Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Người dân Cộng hòa Trung Phi khốn khó do bạo lực leo thang

Thứ Năm, 22/11/2018 17:28 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Nhu cầu hỗ trợ nhân đạo ở Cộng hòa Trung Phi đã tăng đáng kể trong vài tháng trở lại đây, trong bối cảnh bạo lực tiếp tục leo thang. Với 63% dân số cần hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp trong năm 2019, đây thực sự là một thách thức lớn đối với quốc gia này.


Người dân Cộng hòa Trung Phi xếp hàng chờ nhận đồ cứu trợ của Liên hợp quốc
(Ảnh: Reuters)

Phát biểu trước báo giới tại Geneva (Thụy Sỹ), Điều phối viên nhân đạo Liên hợp quốc Najat Rochdi đã đề nghị cộng đồng quốc tế giúp đỡ Cộng hòa Trung Phi khi dẫn chứng rằng có tới 2,9 triệu người dân nước này cần được hỗ trợ và bảo vệ trong tổng dân số 4,6 triệu người.

Bà Najat Rochdi cho biết, vào năm 2019 sẽ có 63% dân số Cộng hòa Trung Phi cần được hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp, tăng so với con số 46% đưa ra vào tháng 5/2018.

Chỉ trong 3 tuần qua, hơn 50.000 người đã bị ảnh hưởng ở thị trấn Batafango, tỉnh Ouham và thị trấn Alindao, tỉnh Basse Kotto – nơi những kẻ tấn công đã đốt cháy 2 trung tâm lớn dành cho người vô gia cư.

Bà Najat Rochdi cho rằng, thế giới không thể nhắm mắt làm ngơ trước những gì đang xảy ra ở Cộng hòa Trung Phi, đồng thời lên án những cuộc tấn công phi lý nhằm vào người dân vô tội.

Tình hình bạo lực ở Cộng hòa Trung Phi trở nên phức tạp sau khi Tổng thống Francois Bozize bị lật đổ năm 2013. Các mâu thuẫn nội bộ giữa các cộng đồng tôn giáo đã xảy ra liên miên, khiến hàng nghìn người thiệt mạng và khoảng 25% dân số phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

Đầu tháng 11 này, Chương trình Lương thực thế giới của Liên hợp quốc cũng cảnh báo Cộng hòa Trung Phi đang đối mặt với tình trạng tồi tệ nhất về an ninh lương thực trong 4 năm qua.

Mặc dù có trữ lượng tài nguyên thiên nhiên vàng, kim cương và uranium lớn, nhưng Cộng hòa Trung Phi lại là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Tình trạng bạo lực thường xuyên xảy ra ở quốc gia này, đẩy cuộc sống của hàng triệu người dân lâm vào tình cảnh khốn khó./.

Kiều Giang (theo UN, Al Jazeera)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN