Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Người có uy tín - “điểm tựa" của đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ Năm, 16/11/2023 10:00 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Những đóng góp của ông Lâm Đây - người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở ấp Ba Ven, xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước đã góp phần giúp người dân nơi đây có cuộc sống ngày càng phát triển.

Đối với đồng bào dân tộc Khmer ở ấp Ba Ven, xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, hình ảnh ông Lâm Đây - người có uy tín luôn rất thân thương, là hình mẫu để bà con noi theo. Những việc làm của ông Lâm Đây đã mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, văn hóa cũng như thay đổi tập tục sinh hoạt trong đời sống hàng ngày của người dân nơi đây. Ông Lâm Đây tâm sự: để dần thay đổi nếp ăn, nếp nghĩ của bà con không phải là chuyện một sớm một chiều, bản thân ông và gia đình luôn gương mẫu thực hiện cuộc sống văn minh để người dân học tập, làm theo.

Ông Lâm Đây - người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ấp Ba Ven, xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh 

Đồng bào dân tộc thiểu số Khmer ở Lộc Khánh phát triển kinh tế dựa vào sản xuất lúa nước là chủ yếu. Tuy nhiên đa số người dân sử dụng các loại giống lúa truyền thống năng suất thấp. Bản thân ông Lâm Đây đã đưa giống lúa mới ST28 về trồng trên diện tích đất ruộng của gia đình, sau khi thu hoạch thấy hiệu quả cao nên ông đã vận động bà con đưa giống lúa mới này vào sản xuất đại trà và tham gia vào hợp tác xã nông nghiệp của xã để sản xuất lúa sạch theo hướng bền vững, từ đó giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định từ trồng lúa.

Ông Lâm Đây vận động người dân tham gia lớp truyền dạy nghề đan lát 

Ngoài việc hướng dẫn bà con làm kinh tế, bản thân ông luôn đi đầu và vận động người dân trong ấp xây dựng khu dân cư văn hóa, xanh, sạch, đẹp như: vận động người dân hiến đất làm đường, di dời chuồng trại chăn nuôi ra xa khu dân cư, xây dựng nếp sống văn minh trong các ngày lễ, tết; duy trì các hoạt động văn hóa truyền thống của người dân tộc Khmer như múa Nông thông, nhạc ngũ âm. Các lễ hội truyền thống của người dân tộc thiểu số Khmer như lễ hội xuống đồng, lễ hội phá bàu cũng được ông vận động người dân trong ấp hưởng ứng tham gia.

Đối với đồng bào dân tộc thiểu số Khmer thì những vật dụng truyền thống từ mây tre để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày của mỗi gia đình như: gùi, nia, rổ, rá, nơm cá… là không thể thiếu. Tuy nhiên thời gian gần đây, số hộ duy trì nghề đan lát truyền thống này không nhiều do thanh niên không còn đam mê với nghề mà chọn đi làm tại các công ty, xí nghiệp; những người có kinh nghiệm thì đã lớn tuổi, cộng với vật liệu để làm các sản phẩm mây tre đan ngày càng khan hiếm nên nghề truyền thống này đang đứng trước nguy cơ ngày càng bị mai một - ông Lâm Đây chia sẻ.

Để duy trì nghề đan lát truyền thống của dân tộc mình cho các thế hệ sau gìn giữ, ông Lâm Đây đã mạnh dạn đưa những trăn trở, tâm huyết của bản thân trình bày với lãnh đạo xã Lộc Khánh và đã được chính quyền xã ghi nhận, tạo điều kiện giúp đỡ bằng việc mở lớp truyền dạy nghề đan lát cho người dân và thông kết nối với các kênh du lịch cộng đồng tại địa phương để quảng bá, tìm đầu ra cho các sản phẩm của người dân sản xuất ra đến với nhu khách thập phương.

Ông Đào Quốc Ngữ - Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Khánh cho biết, hiện tại, xã đang tiếp tục xây dựng và quảng bá du lịch cộng đồng, thu hút đông đảo du khách đến với địa phương thông qua hoạt động trải nghiệm các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer và quảng bá các sản phẩm nghề mỹ nghệ do chính tay người dân làm ra, từ đó giúp người dân có thêm nguồn thu nhập từ hoạt động phục vụ du lịch cộng đồng.

Những đóng góp của ông Lâm Đây đã góp phần giúp người dân nơi đây có cuộc sống ngày càng phát triển, cùng địa phương xây dựng nông thôn mới, để xã Lộc Khánh anh hùng ngày một đổi thay, phát triển giàu đẹp./. 

CTV Kiều Linh – Văn Hùng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN