Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Nghĩ về hai “siêu dự án” ở Hà Nội

Thứ Tư, 04/05/2016 12:44 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Cùng với “siêu dự án” đô thị ven sông Hồng, nếu được Chính phủ chấp thuận, Hà Nội sẽ có thêm “siêu dự án” giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng. Diện mạo Hà Nội và các tỉnh lân cận sẽ thay đổi, nếu hai “ siêu dự án” đều “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”!


          Vào thời điểm sông Hồng cạn nước, giao thông đường thuỷ hết sức khó khăn (Ảnh TTXVN)

Năm 2009, giới khoa học đã lên tiếng phản biện “siêu dự án” đô thị ven sông Hồng tại Hà Nội. Đây là Dự án hợp tác giữa thành phố Hà Nội và Seoul (Hàn Quốc), với tổng đầu tư dự tính lên đến 7 tỉ USD.

Sau khi “lắng nghe và nghiên cứu kỹ”, 6 năm sau (tháng 7/2015), UBND thành phố Hà Nội đã có quyết định phê duyệt văn kiện dự án hỗ trợ kỹ thuật Chiến lược phát triển quy hoạch đô thị hai bên bờ sông Hồng tại Hà Nội. Theo đó, toàn bộ diện tích đất 3.000 ha nằm dọc hai bên bờ sông Hồng với chiều dài khoảng 11 km (từ cầu Thăng Long đến cầu Long Biên) sẽ hình thành một “siêu đô thị” tương tự mô hình thành phố hai bên bờ sông Hàn của Seoul.

Trên bờ có dự án, đương nhiên dưới nước phải có theo. Có lẽ, vì “logic” này mà Dự án giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng do Công ty TNHH Xuân Thiện đang được “khai mở”. Theo đó, “siêu dự án” này sẽ thực hiện nâng cấp tuyến vận tải đường thủy dọc sông Hồng trên cơ sở kết nối 2 tuyến vận tải thủy lớn là Hải Phòng - Việt Trì và Hà Nội - Lạch Giang; sẽ xây dựng 6 đập dâng nước và âu tàu, nạo vét hơn 288 km luồng sông Hồng đoạn từ Việt Trì lên Lào Cai đạt tiêu chuẩn sông cấp 3; kết hợp xây dựng 6 nhà máy thủy điện nhỏ; xây dựng 7 cảng dọc tuyến từ Hà Nội lên tới Lào Cai v.v.

“Siêu dự án” trên sông Hồng, với tổng vốn đầu tư dự kiến là 24.510 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD), trong đó, 30% tổng mức đầu tư do nhà đầu tư góp; phần còn lại huy động vốn vay thương mại. Hiện “siêu dự án” này đang trong giai đoạn trình Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư.

Công bằng mà nói, chúng ta cần trân trọng những ý tưởng lớn và mới về hai “siêu dự án” nhằm thay đổi diện mạo Hà Nội và các tỉnh lân cận, mà không phải là sử dụng nguồn vốn Nhà nước. Tuy nhiên, với bất kỳ dự án nào, đặc biệt là “siêu dự án”, cần phải làm rõ bốn vấn đề tối quan trọng: Sự cần thiết và cấp thiết; các yếu tố khoa học và môi trường; năng lực tài chính; khả năng quản lý và vận hành.

Ở hai “siêu dự án” nói trên, sự cần thiết đã nhận diện được, nhưng ba vấn đề còn lại cần phải được góp ý, phản biện để tạo ra sự đồng thuận.

Vấn đề địa chất và trị thủy trên sông Hồng vốn là vấn đề phức tạp, “nhạy cảm” mà hiện giới khoa học vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Phát triển thủy điện trên sông, xây dựng đô thị hai bên bờ sông, dù ít dù nhiều cũng ảnh hưởng đến tầng địa chất và quy luật dòng chảy của sông Hồng. Khi con người không tìm cách thích nghi, hòa hợp với điều kiện tự nhiên, thì sẽ kéo theo hệ lụy về môi trường.

“Siêu dự án” trên sông Hồng không dùng nguồn vốn Nhà nước, điều đó không phải không có thách thức. Bài học về các dự án BOT giao thông đang hiện hữu, khi không ít chủ đầu tư lệ thuộc vào nguồn vốn của ngân hàng thương mại (thực ra đó là nguồn vốn huy động ngắn hạn trong dân), dẫn đến dự án chậm tiến độ, đối vốn...

Quản lý và vận hành dự án, vấn đề tưởng như không mới, nhưng lại rất mới. Cái mới không nằm ở sự cần cù lao động, mà phụ thuộc vào trình độ, sự sáng tạo của đội ngũ công nhân và nhà quản lý. Ở những dự án tính bằng tỷ USD, thì máy móc, thiết bị... đều theo chuẩn quốc tế, điều này đồng nghĩa với nhân sự phải đạt chuẩn. Chúng ta có rất nhiều trường nghề, trường đại học đào tạo mọi loại hình, nhưng số trường đạt chuẩn quốc tế dường như...rất hiếm!

Rất nhiều thách thức đang đặt ra với hai “siêu dự án”, nhưng không vì thế mà sợ khó, nản lòng, nếu biết huy động trí tuệ tập thể, nếu mọi quy trình đều công khai, minh bạch...

Đăng Dương

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN