Nghĩ về việc cản trở, hành hung nhà báo!
(ĐCSVN) - Nhà báo bị cản trở, hành hung khi tác nghiệp, việc đã xảy ra nhiều, dường như đều có một điểm chung: Sợ báo chí công khai sự thật mà họ đang muốn giấu giếm!
Thông tin nhà báo Trần Quang Thế (Báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh) bị cản trở, hành hung khi đang tác nghiệp tại cầu Nhật Tân (Hà Nội) làm “nóng” báo chí và cộng đồng mạng hai ngày qua.
Sáng ngày 23/9, nhận thông tin phản ánh của bạn đọc và sự chỉ đạo của cơ quan, nhà báo Trần Quang Thế đến khu vực cầu Nhật Tân tìm hiểu việc một lái xe taxi tử vong bên dưới chân cầu Nhật Tân.
Đến hiện trường, anh Thế không thấy có biển thông báo cấm chụp ảnh, ghi hình, lực lượng chức năng cũng không căn dây bảo vệ hiện trường, rất nhiều người dân hiếu kỳ đứng trên cầu quan sát, dùng điện thoại chụp ảnh, quay phim vụ việc. Nhà báo Quang Thế cũng đưa máy ảnh ra chụp ảnh thì có một chiến sĩ công an ra nói không được chụp
Sau khi xuất trình giấy tờ chứng minh việc báo chí được quyền tác nghiệp ở nơi không phải là khu vực cấm, nhà báo Trần Quang Thế chụp ảnh thì bị một nhóm người, lao vào cản trở, hành hung. Nhà báo Trần Quang Thế bị đánh chảy máu mồm, bị đấm vào đầu được đồng nghiệp chụp ảnh, ghi hình
Chiều 23/9, Thượng tá Phạm Nam Thắng, Đội trưởng Đội cảnh sát hình sự Công an huyện Đông Anh (Hà Nội), đã đến Văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ tại Hà Nội để xin lỗi báo Tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh và nhà báo Trần Quang Thế vì cán bộ chiến sĩ của đơn vị đã có “thái độ không đúng”.
Cũng theo thông tin từ báo Tuổi trẻ, Thượng tá Thắng thừa nhận cán bộ chiến sĩ của đơn vị đã có “thái độ không đúng” và cho biết “đây là những cán bộ trẻ, có thể do bị áp lực vì lúc đang làm ở hiện trường rất đông người hiếu kỳ tụ tập xem nên hành xử không đúng”!
Việc xác minh tìm người trực tiếp cản trở, hành hung nhà báo, rồi đây cơ quan công an sẽ có kết luận chính xác. Trong khi chờ đợi kết luận, việc công an chủ động xin lỗi cơ quan báo chí, nhà báo, là cách ứng xử có tránh nhiệm.
Song, công luận mong rằng, Công an huyện Đông Anh, Hà Nội cần sớm xác minh những người đã tham gia hành hung nhà báo và "xử lý nghiêm dù người hành hung phóng viên là ai", theo đúng chỉ đạo của Giám đốc Công an TP Hà Nội.Ở góc nhìn khác, “ thái độ không đúng” của “cán bộ trẻ” (theo lời của Thượng tá Thắng) vẫn không đủ sức thuyết phục. Bởi lẽ, đã là cán bộ chiến sĩ khi vào ngành Công an đều đã được đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục. Cái chính là việc đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục và rèn luyện như thế nào để rồi gặp nhà báo lại hành xử như trường hợp nêu trên?!
Nhà báo bị cản trở, hành hung khi tác nghiệp, việc đã xảy ra nhiều, dường như đều có một điểm chung: Sợ báo chí công khai sự thật mà họ đang muốn giấu giếm!
Nghề báo, nghề nguy hiểm, khi chấp nhận làm nghề, tất cả đều phải dấn thân...