Ngọc Hiển (Cà Mau): Nhiều mô hình hay trong học và làm theo Bác
(ĐCSVN) - Xác định việc học và làm theo Bác gắn với triển khai nhiệm vụ chính trị tại địa phương, huyện Ngọc Hiển đã chỉ đạo các Đảng ủy, chi bộ trực thuộc đăng ký nội dung đột phá, mô hình học tập và làm theo. Đến nay, các đơn vị đã đăng ký 240 nội dung đột phá và mô hình tiêu biểu. Qua quá trình thực hiện cho thấy phần lớn các mô hình đều được phát huy, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Chủ nhiệm hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Rạch Thọ Nguyễn Tấn Lợi (ngoài cùng bên phải) chia sẻ về hiệu quả của mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến 2 giai đoạn. |
Huyện Ngọc Hiển có diện tích tự nhiên là 73.463 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp 61.804 ha, diện tích có rừng ngập mặn 33.145 ha, cùng với hệ thống sông, rạch chằng chịt thông ra biển rất thuận lợi cho phát triển các loại hình nuôi trồng thủy sản kết hợp với trồng rừng. Huyện Ngọc Hiển có tổng số 11.379 hộ nuôi trồng thủy sản, trong đó diện tích nuôi quảng canh cải tiến 27.105 ha, nuôi tôm thâm canh 336 ha, nuôi tôm sinh thái 21.102 ha (diện tích nuôi tôm tôm sinh thái được chứng nhận 12.466ha/2.685 hộ) còn lại là diện tích nuôi tôm - rừng kết hợp. Tính đến nay, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 93.688 tấn, trong đó, sản lượng tôm đạt 56.092/119.450 tấn, đạt 46,95% chỉ tiêu. Dự kiến đến cuối nhiệm kỳ đạt 100% chỉ tiêu Nghị quyết.
Theo Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Ngọc Hiển - Hồng Chí Tín: Huyện xác định việc học tập và làm theo Bác kết hợp với việc triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị là nhiệm vụ trong tâm cần phải thực hiện bằng các nội dung đột phá, những vấn đề bức xúc, nổi cộm để tập trung chỉ đạo triển khai trong thực tế. Từ đó, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành 14 văn bản chuyên đề, cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện các cấp, trong đó đưa ra Nghị quyết về phát triển nuôi trồng thủy sản nội địa huyện Ngọc Hiển, giai đoạn 2021 - 2025 để toàn huyện tập trung thực hiện.
Bên cạnh đó, huyện cũng chỉ đạo các đảng ủy, chi bộ trực thuộc đăng ký nội dung đột phá, mô hình học tập và làm theo Bác. Đến nay, các đơn vị đã đăng ký 240 nội dung đột phá, mô hình. Qua quá trình thực hiện cho thấy phần lớn các mô hình đều được phát huy, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Vừa dẫn chúng tôi đến tham quan một số mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu của huyện, đồng chí Hồng Chí Tín cho biết, những mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến 2 giai đoạn hay mô hình nuôi chồn hương, mô hình phát triển du lịch cộng đồng… đều mang lại hiệu quả kinh tế cao, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con nông dân. Các mô hình này đều là những mô hình tiêu biểu được Huyện ủy tuyên dương.
Để khai thác hết tiềm năng và lợi thế sẵn có của địa phương, năm 2021 Huyện ủy Ngọc Hiển ban hành Nghị quyết số 05-NQ/HU về nâng cao năng suất chất lượng nuôi trồng thủy sản nội địa, giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, xác định loại hình nuôi quảng canh cải tiến 02 giai đoạn kết hợp một số loài thủy sản dưới tán rừng là phù hợp với tình hình thực tế địa phương, nhằm nâng cao năng suất, sản lượng, bảo vệ môi trường, từng bước tạo ra sản phẩm sạch đáp ứng nhu cầu thị trường và góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Cụ thể, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh xây dựng Sổ tay kỹ thuật nuôi tôm sú quảng canh cải tiến 02 giai đoạn kết hợp một số loài thủy sản dưới tán rừng. Tăng cường công tác tập huấn, tiếp nhận chuyển giao khoa học - kỹ thuật đến người nuôi trồng thủy sản bằng nhiều hình thức; hướng dẫn người dân cài đặt phần mềm ứng dụng Nông nghiệp Cà Mau để tra cứu các thông tin về tình hình nuôi trồng thủy sản, hỗ trợ kê khai sản xuất ban đầu, khuyến cáo lịch mùa vụ sản xuất; thành lập 07 Tổ công nghệ số và Khuyến nông cộng đồng các xã, thị trấn. Hằng năm tổ chức các cuộc Hội nghị nhân rộng mô hình cấp huyện các cuộc cấp xã; tổ chức 01 cuộc Hội thảo về thực trạng và giải pháp nuôi tôm sinh thái theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; xây dựng 05 dự án nuôi tôm sú quảng canh cải tiến 02 giai đoạn kết hợp một số loài thủy sản dưới tán rừng.
Do đó, hiện nay phong trào nuôi tôm theo hình thức quảng canh cải tiến 2 giai đoạn phát triển khá mạnh mẽ và bước đầu đã cho kết quả khá cao. Bên cạnh đó, huyện Ngọc Hiển đã tiến hành liên kết với các Công ty chế biến xuất nhập khẩu triển khai các mô hình nuôi tôm sinh thái được chứng nhận, đến nay đã chứng nhận 12.446 ha/2.685 hộ, tăng 24,9% so với năm 2020.
Đến thăm mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến 2 giai đoạn của hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Rạch Thọ, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, theo Chủ nhiệm hợp tác xã Nguyễn Tấn Lợi: “hiện đang là thời điểm bà con đang cải tạo ao đầm cho nên nhu cầu về giống tôm giảm, bởi vậy để đảm bảo cho con giống sinh trưởng, phát triển hiện đa phần các hội viên đều đang dành thời gian để cải tạo môi trường nuôi”.
Theo ông Lợi, được sự quan tâm của các cấp, chính quyền huyện Ngọc Hiển và xã Đất Mũi, khi Hợp tác xã thành lập đã nhận được sự hỗ trợ về vốn, hoa học kỹ thuật, giúp hội viên hợp tác xã yên tâm hoạt động. Hiện, hợp tác xã có 22 thành viên. Năm 2021 và 2022, nhiều vụ giống tôm đạt hiệu quả từ 85 đến 90%. Nhờ vậy thu nhập của bà con nâng cao và ổn định. Nhiều bà con thấy hiệu quả đã chủ động xin ra nhập hợp tác xã, để đồng hành cùng nhau trong phát triển kinh tế.
Mô hình du lịch cộng đồng ở kênh 17, ấp Rạch Thọ, xã Đất Mũi dù mới được đưa vào khai thác nhưng đã mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân. |
Ngoài những mô hình nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả nêu trên, hiện nay mô hình nuôi chồn hương được xem là mô hình mới, tính hiệu quả khá cao, đang được nhiều hộ dân mạnh dạng đầu tư để phát triển kinh tế hộ gia đình, đây là ngành kinh tế chủ lực của nhiều hộ dân ở Ngọc Hiển. Tính đến nay, tổng số hộ nuôi chồn hương có đăng ký là 618 hộ/10.007 con, tăng 601 hộ/9.163 con so với năm 2020; những gia đình nuôi chồn hương chủ yếu là hộ nông dân và các Hợp tác xã (04 HTX nuôi, với 51 thành viên).
Ông Nguyễn Văn Phúc, Chủ nhiệm hợp tác xã chồn hương Viên An ở xã Viên An cho biết: Dù mới được thành lập được 3 năm, hiện với 18 thành viên. Thời gian qua, Chủ nhiệm hợp tác xã đã cùng các hội viên trong hợp tác xã đã liên kết chặt chẽ với nhau, hỗ trợ nhau về con giống, xây dựng thương hiệu, nhờ vậy sản phẩm của hợp tác xã đã có chỗ đứng trên thị trường. So với nuôi trồng thủy hải sản truyền thống, việc nuôi chồn hương cho hiệu quả kinh tế cao hơn.
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Ngọc Hiển cho biết: Các mô hình kinh tế hiệu quả được Huyện ủy tiếp tục xem xét nhân rộng, phát triển để đông đảo bà con nhân dân triển khai thực hiện. Mặt khác, Huyện cũng kêu gọi bà con chủ động, tích cực triển khai các mô hình mới để nâng cao năng suất cũng như thu nhập cho bà còn, thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Ngọc Hiển đã đề ra./..