiếu nước trong mùa khô.

Trước tình hình nắng nóng kéo dài trong thời gian tới, mực nước ở các sông thuộc lưu vực Vu Gia-Thu Bồn sẽ tiếp tục sụt giảm. Điều này đồng nghĩa là tình trạng xâm nhậm mặt tại vùng hạ lưu chắc chắc còn kéo dài và trầm trọng hơn.

Theo ông Hồ Hương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng: Tình trạng nhiễm mặn ở sông Cầu Đỏ (TP. Đà Nẵng) còn có một nguyên nhân nữa là do các thủy điện đầu nguồn không xả nước. Những ngày qua, trời không mưa nên Thủy điện Đăkmi 4 xả nước về phía sông Vu Gia theo kiểu đối phó. Với lưu lượng xả nhỏ giọt như vậy thì nước không thể nào về đến Cầu Đỏ chứ chưa nói đến đẩy mặn.

“Tổng công suất sử dụng nước trong những ngày qua tại Đà Nẵng đạt từ 285.000- 287.000m3/ngày, gần đạt đỉnh cung ứng của Dawaco ở mức 290.000m3/ngày. Do đó, Dawaco đã trao đổi với các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn sông Vu Gia và đề nghị thủy điện xả nước về đẩy mặn cho sông Cầu Đỏ, bảo đảm nguồn nước ngọt thô sản xuất, cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho thành phố. Để bảo đảm đủ nước về lâu dài, ngày 17/6 vừa qua, Dawaco đã giải phóng mặt bằng để triển khai thi công dự án Nâng công suất cấp nước nhà máy nước Cầu Đỏ thêm 120.000m3/ngày. Đến cuối tháng 6/2018, Dawaco tiếp tục triển khai xây dựng nhà máy nước Hòa Trung với công suất 10.000m3/ngày. Dự kiến đưa vào hoạt động 2 dự án trên trong quý 1/2019”- ông Hương cho biết thêm.

Trong khi đó, phía tỉnh Quảng Nam cũng đang rất cần nước để đảm bảo sản xuất vụ Hè thu. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong những ngày nắng nóng gần đây, nước mặn xâm nhập sâu vào hạ lưu sông Thu Bồn và sông Vĩnh Điện đoạn chảy qua địa phận các huyện Duy Xuyên, Điện Bàn và TP. Hội An. Vào thời điểm hiện nay, ở khu vực này cũng là lúc cây lúa non vụ Hè thu cần nhiều nước để sinh trưởng. Do vậy, nếu nước mặn xâm nhập sâu và kéo dài sẽ khiến nhiều trạm bơm không thể hoạt động.

Nguyên nhân khiến hạ lưu sông Vu Gia-Thu Bồn
bị mặn xâm nhập mạnh có yếu tố do các thủy điện đầu nguồn không xả nước

Theo ông Văn Bá Năm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam), từ ngày 17/6 đến nay, mặn đã xâm nhập với diễn biến phức tạp. Nồng độ mặn tại bể hút đo được vào ngày 20/6 đã lên đến 6,3 phần nghìn.

“Với nồng độ mặn này, nếu bơm nước lên lúa sẽ chết, bởi thông thường nồng độ mặn bằng hoặc dưới 0,8 phần ngàn thì lúa mới sinh trưởng được; còn như hiện nay thì phải chờ khi nào nồng độ mặn giảm mới tiến hành bơm”- ông Năm chia sẻ.

Theo thông tin từ Phòng NN&PTNT huyện Duy Xuyên, hiện đơn vị đang quản lý trạm bơm điện trọng yếu gồm trạm 2/9 và trạm 19/5 ở xã Duy Phước. Tuy nhiên, vì nồng độ mặn xâm nhập lớn hiện nay nên cả 2 trạm bơm này đều không thể hoạt động được. Nếu kéo dài, nguy cơ gần 500 ha lúa Hè thu đang trong thời kỳ tưới dưỡng của 2 xã Duy Phước và Duy Vinh sẽ bị ảnh hưởng và chết do khô hạn.

“Do tình hình nguồn nước khó khăn, chúng tôi đã chỉ đạo các địa phương đắp đập ngăn mặn, bơm lách để đảm bảo tưới tiêu cho bà con. Đồng thời xin chủ trương của tỉnh để đắp đập ngăn mặn ở Cầu Đen. Huyện cũng đã dự phòng nguồn kinh phí khoảng 3 tỷ đồng để chi thực hiện biện pháp đối phó, trong đó chủ yếu là nạo vét sông, suối và lắp đặt hệ thống máy bơm dã chiến để tận dụng mọi nguồn nước ngọt giải hạn cho cây lúa”- ông Văn Bá Năm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Duy Xuyên cho biết thêm./.

Bài, ảnh: Đình Tăng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN