Nghiên cứu chế phẩm bảo vệ gan từ cây dứa dại
(ĐCSVN) - Từ quả dứa dại, nhóm tác giả của Trường Đại học Khoa học tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội, đã nghiên cứu và hoàn thiện quy trình chiết xuất cao toàn phần, có tác dụng kháng viêm và bảo vệ gan.
Hiên nay, các bệnh lý về gan phổ biến nhất ở Việt Nam là rối loạn chức năng gan, tăng men gan, viêm gan, áp xe gan, xơ gan và ung thư gan. Một số thuốc bảo vệ gan được nhập vào Việt Nam như silymarin, biphenyldimethyl dicarboxilat có tác dụng tương đối tốt, song giá thành cao, chưa phù hợp với điều kiện kinh tế của đa số người bệnh khi phải dùng thuốc dài ngày. Trong khi đó, các sản phẩm có nguồn gốc từ thảo dược giúp bảo vệ gan trong giai đoạn sớm, điều trị bệnh gan kịp thời, có thể sử dụng thường xuyên vì an toàn, ít tác dụng phụ.
Một số cây thuốc của Việt Nam chứa nhiều hoạt chất đã được khẳng định về khả năng bảo vệ gan được dùng trong y học cổ truyền để điều trị bệnh gan, trong đó có cây dứa dại mọc tự nhiên ở một số tỉnh miền núi phía Bắc. Trong đông y, lá, đọt non, rễ dứa dại thường được dùng làm thuốc lợi tiểu, chữa viêm đường tiết niệu, huyết áp,… Ngoài ra, quả và rễ dứa dại có thể dùng kết hợp với một số thảo dược khác để điều trị viêm gan, xơ gan.
Một số loài dứa dại tại Việt Nam. Ảnh: NNC |
Tuy nhiên, đến nay chưa có công trình khoa học nào tại Việt Nam hay trên thế giới công bố về thành phần hóa học cũng như các tác dụng dược lý của quả dứa dại Bắc Bộ. Vì vậy, nhóm tác giả của Trường Đại học Khoa học tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu quy trình chiết xuất cao toàn phần có tác dụng kháng viêm, bảo vệ gan từ quả dứa dại (Pandanus tonkinensis Mart. ex B Stone)”.
Cụ thể, nhóm tác giả đã phân lập, xác định được thành phần hóa học của 14 hợp chất có trong quá dứa dại. Các hợp chất đã phân lập thuộc nhóm lignan (4 chất), neolignan (2 chất), flavan (1 chất), lignan glycoside (4 chất), phenylpropanoic glycoside (2 chất) và megastigmane glycoside (1 chất). Đây là những nhóm chất có các hoạt tính sinh học có khả năng chống oxy hóa, kháng viêm, tác dụng bảo vệ gan.
Ngoài ra, nhóm đã chiết xuất, tinh chế được 2 hợp chất chính Pinoresinol 4-O-beta-D- glucopyranoside và Vladinol F, làm chất đối chiếu cho kiểm nghiệm dược liệu và chế phẩm.
Nhóm còn xây dựng quy trình bào chế cao toàn phần từ quả dứa dại. Theo đó, bột dứa dại khô được chiết hồi lưu với dung môi EtOH 40%, trong thời gian 4 giờ 30 phút ở nhiệt độ 40oC. Dịch chiết thu được tiếp tục cô quay chân không thành cao lỏng, sau đó cô cách thủy thành cao đặc dứa dại.
Kết quả của Viện Kiểm thuốc TP Hồ Chí Minh cho thấy, các chỉ tiêu chất lượng và hàm lượng Pinoresinol 4-O-beta-D- glucopyranoside và Vladinol F trong cao là 1 mg/gr, đáp ứng tiêu chuẩn cơ sở.
Cao chiết từ dứa dại. Ảnh: NNC |
Trong thử nghiệm trên mô hình chuột bị gây xơ gan, cao an toàn, không thể hiện độc tính cấp và khi uống liên tục trong 90 ngày. Cao có tác dụng cải thiện chức năng gan trên chuột thí nghiệm.
Theo GS. TS Phạm Hùng Việt, Chủ nhiệm đề tài, để tiến tới sản phẩm thương mại hóa, cần tiếp tục thực hiện nghiên cứu bào chế các chế phẩm thích hợp cho việc sử dụng trên cơ sở nguyên liệu cao hoặc dược liệu đã được tiêu chuẩn hóa.
Đề tài của nhóm tác giả đã được Sở KH&CN TP Hồ Chí Minh nghiệm thu, kết quả đạt.