Người có uy tín - Cầu nối “Ý Đảng, lòng dân”
(ĐCSVN) - Trong những năm qua, người có uy tín trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế -xã hội, đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, trở thành lực lượng nòng cốt, là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy Đảng, chính quyền với Nhân dân.
Ban Dân tộc Đắk Lắk thường niên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho người có uy tín. Ảnh: Hoàng Lê |
Hiện nay toàn tỉnh có 942 người có uy tín (nam 889 người và nữ 53 người) trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó người lớn tuổi nhất là 92 tuổi, nhỏ tuổi nhất 29 tuổi. đóng vai trò to lớn trong công tác vận động ĐBDTTS xây dựng Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị cơ sở, xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Thời gian qua, Bên cạnh đó, người có uy tín còn là nhân tố quan trọng trong việc giải quyết những mâu thuẫn phát sinh tại các thôn, buôn, tham gia hòa giải ở cơ sở, giải quyết những vụ việc mâu thuẫn xảy ra trong dòng tộc, gia đình. Người có uy tín đã thật sự trở thành trung tâm của sự đoàn kết, là nơi trao gửi niềm tin của Nhân dân, giúp bà con tháo gỡ những mâu thuẫn, vướng mắc xảy ra trong đời sống…
Ông Lê Ngọc Vinh, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk chia sẻ: người có uy tín là cầu nối ý Đảng, lòng dân, là trung tâm đoàn kết của cộng đồng các dân tộc trong các buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số. người có uy tín trên địa bàn tỉnh đã luôn đi đầu trong các phong trào thi đua, sản xuất, thực hành tiết kiệm, xóa đói, giảm nghèo. Tích cực vận động bà con tham gia các phong trào của địa phương, tuyên truyền cho bà con nâng cao ý thức cảnh giác trước âm mưu, hoạt động chia rẽ khối đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch, phản động. Chính sự tâm huyết, trách nhiệm, tự giác, gương mẫu của lực lượng người có uy tín đã lan tỏa mạnh mẽ đến nhận thức, làm chuyển biến hành động của cộng đồng các dân tộc thiểu số ở buôn làng.
Nhằm phát huy vai trò người có uy tín, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai hiệu quả các chính sách dành cho người có uy tín trên địa bàn như: trong năm 2022 đã tổ chức 5 hội nghị phổ biến, cung cấp thông tin cho hơn 300 người có uy tín; tổ chức 9 hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho hơn 660 người có uy tín; tổ chức 11 Đoàn người có uy tín đi giao lưu, học tập kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh; tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho 881 người có uy tín nhân dịp Tết Nguyên đán năm 2022; hỗ trợ, thăm hỏi, thăm viếng 156 trường hợp người có uy tín gặp khó khăn, bị ốm đau, người có uy tín và thân nhân người có uy tín qua đời; kịp thời gặp mặt, biểu dương, khen thưởng người có uy tín có thành tích xuất sắc trong các hoạt động…
Trao giấy khen cho người có uy tín vùng DTTS. Ảnh: Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk |
Thời gian tới, Ủy ban dân tộc sẽ phối hợp với các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm, chăm lo, phát huy vai trò của người có uy tín; tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; chăm lo đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023; triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực phát triển cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, tiếp tục phát huy vai trò, vị trí của người có uy tín trong việc tuyên truyền, vận động Nhân dân vùng ồng bào dân tộc thiểu số chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển sản xuất và làm giàu chính đáng; tham gia hưởng ứng tích cực các Chương trình xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt là phát huy vai trò của người có uy tín trong việc tham gia vận động Nhân dân tổ chức, thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; phát huy vai trò giám sát cộng đồng trong tổ chức, triển khai thực hiện các chương trình, để mỗi người có uy tín thực sự là tấm gương sáng ở cộng đồng trong các phong trào ở cơ sở./.