Người cao tuổi phải là tấm gương sáng cho con cháu học tập
(ĐCSVN) – Dù tuổi đã cao nhưng phát huy vai trò là đảng viên, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã, người có uy tín trong cộng đồng, bác Nông Quốc Vượng vẫn miệt mài góp sức đóng góp cho sự phát triển của quê hương. Ông đã nêu tấm gương sáng về phát triển kinh tế...
Được bà con xóm Lũng Diểu suy tôn làm người có uy tín trong cộng đồng và được hội viên Hội Người cao tuổi bầu giữ chức Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Công Trừng, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng từ năm 2012, bản thân bác Nông Quốc Vượng và gia đình luôn chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy ước, hương ước của thôn xóm đề ra. Thế nhưng với bác Vượng, như vậy vẫn là chưa đủ, mà cần phải làm gương cho người dân noi theo.
Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Công Trừng Nông Quốc Vượng - Ảnh: Minh Châu
“Tôi dù đã cao tuổi, sức đã yếu, không còn nhanh nhẹn, hoạt bát như trước nhưng vẫn có nhiều cách để giúp ích cho đời, giúp sức cho thế hệ trẻ. Truyền thống của người Việt Nam ta là kính trọng người cao tuổi ngược lại, người cao tuổi cũng phải là tấm gương cho con cháu thì con cháu mới thật sự nể phục. Việc nêu gương phải xuất phát từ trong gia đình, rồi mới ra đến xóm thôn, làng xã”, bậc cao niên đã bước sang tuổi 68 nói.
Chính từ suy nghĩ này mà không chỉ gia đình bác Vượng tích cực tăng gia sản xuất để cải thiện cuộc sống với tổng thu nhập trừ chi phí đạt trên 200 triệu đồng/năm mà bác còn dành thời gian tuyên truyền, vận động người dân trong xóm Lũng Diểu thay đổi lối canh tác vốn đã “ăn sâu, bám rễ” nhưng không mấy hiệu quả.
“Xóm Lũng Diểu nơi tôi sinh sống hiện có 63 hộ với 267 nhân khẩu. Xóm có 6 dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Kinh, Mường cùng sinh sống. Với 46 ha đất sản xuất, trong đó có 20 ha đất ruộng 1 vụ, 26 ha đất rẫy trồng ngô, bà con trong thôn kiếm sống chủ yếu bằng nông nghiệp, trồng lúa, trồng ngô là chính. Gắn bó với nghề này, ai cũng biết là rất vất vả rồi nhưng với người dân Lũng Diểu còn gian nan hơn do thiếu đất canh tác, địa hình phức tạp, nước phục vụ cho sản xuất phụ thuộc hoàn toàn vào nước mưa. Trong khi đó, giao thông đi lại không thuận lợi nên đời sống của người dân còn rất nhiều khó khăn. Năm 2014, xóm tôi có 16/63 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 25,4%”, bác Vượng kể về quê mình.
Thấu hiểu cái khó, cái khổ của bà con nên Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Công Trừng đã không quản đường đèo, dốc núi, không quản lưng đã còng, chân đã mỏi để vận động từng nhà áp dụng khoa học kỹ thuật, tăng gia sản xuất, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh tăng vụ, từ một vụ lúa, ngô lên 1 vụ lúa, 3 vụ ngô và trồng thêm cây thuốc lá. Cách làm này đã giúp nhiều hộ tăng thêm thu nhập đáng kể cho gia đình, từ đó đã thoát khỏi cảnh hộ nghèo, thiếu trước, hụt sau, có hộ còn trở thành điển hình sản xuất giỏi.
“Tôi vẫn còn nhớ có hộ khi tôi tìm đến trong nhà chẳng có gì đáng giá, con cái đau ốm, nheo nhóc do không có điều kiện chăm sóc chu đáo. Thấy tình cảnh này tôi thương lắm, vận động các cháu đời mình đã nghèo rồi thì không thể cam chịu để đời con, đời cháu phải khổ nữa, cũng là mảnh đất đấy phải chăn nuôi khác đi, trồng cấy khác đi, có khúc mắc, khó khăn gì đã có cán bộ, chính quyền lo. “Mưa dầm, thấm lâu”, xóm Lũng Diểu từ năm 2014 đến năm 2016 đã giảm được 6 hộ nghèo. Hiện nay xóm chỉ còn 10 hộ nghèo nữa thôi”, người đàn ông dân tộc Tày chia sẻ.
Cùng với vận động bà con phát triển kinh tế, bác Vượng còn chủ động trao đổi thường xuyên với bí thư chi bộ, trưởng xóm, trưởng ban công tác Mặt trận và các đoàn thể trong xóm nhằm tuyên truyền, vận động bà con các dân tộc chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
“Bản thân tôi cũng như người dân Lũng Diểu thấy đó đều là những việc làm cần thiết mà có thể cụ thể hóa trước hết ở việc trau dồi đạo đức, duy trì lối sống giản dị, hòa đồng với bà con lối xóm. Với người đảng viên thì phải chấp hành nghiêm quy định “về những điều đảng viên không được làm”; thực hiện việc nói đi đôi với làm, bảo nhau không nghe theo các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của các thế lực thù địch nói xấu chế độ, nói xấu Đảng và Nhà nước và cùng chung tay giữ gìn bản sắc các dân tộc”, bác Vượng nói.
Với vai trò là người có uy tín trong cộng động dân cư, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã, bác Vượng tự nhủ phải cố gắng đầu tư thời gian, nghiên cứu thêm tài liệu, đọc sách báo để tuyên truyền đến cán bộ, hội viên và quần chúng nhân dân một cách ngắn gọn, thiết thực để ai nấy đều thấy dễ nhớ, dễ hiểu, từ đó dễ dàng làm theo cũng như giải thích, phản biện với những quan điểm sai trái.
Riêng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, bác Vượng đã vận động các hộ dân hiến đất, góp công lao động và tiền của để làm đường, góp phần để thôn xóm khang trang hơn, người dân đi lại dễ dàng hơn. Kết quả là dù kinh tế còn eo hẹp nhưng người dân trong xóm đã hiến gần 1.000m2 đất, đóng góp được gần 37 triệu đồng để mua vật liệu cùng 2.062 ngày công để có được 1.261m đường bê tông nông thôn rộng từ 1,5m đến 3m, gần 100m kênh mương phục vụ sản xuất nông nghiệp trong đó, riêng gia đình bác Vượng đã tình nguyện hiến gần 300 m2 đất và hơn 2 triệu đồng tiền mặt. Cùng với đó, 14/14 hộ dân trong thôn đều đồng ý di dời gia súc ra khỏi gầm sàn nhà. 63/63 hộ gia đình đều không sinh con thứ 3, không có tệ nạn xã hội, không có người theo đạo trái phép.
Gặp bác Nông Quốc Vượng tại chương trình gặp mặt các già làng, trưởng bản, đảng viên tiêu biểu do Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức, bác Vượng chỉ khiêm tốn: “là đảng viên, người có uy tín trong cộng đồng, tôi luôn trăn trở làm thế nào để cho gia đình mình, họ hàng, làng xóm mình cùng nhau vươn lên thoát nghèo và làm giàu xây dựng quê hương. Vậy nên tôi tự thấy những đóng góp của tôi cũng chưa có gì nhiều”.