Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Nghĩ về nguồn tài nguyên không thể tái tạo!

Thứ Bảy, 20/05/2017 17:39 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Đất đai là nguồn tài nguyên không thể tái tạo, mỗi khi sử dụng đất, dù là diện tích rất nhỏ cũng cần phải tính và nghĩ đến tương lai. Quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân.


Ảnh minh họa. ( Nguồn: laodong.com.vn)

Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở tầm quốc gia và mỗi địa phương đã được luật hóa nhiều năm nay nhằm mục đích quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên không thể tái tạo.

Theo Luật Đất đai năm 2013, việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, cấp tỉnh được thực hiện thông qua hình thức công khai thông tin về nội dung của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện được thực hiện thông qua hình thức tổ chức hội nghị, lấy ý kiến trực tiếp và công khai thông tin về nội dung của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Với cơ quan quản lý nhà nước, việc minh bạch thông tin trong các công đoạn quản lý đất đai như: lập quy hoạch sử dụng đất, quyết định giá đất, thu hồi đất, thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư... cũng là yêu cầu bắt buộc và đã được luật hóa.

Hành lang pháp lý tương đối chặt chẽ, nhưng khi triển khai trong thực tế, không ít địa phương làm hình thức: Ít quan tâm đến ý kiến góp ý, phản biện và quyền giám sát của nhân dân; việc công khai, minh bạch thông tin về các công đoạn quản lý đất đai có khi lại thực hiện ở những nơi mà nhân dân ít có cơ hội tiếp cận hoặc thông tin chưa đầy đủ.

Thực tế cho thấy, việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai ở một số địa phương còn tùy tiện, buông lỏng dẫn đến tình trạng dự án “treo”, đất bỏ hoang hóa... ngày càng nhiều.

Nhằm ngăn chặn hiện tượng lãng phí, tham nhũng đất đai, Luật Đất đai đưa ra nguyên tắc thu hồi đất theo quy hoạch và thực hiện đấu giá đất với 8 trường hợp. Nhiều địa phương đã thực hiện tốt việc đấu giá đất nhằm đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách, đưa giá đất đúng với giá thị trường, ngăn chặn hiện tượng tham nhũng đất đai. Tuy nhiên, cũng có không ít địa phương (đặc biệt là ở đô thị lớn) chưa coi trọng việc đấu giá đất, đặc biệt là “đất vàng”, đất nhà nước thu hồi do sắp xếp lại, xử lý trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp mà tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước đã không thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất.

Cùng với đó, hiện nay các nông, lâm trường đang quản lý diện tích đất đai lớn, song không ít nơi sử dụng đất kém hiệu quả, giao khoán sử dụng sai mục đích, sai đối tượng dẫn đến thất thoát, lãng phí tài nguyên đất đai.

Việc tổ chức, thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý đất đai của nông, lâm trường đang còn nhiều tồn tại như: Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đất đai chưa được triển khai đồng đều ở các khu vực, nhiều nơi còn mang tính hình thức, kém hiệu quả, nhất là các vùng sâu, vùng xa, vùng có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đây chính là địa bàn của phần lớn các nông, lâm trường và công ty nông, lâm nghiệp. Công tác kiểm tra, thanh tra việc thi hành pháp luật về đất đai tại nông, lâm trường chưa được chỉ đạo thường xuyên; vai trò của chính quyền các cấp trong việc phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm trong quản lý, sử dụng đất tại các nông, lâm trường còn rất hạn chế. Không ít nơi còn xảy ra tình trạng tranh chấp đất đai giữa công ty nông lâm nghiệp và người dân dưới nhiều hình thức: lấn chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng công trình trái phép, cho thuê, giao khoán đất không đúng quy định, không thực hiện hoặc chậm thực hiện các nghĩa vụ tài chính về đất đai…

Đất đai là nguồn tài nguồn tài nguyên không thể tái tạo, mỗi khi sử dụng đất, dù là diện tích rất nhỏ cũng cần phải tính và nghĩ đến tương lai. Chính vì thế, quản lý, sử dụng đất đai một cách hiệu quả, tạo ra sự phát triển bền vững là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân. Giải pháp cho vấn đề này là tiếp tục hoàn thiện khung pháp luật về đất đai để vừa không tạo ra những khoảng trống, vừa phù hợp với thực tế của cuộc sống; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc sử dụng đất đai để ngăn chặn, xử lý kịp thời và nghiêm minh các hành vi vi phạm; đồng thời làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, giải đáp pháp luật đất đai để mọi người biết và thực hiện theo pháp luật./.

Đăng Dương

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN