Nghị quyết 36-NQ/TƯ: Hiện thực hóa “Khát vọng Việt Nam”
(ĐCSVN) – Việc tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết 36-NQ/TƯ sẽ tạo nền tảng để xây dựng, phát triển đất nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, góp phần đạt được “Khát vọng Việt Nam” đến 2045 - Quốc gia hùng cường, phồn vinh và hạnh phúc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Đó là khẳng định của PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, đại biểu Quốc hội TP.Hải Phòng khi trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về phát triển kinh tế biển xanh nhằm hiện thực hóa Nghị quyết 36-NQ/TƯ về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phóng viên (PV): Là chuyên gia nhiều năm nghiên cứu về phát triển kinh tế biển, ông có thể cho biết thế nào là nền kinh tế biển xanh và Nghị quyết 36-NQ/TƯ có vai trò như thế nào trong việc đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về biển, giàu về biển?
PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi: Khái niệm kinh tế xanh lam (Blue economy) không chỉ sử dụng cho kinh tế biển, mà còn cho cả kinh tế các thủy vực nước ngọt trên đất liền, như: sông, suối, hồ, hồ chứa, ao, đầm,... Vì thế, thuật ngữ “kinh tế biển xanh” (Blue marine economy) chính là để phân biệt và nhấn mạnh đến việc ưu tiên phát triển kinh tế gắn với bảo toàn nguồn vốn tự nhiên biển. Phát triển kinh tế biển xanh là một mô thức mới nổi trong phát triển kinh tế biển, tập trung chủ yếu vào thúc đẩy tăng trưởng cao và bền vững các ngành kinh tế biển; ngăn ngừa suy thoái môi trường, giảm thiểu và thích ứng biến đổi khí hậu, sự kiệt quệ tài nguyên và hủy hoại sinh thái. Nên, đơn giản nhất kinh tế biển xanh được xem là nền tảng để phát triển bền vững kinh tế biển, lấy tài nguyên-môi trường biển làm “chất xúc tác”.
Nước ta có lợi thế vượt trội về biển với nhiều giá trị tầm cỡ quốc gia và toàn cầu. Ảnh: TL. |
Nhận thức rõ vai trò của biển đối với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ các quyền và lợi ích của Việt Nam trên Biển Đông, tháng 10 năm 2018 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TƯ về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết 36 đồng nghĩa với việc Đảng và Nhà nước gửi đi một thông điệp về phát triển bền vững biển, đảo, phù hợp với bối cảnh yêu sách chủ quyền phức tạp, khó lường và lâu dài ở Biển Đông. Phát triển kinh tế biển hiệu quả và bền vững sẽ hỗ trợ nguồn lực cho bảo vệ vững chắc chủ quyền và là điều kiện tiên quyết để thực hiện “Chủ quyền dân sự” của Việt Nam ở những vùng biển nước ta tuyên bố có quyền và lợi ích, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Cho nên, tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết 36 sẽ tạo nền tảng để xây dựng, phát triển đất nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, góp phần đạt được “Khát vọng Việt Nam” đến 2045 - Quốc gia hùng cường, phồn vinh và hạnh phúc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
PV: Kinh tế biển có vai trò và là động lực quan trọng để phát triển kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, hiện nay việc khai thác quá mức tài nguyên biển đã gây hậu quả nghiêm trọng tới môi trường, hệ sinh thái biển. Ông có thể cho biết thực trạng vấn đề này và giải pháp khắc phục?
PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi: Nước ta có lợi thế vượt trội về biển với nhiều giá trị tầm cỡ quốc gia và toàn cầu, một số đạt giá trị ngoại hạng toàn cầu, được các tổ chức quốc tế vinh danh. Đó là tiền đề để Việt Nam phát triển một nền kinh tế biển mạnh và bền vững. Nghị quyết 36 đã chỉ ra cách làm sao cho “có của ăn, của để”, đóng góp thực chất vào bảo đảm môi trường hòa bình ở Biển Đông và cải thiện sinh kế của người dân ven biển, trên đảo, tạo động lực quan trọng để phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, tài nguyên biển đã và đang bị khai thác quá mức, bị bòn rút và môi trường biển bị đầu độc,...đã gây hậu quả nghiêm trọng tới môi trường, đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển. Các vấn đề bức xúc này nếu chậm được khắc phục chắc chắn sẽ ảnh hưởng xấu đến mục tiêu phát triển bền vững kinh tế biển đất nước theo tinh thần Nghị quyết 36.
Các hậu quả chính của quá trình phát triển kinh tế biển-ven biển thiếu bền vững, đáng kể là: Trữ lượng thủy sản ở vùng biển thềm lục địa và vùng biển Trường Sa nước ta suy giảm gần 16% so với trước năm 2010; Diện tích các hệ sinh thái tiêu biểu cho xứ sở nhiệt đới (rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn,...) - nơi cư trú và sinh đẻ của các loài thủy sản nước lợ và mặn, bị suy giảm 40-60% và khả năng phục hồi chậm hoặc không thể; Lượng chất thải, đặc biệt chất thải rắn (bao gồm rác thải nhựa) chưa được xử lý hoặc xử lý chưa triệt để đổ ra biển và vùng ven biển ngày càng nhiều; Các sự cố môi trường và tài nguyên biển-ven biển có chiều hướng gia tăng về số lượng và quy mô, nổi lên là các vụ tràn dầu/hóa chất, chất thải từ các khu công nghiệp ven biển, các vật/chật nhận chìm,...
PV: Với yêu cầu phát triển trong tình hình mới, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, Việt Nam cần triển khai quy hoạch không gian biển như thế nào để đạt các mục tiêu phát triển kinh tế biển trong tương lai?
PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi: Các hậu quả từ phát triển nói trên không chỉ làm nảy sinh các chồng chéo/xung đột trong sử dụng không gian biển – ven biển, mà còn làm cường hóa tính dễ bị tổn thương, dẫn đến giảm khả năng chống chịu trước các tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Điều đó đặt ra nhu cầu và yêu cầu phải có các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu và thích ứng - giải pháp xanh (Blue solution) ở các cấp độ khác nhau: quốc gia, tỉnh và cộng đồng. Trong số các giải pháp thì quy hoạch không gian biển và tiếp cận kinh tế tuần hoàn, cũng như tăng cường kiểm soát của nhà nước cần được chú ý thúc đẩy.
Hiện quy hoạch không gian biển (QHKGB) đang được triển khai ở cấp quốc gia theo tinh thần của Luật Quy hoạch (2017), cấp độ tỉnh và thấp hơn không áp dụng công cụ này. Đây cũng là điều bất cập khiến các tỉnh/thành phố trung ương ven biển “lúng túng” trong quá trình xây dựng quy hoạch cấp tỉnh/thành phố trung ương vì cùng với việc định hướng phát triển phải bố trí không gian biển cho từng hành động phát triển giai đoạn 2021 - 2030. Trong khi QHKGB quốc gia không thể chi tiết đến mức địa phương cần, nên các địa phương cần chủ động tiến hành phân vùng sử dụng không gian biển theo chức năng trong thẩm quyền quản lý của địa phương (trong phạm vi 6 hải lý và vùng ven biển). Bởi vậy, cần lồng ghép các cân nhắc và vấn đề biến đổi khí hậu, nước biển dâng và kết quả phân tích xung đột lợi ích trong sử dụng không gian biển hiện nay vào phương án QHKGB quốc gia. Đặc biệt, cần chú ý ưu tiên các khu vực biển có tiềm năng bảo tồn và phát triển ngành/lĩnh vực kinh tế biển dựa vào bảo tồn.
PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, đại biểu Quốc hội TP.Hải Phòng trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về phát triển kinh tế biển xanh. Ảnh: BL. |
PV: Phát triển kinh tế biển xanh và bền vững là xu hướng của quốc tế, theo ông có thể áp dụng kinh nghiệm nào của thế giới trong việc phát triển kinh tế biển để từ đó có giải pháp và quyết sách đúng đắn triển khai tại Việt Nam?
PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi: Trên thế giới, kinh tế biển xanh dù còn là “hình thái” kinh tế non trẻ, nhưng đã có những đóng góp cho tăng trưởng nhanh hơn, bền vững hơn và sẽ dần thay thế các hình thái kinh tế “truyền thống” thuộc mảng kinh tế “nâu”, trong khi vẫn duy trì và phục hồi các hình thái kinh tế dựa vào tự nhiên. Các thực tiễn tốt và các giải pháp xanh từng bước xuất hiện và được tổng kết để soi rọi lại các quan niệm và cơ chế chính sách về kinh tế xanh nói chung và kinh tế biển xanh nói riêng. Thực tế vừa qua chỉ ra rằng, kinh tế biển xanh không chỉ duy trì và gia tăng nguồn vốn tự nhiên mà còn làm gia tăng sản phẩm quốc nội (GDP). Kinh tế biển xanh góp phần củng cố tăng trưởng kinh tế cho người nghèo thông qua việc bảo vệ và tích lũy vốn tự nhiên, cũng như nguồn sinh kế cho cộng đồng địa phương.
Gần đây, sự suy giảm tài nguyên, trong đó có các hệ sinh thái biển và gia tăng chất thải, đặc biệt là chất thải nhựa đổ ra biển, được cho là hậu quả từ các hoạt động “Kinh tế tuyến tính”. Nên gần đây “Kinh tế tuần hoàn” được coi là giải pháp tổng thể và bền vững nhất và là cách tốt nhất để phá vỡ mối liên hệ lâu nay giữa tăng trưởng kinh tế và các ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường. Kinh tế tuần hoàn là một hệ thống có tính khôi phục và tái tạo thông qua các thiết kế chủ động. Kinh tế tuần hoàn cũng đóng góp quan trọng vào việc thực hiện 15/17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), trong đó có mục tiêu SDG-14 về biển và đại dương. Kinh tế tuần hoàn bảo tồn và phát triển vốn tự nhiên biển thông qua việc sử dụng hợp lý và tái tạo tài nguyên, sử dụng năng lượng tái tạo,...
Tôi cho rằng các bài học kinh nghiệm chung để chuyển tiếp sang nền kinh tế biển xanh là: Cần nỗ lực liên kết của các nhà: Nhà quản lý, nhà đầu tư, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp, người sản xuất và cộng đồng địa phương; Lộ trình chuyển tiếp từng bước, từ Thay đổi nhận thức đến Thiết kế mô hình - Phát triển các mối liên kết mới - Khai thác tìm kiếm công nghệ và sáng tạo - Thử nghiệm quy mô nhỏ - Tạo nên chuyển biến xã hội - Thương mại hóa và nhân rộng; Đổi mới tư duy, thay đổi nhận thức và thúc đẩy sáng tạo công nghệ mới, ít carbon và các chính sách khuyến khích là các ngoại lực thúc đẩy chuyển tiếp sang nền kinh tế xanh, tuần hoàn; Áp lực của yêu cầu thị trường, người sử dụng và xã hội là động lực tích cực điều khiển sự chuyển tiếp sang mô hình kinh tế biển xanh và bền vững; Cơ chế hỗ trợ (tài chính, tư vấn công nghệ và quản lý) cho các doanh nghiệp biển vừa và nhỏ liên kết chuỗi với nhau là rất cần thiết./.