Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Người có uy tín Quảng Bình chung tay giữ cho biên cương

Thứ Bảy, 16/09/2023 10:00 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN)- Nhờ những người có uy tín thường xuyên tuyên truyền về trách nhiệm, nghĩa vụ của người dân trong bảo vệ biên giới, nhiều người dân bản Dốc Mây, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đã trở thành những thành viên cần mẫn, là “cột mốc sống”, cùng Bộ đội biên phòng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Đóng quân trên địa bàn xã miền núi Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, Đồn Biên phòng Làng Mô (Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình) được giao quản lý, bảo vệ 43,928km đường biên giới, 16 cột mốc quốc giới, từ số 550 đến 565. Để thực hiện nhiệm vụ, hàng quý, cán bộ, chiến sĩ của đơn vị phải thực hiện tuần tra đến tất cả 16 cột mốc quốc giới, trong đó có những cụm cột mốc ở xa, địa bàn hiểm trở, phải mất gần cả tuần đi đường vượt suối, leo núi mới tới được.

Theo thiếu tá Trần Thanh Nam, Chính trị viên phó Đồn BP Làng Mô cho biết. Để phối hợp thực hiện tốt việc giữ gìn cột mốc chủ quyền Quốc gia thì ở bản Dốc Mây, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh có ông Hồ Bang, người có uy tín được bầu từ khi chính sách dành cho người có uy tín ra đời, ông đã có hàng chục năm tình nguyện chăm nom cột mốc quốc giới số 552. Đây là mốc quốc giới nằm cách bản Dốc Mây hơn 5 tiếng đồng hồ đi bộ. Vậy nhưng, ngoài những lần cùng BĐBP thực hiện các chuyến tuần tra, hàng tuần, hàng tháng, ông Bang lại “cơm đùm gạo bới” một mình đi bộ lên thăm cột mốc quốc giới số 552.
 
“Lên đó, đứng nghiêng mình giơ tay chào cột mốc, miềng thấy tự hào lắm! Nếu cây cối mọc che đi cột mốc, miềng phát quang cho sáng. Nếu cột mốc bị hư hỏng, miềng lập tức về báo cho BĐBP”, ông Bang bộc bạch.
 
Nói về ông Bang, thiếu tá Trần Thanh Nam nhấn mạnh: “Ông Hồ Bang là người có uy tín ở bản Dốc Mây. Hàng chục năm qua, ông Bang tình nguyện trông coi cột mốc quốc giới số 552. Ông Bang cũng thường xuyên tuyên truyền về trách nhiệm, nghĩa vụ của người dân trong bảo vệ biên giới. Nhờ ông Bang tuyên truyền, nhiều người dân bản Dốc Mây đã trở thành những thành viên cần mẫn, là “cột mốc sống”, cùng BĐBP bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia".

Ông Hồ Bang (áo xanh) ở bản Dốc Mây (xã Trường Sơn) chụp ảnh lưu niệm bên mốc quốc giới số 552. 

Còn ông Hồ Văn Hùng, người có uy tín ở bản Bến Đường thì tâm sự: “Lần nào cũng vậy, đứng trước cột mốc biên cương, tôi cảm thấy vô cùng vinh dự và tự hào. Những chuyến tuần tra biên giới đã giúp tôi thấu hiểu sự vất vả, hy sinh của chiến sĩ BP, hiểu rõ hơn về trách nhiệm, nghĩa vụ của một công dân đang sinh sống nơi biên cương Tổ quốc”.
 
Thiếu tá Trần Thanh Nam, Chính trị viên phó Đồn BP Làng Mô cho biết thêm, không chỉ có Hồ Bang và Hồ Văn Hùng, từ khi triển khai Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới, rất nhiều bà con dân tộc thiểu số, đặc biệt là những người có uy tín ở xã Trường Sơn đã hăng hái tham gia bảo vệ biên cương như những người lính BP thực thụ.
 

Các chiến sĩ bộ đội Biên phòng và người dân tham gia tuần tra biên giới, bảo vệ mốc quốc giới số 537. 


Không chỉ tham gia tuần tra đường biên, mốc quốc giới cùng với BĐBP, trong những lần đi rừng lấy mật ong, tìm lá thuốc…, người dân xã Trường Sơn còn kết hợp kiểm tra, phát quang cột mốc quốc giới và cung cấp các thông tin liên quan đến công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ cho lực lượng BĐBP.
 
“Trước đây, công tác tổ chức tuần tra đường biên, cột mốc quốc giới, tuần tra bảo vệ an ninh trật tự mặc nhiên được coi là nhiệm vụ của riêng lực lượng BĐBP. Khi triển khai phong trào tự quản, công việc tuần tra đường biên, cột mốc quốc giới và bảo vệ biên cương đã được người dân xã Trường Sơn xác định là nhiệm vụ thiêng liêng và rất tích cực tham gia”, thiếu tá Trần Thanh Nam chia sẻ./.

CTV Phan Phương

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN