Người dân cần có “đề kháng” trên không gian số
(ĐCSVN) - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, các nền tảng mạng xã hội phải tự động rà quét, gỡ bỏ các thông tin sai sự thật và thông tin xấu, độc mang tính phổ quát …; đồng thời cần đẩy mạnh truyền thông, tăng sức đề kháng trên không gian số.
Ngày 12/11, Quốc hội thực hiện chất vấn và trả lời nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông. Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là các giải pháp quản lý mạng xã hội, chống tin giả, tin sai sự thật.
Đẩy mạnh truyền thông, tăng sức “đề kháng” trên không gian số
Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau) cho biết, sự phát triển của mạng xã hội bùng nổ kéo theo tình trạng tin giả, tin sai sự thật gây nhiễu loạn, tạo ra những hệ lụy tiêu cực, gây bức xúc trong xã hội, vừa cạnh tranh khốc liệt với báo chí chính thống cả về thông tin và doanh thu.
“Với vai trò quản lý Nhà nước, Bộ trưởng cho biết phương án nào để quản lý mạng xã hội?”, đại biểu chất vấn.
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Đoàn Cà Mau) về vấn đề quản lý mạng xã hội, chống tin giả, tin sai sự thật, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, đây là vấn đề không chỉ ở Việt Nam mà mang tính toàn cầu.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. (Ảnh: TL) |
Bàn về một số giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đầu tiên là vấn đề hoàn thiện thể chế.
Trước đây, chúng ta mới quy định xử lý cá nhân sử dụng mạng xã hội khi đưa thông tin sai sự thật, tin giả. Trong một nghị định mới được ký cách đây chưa được một tuần, chúng ta đã đưa vấn đề xử lý các nền tảng xã hội khi vi phạm luật pháp hiện nay.
“Trước đây chúng ta nghĩ nhiều đến việc đây là trách nhiệm quản lý nhà nước nhưng thực ra trách nhiệm lớn phải là đối với các nền tảng xã hội, họ có không gian riêng, họ có thuê bao riêng mà không chỉ là số ít, hàng chục triệu, hàng trăm triệu hoặc hàng tỉ người dùng. Họ phải có trách nhiệm rà quét, phát hiện, tự động gỡ bỏ các thông tin sai sự thật và thông tin xấu, độc’, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ.
Bộ trưởng cũng cho hay, chúng ta đang sống trong không gian mới là không gian số trong khoảng 10 năm trở lại đây. Bởi vậy, cần truyền thông để mọi người có kỹ năng số, biết sử dụng các nền tảng số, có khả năng đề kháng trên không gian số. Đào tạo không chỉ cho chúng ta mà đào tạo cho cả thế hệ tương lai, tức là các em học sinh trong trường phổ thông.
Hiện Bộ TT&TT đang tập trung vào 3 nhóm, trong đó khi người dân bị ảnh hưởng bởi thông tin sai, tin xấu độc thì có nơi để họ phản ánh, có nơi đề nghị giúp đỡ. Do đó, Bộ TT&TT đã thành lập và đưa vào vận hành Trung tâm tin giả Quốc gia và các địa phương cũng bắt đầu hình thành các trung tâm tin giả để chống tin giả, tin sai sự thật ở mức địa phương.
Mạng xã hội phải có trách nhiệm gỡ bỏ thông tin sai sự thật, xấu độc
Về ý kiến của đại biểu Hoàng Ngọc Định (Đoàn Hà Giang) xử lý những vấn đề về thông tin sai sự thật, nói xấu, bóc phốt v.v, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thông tin, vừa qua chúng ta đã có xử phạt thông tin sai sự thật, bóc phốt, nói xấu, mức phạt đối với Việt Nam là cao nhưng thực ra so với các nước là thấp, từ 5 đến 10 triệu, sắp tới chắc sẽ phải tăng mức phạt này lên.
Bộ trưởng cho hay, các quốc gia họ phạt rất nặng, đến hàng triệu đô. Chúng ta mới phạt những người sử dụng các mạng xã hội để nói xấu người khác, còn trách nhiệm các nhà mạng thì sao?. Nhiều quốc gia quy định trách nhiệm của mạng xã hội, thậm chí chủ mạng xã hội cũng có thể bị đi tù, ví dụ theo luật Singapore.
Bộ trưởng cũng lưu ý, cần xử lý nghiêm minh để đảm bảo tính răn đe và lan tỏa những thông tin xử lý đến toàn dân biết để răn đe các đối tượng khác.
“Bộ Chính trị đã kết luận giao cho Bộ Công an làm luật về phòng, chống tin giả, tôi nghĩ những vấn đề cơ bản về mặt thể chế sẽ được giải quyết ở Luật Phòng, chống tin giả”, Bộ trưởng chia sẻ.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, thời gian qua Bộ TT&TT đã đạt kết quả rất tích cực như tăng tỉ lệ đáp ứng về gỡ bỏ thông tin xấu độc, sai sự thật từ 10 - 20% năm 2018 đến nay là tỉ lệ trên 95%, thời gian đáp ứng từ 48 tiếng trước đây rút xuống còn 24 tiếng và 12 tiếng, trong trường hợp đặc biệt, xử lý, gỡ bỏ thông tin xấu độc trong vòng 2 tiếng, đồng thời gỡ bỏ các trang, các tài khoản vĩnh viễn nếu vi phạm nghiêm trọng.
Hiện nay các nền tảng mạng xã hội phải tự động rà quét, gỡ bỏ các thông tin vi phạm mang tính phổ quát đã được định nghĩa tường minh như cờ bạc, mại dâm, ảnh hưởng đến trẻ em, kinh doanh các mặt hàng bị cấm, khủng bố…; đồng thời hiện có thể xác định được danh tính khi vi phạm. Đặc biệt nhiều mạng xã hội lớn đã hợp tác với Bộ TT&TT về tuyên truyền chống tin giả, tin lừa đảo trực tuyến, quảng bá hình ảnh của đất nước Việt Nam ra nước ngoài, đồng thời tuân thủ luật pháp của Việt Nam trong những hợp đồng với khách hàng./.