Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Nghĩ về việc Cảnh sát giao thông trưng dụng tài sản

Thứ Năm, 04/02/2016 12:57 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Nhằm tạo điều kiện cho Cảnh sát giao thông khi thi hành nhiệm vụ điều tiết giao thông, ngăn cản hành vi vi phạm pháp luật của người tham gia giao thông và trấn áp tội phạm, Bộ Công an ban hành Thông tư số 01/2016 cho phép Cảnh sát giao thông được quyền trưng dụng tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, quy định này đang có nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận và các chuyên gia pháp lý.

Ảnh minh họa. (Ảnh: Bá Đô)

Thông tư 01/2016 của Bộ Công an có hiệu lực từ ngày 15/2/2016 cho phép Cảnh sát giao thông được trưng dụng các loại phương tiện giao thông; phương tiện thông tin liên lạc; các phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển, sử dụng các phương tiện, thiết bị đó theo quy định của pháp luật.

Việc Bộ Công an cho phép Cảnh sát giao thông được trưng dụng tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân, được xem như việc tạo điều kiện thuận lợi cho Cảnh sát giao thông khi thi hành nhiệm vụ điều tiết giao thông, ngăn cản hành vi vi phạm pháp luật của người tham gia giao thông và trấn áp tội phạm.

Nhưng soi chiếu với quy định của Hiến pháp, Bộ luật Dân sự và Luật trưng mua, trưng dụng tài sản, thì việc cho phép Cảnh sát giao thông được quyền trưng dụng tài sản là sự “xung đột về pháp lý”, nếu không muốn nói là có dấu hiệu vượt thẩm quyền!

Theo khoản 1, Điều 4 Luật trưng mua, trưng dụng tài sản, thì việc trưng mua, trưng dụng dụng tài sản chỉ được thực hiện trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia.

Ngoài ra, tại khoản 1, Điều 24 “Thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản” Luật trưng mua, trưng dụng tài sản quy định: Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Công thương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình quyết định trưng dụng tài sản.

Để tránh việc lạm quyền hoặc có quá nhiều chủ thể ra quyết định trưng dụng tài sản, Luật trưng mua, trưng dụng tài sản quy định không được phân cấp (không được ủy quyền – P.V) thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản.

Liên quan đến quyền tài sản và quyền trưng dụng tài sản, về nguyên tắc là phải ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành, còn nếu luật chuyên ngành không quy định thì phải áp dụng luật chung.

Dư luận và các chuyên gia pháp lý chưa đồng tình với quy định cho phép Cảnh sát giao thông được trưng dụng tài sản, còn cơ quan soạn thảo Thông tư 01/2016 cũng chưa có quyết định tạm dừng hoặc lùi thời điểm thực hiện quyền trưng dụng tài sản.

Việc góp ý, phản biện những quy định mới liên quan trực tiếp đến người dân, cơ quan, tổ chức là việc bình thường, không ngoài mục đích để pháp luật phù hợp với thực tiễn cuộc sống./.

Đăng Dương

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN