Người có uy tín huyện Ba Bể góp phần xây dựng quê hương
(ĐCSVN) - Người có uy tín trên địa bàn huyện Ba Bể (Bắc Kạn) luôn khẳng định vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt họ là những "đầu tàu" trong phát triển kinh tế và thực hiện các Chương trình MTQG đang triển khai trên địa bàn huyện.
Đơn cử như ông Triệu Khải Ngân, dân tộc Dao ở thôn Bản Trù, xã Chu Hương, sau khi sáp nhập thôn Bản Trù và Nà Cà, ông tiếp tục được bầu là Người có uy tín, đồng thời là trưởng thôn, ông đã vận động nhân dân tích cực sản xuất, xóa đói giảm nghèo bằng cách chuyển đất 1 vụ thành 2 vụ, tận dụng đất để trồng các loại cây nông sản cho năng suất cao. Bản thân ông và gia đình đã trồng 5.000m2 và vận động 5 hộ trồng được 6.000 m2 chè cành. Năm 2022, ông vận động đươc 10 hộ trong thôn tham gia tổ trồng bí thơm cho thu nhập cao. Hiện nay, đã có 8 hộ xây được nhà ở và đặc biệt là không còn hộ đói.
Năm 2021, ông đã huy động nhân dân đóng góp 150 triệu đồng để xây nhà văn hóa thôn; cũng trong năm 2021, ông đã vận động nhân dân đóng góp 170 triệu đồng, hiến đất mở đường nội thôn khu Nà Cà tuyến đường 640m; hiến 6.000m2 đất làm tuyến đường Nà Đông - Nà On; hiến 130m2 đất ruộng, 250m2 đất vườn rừng mở được tuyến đường dài 600m từ trung tâm thôn vào khu sản xuất, tổng kinh phí mở đường là 36 triệu đồng; hiến đất để kiên cố hoá 2 tuyến kênh mương với tổng chiều dài 750m. Năm 2019, ông được Chủ tịch UBND tỉnh tặng huy hiệu đã có nhiều đóng góp trong sự nghiệp phát triển của tỉnh Bắc Kạn.
Hay như bà Triệu Thị Dung, dân tộc Tày ở thôn Pác Ngòi, xã Nam Mẫu, là Người có uy tín và là nghệ nhân, bà đã phối hợp cùng Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Kạn tuyên truyền vận động, mở lớp dạy nghề cho bà con nhân dân để bảo tồn nghề dệt thổ cẩm tại địa phương, bước đầu cho thu nhập khoảng 10 triệu đồng/năm. Năm 2022, bà tiếp tục phối hợp với Phòng VH-TT huyện mở 01 lớp với 45 học viên học nghề dệt thổ cẩm và cách tạo ra các sản phẩm phục vụ khách du lịch. Nghề dệt thổ cẩm đã giúp đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, thu hút lượng khách du lịch đến thăm quan và nghỉ lại tại địa phương ngày càng tăng. Ngoài ra bà còn vận động bà con trong thôn đóng góp ngày công và tiền mặt làm đường nông thôn mới với tổng số tiền trên 8,7 triệu đồng và trên 100 ngày công lao động, hoàn thành tuyến đường bê tông dài trên 80m. Cũng như ông Ngân, bà Dung được UBND huyện Ba Bể tặng nhiều giấy khen.
Hiện nay, huyện Ba Bể có 179 thôn, trong đó có 177 Người có uy tín được công nhận, hai người đang được kiện toàn. Đây là lực lượng đặc biệt, có vị trí, vai trò hết sức quan trọng, Những năm qua, các chính sách đối với Người có uy tín tiếp tục được cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai đồng bộ, đầy đủ theo quy định, góp phần động viên, khuyến khích Người có uy tín tích cực phát huy vai trò của mình. Qua đó, đội ngũ những Người có uy tín trên địa bàn huyện Ba Bể luôn gương mẫu và tích cực trong việc tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia giải quyết nhiều vụ việc phức tạp tại cơ sở; là nhân tố tích cực tham gia tố giác, đấu tranh chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần củng cố lòng tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước.
Chính từ sự quan tâm đúng mức của cấp ủy, chính quyền các cấp, Người có uy tín huyện Ba Bể đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình, thật sự là “cánh tay” nối dài của Đảng, Nhà nước trong công tác vận động quần chúng; góp phần đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào DTTS; giúp đồng bào ổn định đời sống, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững và đóng góp xây dựng quê hương./.