Người có uy tín tiên phong làm kinh tế giỏi
(ĐCSVN) - Ông Lường Trung Lập, người dân tộc Thái, ở bản Sang Đốm, xã Nghĩa Lợi (thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái) đã trở thành tấm gương người cao tuổi giỏi làm kinh tế, có uy tín tại địa phương, sau khi mạnh dạn thay đổi cơ cấu cây trồng, đổi từ cây lúa sang trồng trái thanh long cho thu nhập cao.
Ông Lường Trung Lập cho biết: Sau một thời gian theo dõi, tìm hiểu, năm 2014 ông quyết định đổi 4.000 m2 đất ruộng lúa gia đình sang trồng trái thanh long. Quê hương ông, Mường Lò luôn được coi là cánh đồng lúa lớn thứ hai ở vùng Tây Bắc, người dân bao đời cấy lúa làm kinh tế, cho nên, rất nhiều người trong bản đã nghi ngờ lựa chọn của ông Lập. Nhưng ông vẫn quyết tâm bỏ ra hơn 200 triệu đồng và thuê nhân công, thuê kỹ sư nông nghiệp từ Hà Nội lên Yên Bái trồng 600 trụ thanh long. Nhờ kỹ thuật chăm sóc tốt, trại thanh long của ông bội thu, liên tiếp mấy năm cho thu nhập hơn 300 triệu/năm, cải thiện hoàn toàn đời sống gia đình.
Ông Lường Trung Lập giới thiệu vườn Thanh Long của gia đình |
Sau gần 10 năm chăm bón giống cây mới, ông Lập đã nắm vững kỹ thuật trồng cây, ổn định thu nhập cho gia đình bình quân 150 triệu đồng/năm. Là người có uy tín trong cộng đồng, ông không quản ngại chia sẻ kinh nghiệm của mình cho bà con xung quanh, nhiệt tình hướng dẫn những hộ dân muốn chuyển đổi cây trồng, thậm chí giúp những hộ khó khăn vay vốn, tạo việc làm thường xuyên và thời vụ tích cực cho bà con. Từ hành động thiết thực, dám nghĩ dám làm của ông, đời sống gia đình ông cùng những bà con trong bản đã thay đổi hoàn toàn, ngày càng khẳng định thành công của vai trò người có uy tín tiên phong làm kinh tế giỏi tại địa phương.
Là người có uy tín trong cộng đồng, ông La Tài Quan, dân tộc Dao, xã Mỏ Vàng (huyện Văn Yên) cho biết, ông rất quan tâm đến trách nhiệm chia sẻ, vận động người dân địa phương thay đổi cuộc sống, gia tăng sản xuất, lấy kinh tế làm nền tảng xây dựng đời sống vững mạnh và tiến bộ. Ông đã thành công trong việc tự cải tạo đất nương rẫy để trồng quế, mang lại hiệu quả kinh tế cao, thuyết phục đông đảo người dân học tập hành động theo.
Ông La Tài Quan trên rẫy quế của mình |
Người dân xã Mỏ Vàng cho biết, từ những năm 1990, ông La Tài Quan là người đã lên tiếng vận động bà con ươm bầu quế, cải tạo nương đồi trồng quế. Theo ông, quế là loại cây dược liệu có giá trị kinh tế cao, nếu chăm trồng chu đáo sẽ mang lại thu nhập tốt cho mọi gia đình. Nhận thấy người dân vùng quê quen đốt rừng làm rẫy, khiến đất bạc màu, ông đảm nhận vị trí tổ trưởng tổ bảo vệ rừng, tích cực vận động người dân thay vì khai thác rừng nên trồng quế để phủ xanh đồi trọc, tăng diện tích rừng. Quan trọng hơn, ông cùng gia đình trồng hơn 30 hecta quế, tổ chức thu hoạch hợp lý, đến nay, sau hơn 20 năm chăm sóc đã mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng cho gia đình mỗi năm.
Từ gương lao động thành công, ông đã thuyết phục được người dân tham gia trồng quế. Đến nay, bà con thôn Thác Tiên quê nhà ông đã nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa; thôn Thác Tiên được coi là thủ phủ của cây quế với rất nhiều hộ nông dân tiền tỉ./.